Nơi "quan" được quyền... đánh dân
Quần đảo “Hải tặc” (xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) chỉ cách đất liền vài chục cây số nhưng ở đây, cán bộ lộng quyền, người dân bị bắt bớ, giam giữ, đánh đập vô cớ...
Thản nhiên thừa nhận đánh dân
Anh Châu Văn Phát, ngụ tại ấp Hòn Tre tố cáo: Anh bị mời về trụ sở công an xã để lập biên bản trong 1 vụ đánh nhau. Làm việc xong thì Phát bị nhốt vào phòng, tắt điện và bị ông Trần Ngọc Xinh - Phó công an xã dẫn thêm một người vào phòng và đánh. Hôm sau Phát phải vào đất liền nhập viện chữa các vết thương.
Vụ việc được khiếu nại lên xã và công an thị xã Hà Tiên nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Các anh: Trần Hoàng Tý, Trần Tiên Hải, Mai Văn Hội… cũng tố cáo ông Xinh vô cớ đánh người.
Đầu tháng 2/2006, bà Đặng Ngọc Mến có 3 chiếc tàu đánh cá bị kẻ xấu bỏ đường cát vào máy tàu gây thiệt hại 40 triệu đồng. Vụ việc được báo ngay cho công an xã nhưng cũng rơi vào im lặng.
Tôi ôm hàng loạt đơn thư của dân lên gặp vị Phó công an xã Tiên Hải. Ông Xinh thừa nhận đã từng đánh dân và bị kỷ luật “khiển trách”.
"Gia đình trị" và đánh bạc
Ông Phan Bình Tương là Chủ tịch UBND xã Tiên Hải. Ông Tương có ông Phan Hồng Phúc - Trưởng công an xã là cháu ruột, có Trưởng ban Tài chính xã Bùi Thanh Tấn là anh em cô cậu ruột, có các cháu kêu bằng cậu là Xã đội trưởng Nguyễn Thành Thái và Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Phúc.
Rồi vợ của ông Phúc (Phó Chủ tịch xã) là bà Cao Thị Thiên Kim làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Chủ tịch mặt trận xã Lương Văn Sơn là sui gia với Phó chủ tịch Phúc.
Có lần cấp trên về đảo tiếp xúc cử tri, chính quyền sợ dân kiến nghị nên tổ chức tại nhà riêng của Phó chủ tịch Phúc tại Bãi Nam ở rìa xã. Trưởng công an xã cũng tự ý ký vào giấy xác nhận mua bán đất của dân.
Anh Nguyễn Thành Chính, một người dân trong xã than vãn: Gia đình Chủ tịch Tương cùng một số cán bộ xã đến trước cửa biển nhà anh đóng cọc nuôi rau câu. Anh Chính cũng chặt cây, đóng cọc nuôi, được mấy hôm thì Chủ tịch Tương ra lệnh cho công an xã huy động lực lượng đem còng, roi điện, súng ống tới khống chế, mời về xã làm việc.
Vợ của các cán bộ xã thường xuyên tổ chức đánh bạc. Địa điểm tổ chức là nhà riêng của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Hùng, nay là cán bộ Tuyên giáo thị xã Hà Tiên. Chủ sòng là bà Phạm Ngọc Thuyền (vợ ông Hùng) và bà Phan Ngọc Sương (vợ Phó bí thư Phan Thanh Quang).
Mức chơi thấp nhất từ 10 ngàn đến 100 ngàn đồng/ván. Có những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, có con bạc mất vài chục triệu. Có lần công an xã bắt quả tang mẹ vợ của ông Phan Thanh Quang đánh bạc, lập biên bản xong thì hôm sau phải vòng tay xin lỗi vì… dám “phạm thượng”.
Tùy tiện lấy đất của dân
Trước đây phải vận động dân ra đảo sinh sống. Khi rục rịch có chủ trương quy hoạch du lịch, giá đất đai trở nên “nóng” thì dân lại bị cán bộ chiếm đất.
Bà Nguyễn Thị Gái trình bày: Năm 1956, khi bị địch truy bắt vì nuôi cán bộ trong rừng Phú Quốc, gia đình bà đã chạy qua quần đảo “Hải tặc” và khai hoang trồng nên vườn dừa.
Năm 2003, bà làm thủ tục để chia khu vườn thành 5 phần cho các con thì mấy ông cán bộ xã chỉ duyệt có 3 phần, nhùng nhằng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Theo bà Gái thì một cán bộ ở xã đang tiến hành làm thủ tục hợp thức hóa 2 lô đất còn lại của bà.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Hợi từ Quảng Bình vào xã Tiên Hải lập nghiệp từ năm 1990. Năm 1996, ông xin xã khai hoang trồng cây. Ông Hợi từng được công nhận là nông dân sản xuất giỏi trên miếng đất này.
Vừa qua khi xin hợp thức hóa thì ông Phó bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Quang ra điều kiện phải ký vào một tờ giấy mua bán đất đã viết sẵn, giá 4 triệu đồng thì mới cho hợp thức hóa một phần. Một nguồn tin cho hay số đất còn lại sẽ chia chác cho một số cán bộ xã.
Anh Nguyễn Văn Dương năm 2002 mua 1 lô đất có nguồn gốc do anh Bình - bộ đội biên phòng khai hoang năm 1994. Năm 2005, ông Phó bí thư Quang tới nói đất là của con ông và đưa cho anh Dương 500.000 đồng rồi thuê máy ủi san phẳng. Anh Dương mất nhà phải đi ở trọ, vợ và 2 con phải dắt nhau về Quảng Bình.
Theo một nguồn tin, nhiều hồ sơ hợp thức hóa đất trên xã đảo Tiên Hải là của cán bộ xã và người nhà của họ, đang nằm tại phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Hà Tiên. Một số cán bộ trong đất liền cũng dòm ngó đất đai trên đảo.
Những trò lộng hành của cán bộ ở đảo "Hải tặc" vẫn ngang nhiên tồn tại, mà chưa hề bị cấp trên can thiệp.
Theo Hồng Lĩnh
Tiền Phong