1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của cha con Bác Hồ

Doãn Công

(Dân trí) - Mảnh đất Bình Định là nơi chứng kiến cuộc chia tay lịch sử của Bác Hồ và thân phụ - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), ngày 19/5, tỉnh Bình Định tổ chức lễ dâng hoa tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn.

Bình Định tự hào là nơi ghi lại dấu ấn về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) - thân sinh của Bác Hồ - làm Tri huyện tại Huyện đường Bình Khê ở Đồng Phó (nay là xã Tây Giang, huyện Tây Sơn).

Nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của cha con Bác Hồ - 1

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tổ chức lễ dâng hương tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn (Ảnh: Doãn Công).

Theo tài liệu lịch sử, tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế phái vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau đó, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê vào tháng 7/1909.

Khi làm Tri huyện Bình Khê, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành.

Tháng 1/1910, cụ bị vu tội "lạm quyền" dẫn đến cái chết của một điền chủ và bị triều đình Huế triệu về kinh bãi chức. Sau đó, cụ rời Huế vào Nam Bộ sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học. Đến tháng 11/1929, cụ qua đời tại tỉnh Đồng Tháp.

Nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của cha con Bác Hồ - 2

Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Dũng Nhân).

Tại thành phố Quy Nhơn, khu Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành thể hiện cuộc chia tay lịch sử của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc trước khi Người bôn ba tìm đường cứu nước.

Đây là công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước. Công trình còn thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thủy chung son sắt, sự biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Cũng ở Quy Nhơn, khoảng tháng 5/1909 đến tháng 8/1910, ghi dấu thời gian Nguyễn Tất Thành được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi lại nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ (thân phụ của Giáo sư Phạm Ngọc Thạch), lúc ấy đang là giáo viên của Trường Pháp - Việt Quy Nhơn để trau dồi tiếng Pháp.

Nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của cha con Bác Hồ - 3

Tượng mô phỏng gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc từ Nghệ An vào kinh đô Huế trưng bày tại Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc (Ảnh: Hiếu Trọng - Ban Quản lý Di tích Huyện đường Bình Khê).

Theo tác giả Đỗ Quyên trong tác phẩm "Nguyễn Tất Thành ở Bình Định", nơi ở của cụ Phạm Ngọc Thọ nằm trong khuôn viên khu tập thể liên cơ (số 8B, Trần Bình Trọng, thành phố Quy Nhơn).

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, địa chỉ này chính là kho lương thực cũ số 147, Trần Hưng Đạo, đối diện Tòa Giám mục Quy Nhơn.

Ngoài ra, hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn, người dân địa phương từ lâu quen gọi là "ao cá Bác Hồ". Dù chưa có văn bản xác lập chính thức, nhưng cách gọi này thể hiện lòng ngưỡng mộ và sự gần gũi của Bác trong nhân dân.

Nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của cha con Bác Hồ - 4

Hồ Phú Hòa ở Quy Nhơn được người dân địa phương gọi là ao cá Bác Hồ (Ảnh: Doãn Công).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, mặc dù những tháng ngày Bác Hồ ở Bình Định so với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người không nhiều. Nhưng đó là dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành.

"Đây là niềm vinh dự tự hào của quê hương Bình Định. Mỗi địa danh, tên đất, tên người gắn liền với tuổi thơ, thanh niên của Bác Hồ đều đã đi vào lịch sử. Trong đó có mảnh đất Bình Định, nơi Bác có thời gian sống, học tập trong hành trình tìm đường cứu nước. Qua đó, góp phần quý báu trong giáo dục truyền thống và lý tưởng cho thế hệ trẻ hôm nay", Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Huyện bày tỏ.