Quảng Ngãi:
Nỗi buồn mất cha của "người rừng" Hồ Văn Lang
(Dân trí) - Sống tách biệt trong rừng sâu hơn 40 năm nên tưởng chừng "người rừng" Hồ Văn Lang (50 tuổi, xã Trà Phong, huyện Tây Trà) không biết buồn. Thế nhưng, từ khi cha mất, nụ cười thường thấy của Hồ Văn Lang không còn nữa, thay vào đó là sự trầm lặng của người con mất cha.
Hoảng sợ sau một trận bom dội xuống làng, ông Hồ Văn Thanh dẫn theo con trai lớn là Hồ Văn Lang vào rừng sâu trú ẩn, sống tách biệt với cộng đồng.
Hơn 40 năm sau, 2 cha con "người rừng" ấy được phát hiện đưa về hòa nhập cộng đồng. Câu chuyện về cuộc giải cứu 2 người rừng vào năm 2013 tại Quảng Ngãi đã từng gây chấn động báo chí trong nước và quốc tế.
Sau khi được đưa về sống cùng gia đình em trai, "người rừng" Hồ Văn Lang và cha dần hòa nhập với cuộc sống bình thường. Trở về từ rừng sâu nên cái gì đối với Hồ Văn Lang cũng lạ, cũng hấp dẫn. Đi đâu, gặp ai Hồ Văn Lang đều nở nụ cười vô tư. Những tưởng anh Lang không bao giờ biết buồn.
Được sự giúp đỡ của em trai Hồ Văn Tri, Hồ Văn Lang dần thay đổi được cách sống "hồn nhiên" trong rừng. Thế nhưng, có một điều không thay đổi là Hồ Văn Lang luôn quấn quýt bên cha như những ngày chỉ có 2 cha con trong rừng sâu.
Anh Hồ Văn Tri, cho biết: "Chưa bao giờ thấy anh Lang xa cha quá lâu, cứ đi đâu một tí là lại đòi về gặp cha. Sống quá lâu với cha giữa rừng sâu tách biệt nên thói quen bên cạnh cha của anh Lang không thể thay đổi. Có thời gian cha phải đi nằm viện anh Lang cũng đi theo, đến đêm anh cũng nằm bên cạnh".
Nhiều người tham gia cuộc giải cứu 2 cha con kể lại, lúc mới phát hiện ông Thanh rất yếu nên phải dùng cáng đưa ra khỏi rừng. Mọi người quyết định đưa anh Hồ Văn Lang ra trước, nhưng anh Lang nhất quyết không rời cha. Đến khi cha được khiêng đi thì anh Lang mới lẽo đẽo theo sau.
Sau 4 năm rời khỏi rừng sâu, cuối năm 2017, ông Hồ Văn Thanh qua đời. Kể từ đó, "người rừng" Hồ Văn Lang trở nên trầm lặng.
Khi chúng tôi đang trò chuyện với anh Hồ Văn Tri thì anh Hồ Văn Lang trở về sau một ngày làm rẫy. Vứt vội bó củi xuống một góc nhà, "người rừng" lặng lẽ đến bên bàn thờ thắp nhang cho cha.
Rồi cũng lặng lẽ như thế, "người rừng" bắt tay vào công việc chăm sóc vài con heo, chăm đàn gà, nấu bữa cơm tối. Hồ Văn Lang không còn nở nụ cười vô tư như những lần gặp trước.
"Ngày nào cũng vậy, việc đầu tiên của anh Lang sau khi về nhà là đến thắp nhang rồi đứng bên bàn thờ cha rất lâu. Từ lúc cha mất, anh Lang không còn nói cười như trước", anh Tri nói.
Theo anh Hồ Văn Tri, lúc trước khi có khách lạ đến thăm 2 cha con, anh Lang đều nhờ người làm "thông dịch viên" để trò chuyện, cười nói vui vẻ. Còn bây giờ, anh Lang không còn muốn nói chuyện với người lạ. Phần lớn thời gian trong ngày anh đều tìm công việc để làm.
"Bình thường anh Lang đi trồng keo, hái cau thuê. Những lúc không ai thuê thì anh lên rừng hái phong lan, đốn củi về bán kiếm tiền mua gạo. Những lúc ở nhà anh thường chăm sóc heo, gà, trồng rau. Chỉ khi làm việc như thế mới thấy anh vui vẻ hơn một chút", anh Tri nói.
Trở về với cuộc sống đời thường, Hồ Văn Lang cũng muốn có vợ nhưng đâu ai chịu lấy một "người rừng" đã lớn tuổi dù em trai Hồ Văn Tri nỗ lực mai mối. Để rồi khi người cha gắn bó với mình hơn 40 năm trong rừng sâu mất đi, anh Hồ Văn Lang chỉ còn một mình trong căn nhà nhỏ.
"Nhiều đêm thấy anh Lang đi lang thang rồi đứng nhìn vào rừng rất lâu. Chắc những lúc đó anh Lang nhớ lại thời gian được sống cùng cha", anh Tri nói.
Gần 5 năm trước, khi mới được đưa về làng, anh Hồ Văn Lang bảo nhớ rừng. Hơn 1 năm sau đó, anh Lang cười tươi bảo đã hết nhớ rừng vì được sống trong nhà mới cùng cha. Bây giờ, chỉ còn một mình Hồ Văn Lang trong căn nhà nhỏ cùng bàn thờ cha nên nụ cười vô tư đã mất. "Người rừng" Hồ Văn Lang buồn vì mất cha.
Quốc Triều