Nói mãi không nghe, Hà Nội quyết đóng cửa nhiều lò mổ
(Dân trí) - Tận mắt chứng kiến “công nghệ hóa kiếp” lợn rất mất vệ sinh, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng yêu cầu kiên quyết đóng cửa các lò mổ không đạt yêu cầu. Riêng lò mổ Thịnh Liệt, cung cấp 50% thịt lợn cho thành phố, phải đóng cửa trước ngày Đại lễ.
Rạng sáng 18/9, Phó Chủ tịch cùng đoàn kiểm tra liên ngành thị sát lò mổ Thịnh Liệt, nơi có công suất “hóa kiếp” hơn 1.200 con lợn mỗi ngày, cung cấp gần 50% lượng thịt lợn cho cả TP.
Ngoài cổng, vài chục chiếc xe máy đang chất đầy những con lợn “trần truồng” chuẩn bị giao đến các phiên chợ. Trong lò mổ, tiếng lợn kêu kêu eng éc hòa cùng tiếng xô chậu loảng xoảng kèm theo mùi hôi thối của phân, mùi nồng nồng của cống rãnh... bốc lên nồng nặc.
Dường như đã quá quen với cảnh này, hàng trăm người vẫn tất bật tay dao tay thớt… thịt lợn ngay dưới sàn nhà. Chúng tôi chứng kiến những đống thịt đỏ au được để dưới bên cạnh những đống lẫn lộn đủ thứ từ lông, tiết, mỡ và cả... phân lợn.
Tương tự, tại một số lò mổ lợn tại Đại Mỗ và Triều Khúc (Từ Liêm), đoàn kiểm tra cũng chứng kiến cách làm thịt lợn thủ công, bẩn thỉu, mất vệ sinh ở mốt số cơ sở giết, mổ lợn. “Từ Liêm có 13 lò mổ, trong đó có 6 lò mổ không phép bị chúng tôi xử phạt nhiều lần. Do khung hình phạt quá nhẹ, tình trạng vi phạm của các lò mổ trên vẫn tiếp diễn”, ông Nguyễn Văn Thanh, Đội phó Đội quản lý thị trường số 6 Hà Nội cho biết.
Đóng cửa nhiều lò mổ không lo thiếu thịt
Đối với lò mổ Thịnh Liệt (Hoàng Mai) ông Tưởng chỉ đạo sở Công thương: “Bất luận thế nào cũng phải đóng cửa trước ngày diễn ra Đại lễ”. Nguyên nhân là do lò mổ Thịnh Liệt nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái diễn.
Còn những lò mổ nằm trên địa bàn các quận huyện Thanh Xuân, Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ... chính quyền phải có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ, nếu lò mổ không có giấy phép hoặc có nhưng không đạt yêu cầu phải đóng cửa trước 30/10.
Quang Phong