DNews

"Nói tiền tôi thu được tôi tiêu, vậy ai về tỉnh nghèo lo giữ biên giới?"

Hoài Thu

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc phân bổ nguồn thu từ đất ở các thành phố lớn về ngân sách Trung ương là để đầu tư các dự án trọng điểm và hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn.

"Nói tiền tôi thu được tôi tiêu, vậy ai về tỉnh nghèo lo giữ biên giới?"

Dự án Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi được Quốc hội bàn thảo tại hội trường sáng 26/5 với nhiều ý kiến còn khác nhau liên quan một số quy định mới được sửa đổi, như thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định tổng chi ngân sách, tỷ lệ phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương…

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ quan điểm về những nội dung này.

Nguồn thu tiền sử dụng đất là của quốc gia, không phải của địa phương

Tỷ lệ điều tiết khoản thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, khi nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn nêu quan điểm muốn giữ lại 100% tiền thu từ đất để phục vụ cho các mục tiêu phát triển ở địa phương, thay vì giảm tỷ lệ này xuống 70% như dự thảo Luật sửa đổi đang đề cập. Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào?

- Về tỷ lệ phân chia, để bảo đảm việc linh hoạt, không nên quy định cứng tỷ lệ này trong luật. Thay vào đó, giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính chủ động theo từng thời kỳ.

Trên tinh thần này, các khoản thu ngân sách được điều tiết theo tỷ lệ phần trăm phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương. Điều này khuyến khích cả cấp tỉnh và cấp Trung ương cùng cố gắng trong công tác thu ngân sách.

Chẳng hạn, khoản thu thuế xuất nhập khẩu, trước đây ngân sách Trung ương hưởng 100% nhưng nay quy định theo tỷ lệ phần trăm, như vậy cả tỉnh và Trung ương đều có động lực cố gắng thu và được điều tiết vào ngân sách của mình.

Quy định phân bổ nguồn thu từ tiền sử dụng đất về ngân sách Trung ương, là để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như đường cao tốc hay đầu tư cho các tỉnh nghèo như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum… Họ lấy đầu ra nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng kết nối, nên Trung ương phải điều tiết để đầu tư.

Tiền thu từ đất lớn chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Rõ ràng những địa phương này có quy mô ngân sách rất lớn và luôn luôn vượt thu ngân sách. Đây cũng là những nơi có điều kiện về địa chính trị, là nơi được Trung ương đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng nên mới được thụ hưởng những kết quả đó.

Vì vậy, tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất về ngân sách Trung ương nhằm mục đích sử dụng nguồn thu này để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia và hỗ trợ cho các địa phương nhằm có sự phân bổ đồng đều, hài hòa để đảm bảo sự phát triển.

Hơn nữa, nguồn thu tiền sử dụng đất là nguồn thu của quốc gia chứ không phải của một địa phương.

Nguồn này cần được điều tiết để Chính phủ thực hiện đầu tư những dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc, các tuyến đường liên tỉnh và hỗ trợ đầu tư công cho các tỉnh không có nguồn thu từ tiền sử dụng đất như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Gia Lai… Phải lấy nguồn thu của ngân sách Trung ương để đầu tư, nếu không Chính phủ phải đi vay nước ngoài để đầu tư.

Nói tiền tôi thu được tôi tiêu, vậy ai về tỉnh nghèo lo giữ biên giới? - 1

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc (Ảnh: Minh Châu).

Vấn đề đặt ra là phải sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất, phù hợp với điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển toàn diện.

Tỉnh nào cũng nói tôi thu được thì tôi tiêu, nhưng như vậy ai sẽ ở những tỉnh nghèo lo giữ biên giới, ai lo cho dân vùng khó khăn? Thậm chí ông nói ông làm giỏi, vậy thử đưa ông về điều hành ở các tỉnh khó khăn xem có giỏi hơn không?

Nói như vậy để thấy việc điều tiết về ngân sách Trung ương là hợp lý, vừa phù hợp với chủ trương chính trị, vừa phù hợp đạo lý, vừa đảm bảo quy định của pháp luật.

Địa phương có thể vay 120% dư nợ, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi không quy định thẩm quyền Quốc hội quyết định tổng chi ngân sách Trung ương của từng bộ, cơ quan theo lĩnh vực mà giao Chính phủ phân bổ chi tiết. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng như vậy là vi hiến và đề nghị giữ nguyên như hiện hành. Quan điểm của Phó Thủ tướng về việc này thế nào?

- Đó là do cách hiểu, nhiều người nói vi hiến nhưng không phải. Hiến pháp quy định Quốc hội có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách Trung ương, còn dự toán ngân sách địa phương do HĐND tỉnh phân bổ. Nhưng với dự toán ngân sách Trung ương, phạm vi phân bổ của Quốc hội như thế nào phải xác định rõ.

Vì Quốc hội là cơ quan lập pháp, còn Chính phủ là cơ quan hành pháp. Quốc hội không có cơ quan chuyên môn để thẩm định và cũng không có chức năng điều hành từng khoản chi cụ thể.

Vì vậy, về phân bổ dự toán tổng thể hàng năm, Quốc hội phân bổ là đúng Hiến pháp. Nhưng đối với việc phân bổ chi tiết cho từng bộ, ngành thì giao cho Chính phủ.

Chính phủ phân bổ dự toán ngân sách cho các bộ, ngành hoặc ủy quyền cho bộ trưởng, trưởng ngành phân bổ riêng từng khoản cho các đơn vị để thực hiện, nếu cấp nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm... Ngoài ra, Chính phủ còn quản lý và điều hành ngân sách đảm bảo hiệu quả.

Chỉ khi nào có sự thay đổi lớn về cơ cấu, về phạm vi dự toán, chẳng hạn như tăng ngân sách của từng ngành, mới trình và báo cáo Quốc hội.

Ví dụ chúng ta quy định chi cho khoa học công nghệ 3% tổng GDP, nhưng trong quá trình thực hiện, nếu có dự án lớn và chính sách thay đổi mà cần thêm ngân sách, thì phải trình, báo cáo Quốc hội phân bổ.

Còn trong phạm vi dự toán ngân sách đã được Quốc hội duyệt, việc phân bổ chi tiết và điều hành là do Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định việc chi tạm ứng từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Điều này rất cần thiết vì trong quá trình điều hành, có một số địa phương, đơn vị do điều kiện khách quan như bão lụt, thiên tai, địch họa, hoặc những vấn đề ảnh hưởng đến kế hoạch thu, dẫn đến thiếu nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ, thì cơ quan tài chính cấp trên có thể cho cấp dưới tạm ứng và trả trong năm.

Trường hợp trong năm không trả được thì phải trả vào năm liền kề, còn không thì phải trừ vào ngân sách cân đối của năm sau để đảm bảo kỷ luật tài chính.

Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo Luật quy định với địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương, mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp, với địa phương không tự cân đối thì mức này tối đa 80%. Nhiều ý kiến lo ngại việc này có thể ảnh hưởng tới an toàn tài chính, thưa Phó Thủ tướng?

- Theo quy định hiện hành, với các địa phương chưa cân đối được ngân sách chỉ được vay 30%, còn địa phương cân đối được ngân sách được vay khoảng 60%. Hiện nay, mức này được đề xuất nâng lên 80% và 120%.

Nói tiền tôi thu được tôi tiêu, vậy ai về tỉnh nghèo lo giữ biên giới? - 2

TPHCM đề xuất được giữ lại 100% khoản thu từ đất thay vì 70% như dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi đề xuất (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).

Tuy nhiên, vẫn phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vay này. Mục tiêu là để đảm bảo lãi suất thấp nhất, sử dụng vốn đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả cao nhất.

Quan trọng hơn là tránh việc bùng nổ làm tăng nợ công, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của quốc gia. Đây là một vấn đề cần thiết phải kiểm soát.

Về dự phòng ngân sách, trước đây quy định là 2% đến 4% tổng chi ngân sách.

Đây là khoản được sử dụng để chi cho các vấn đề đột xuất, khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh hay mục tiêu chi cho an ninh quốc phòng, dự trữ quốc gia, tức là những nhiệm vụ chi chưa xác định được nhiệm vụ chi cụ thể. Vì vậy, việc nâng tỷ lệ này lên khoảng 5% như lần sửa đổi này là phù hợp.

Dự phòng ngân sách được giao cho các cấp chính quyền điều hành, cụ thể là Chính phủ, Thủ tướng và chủ tịch UBND điều hành và theo định kỳ báo cáo việc này với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội. Làm như vậy là phù hợp, đảm bảo sự linh hoạt trong ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!