1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Người rừng” Hồ Văn Lang gói bánh, phấn chấn chờ giao thừa

(Dân trí) - “Mấy ngày cuối năm, anh Lang thấy mọi người hồ hởi đi mua sắm, cúng, gói bánh tét,… anh cũng rất vui và nhiều đêm khó ngủ vì mong đến ngày Tết”, em trai Hồ Văn Tri nói.

Khi còn tuổi ấu thơ chưa biết gì, Lang đã theo cha Hồ Văn Thanh (82 tuổi) vào rừng sâu sống biệt lập. Suốt 40 năm qua, Lang chưa biết đến Tết là gì. Trở về làng quê, đón cái Tết Giáp Ngọ 2014 là những ngày hạnh phúc nhất đối với “người rừng” Hồ Văn Lang.

 

Không khí Tết nguyên đán đang về, vào những ngày cuối tháng Chạp, Lang cùng em trai khẩn trương ra đồng gặt lúa trên thửa ruộng chín muộn. Anh Tri kể lại: “Khi tôi kể về Tết, nhà nào cũng cùng nhau quây quần đông người để gói bánh tét, rồi nói chuyện với nhau rất vui. Nghe vậy, anh Lang thích lắm và cùng tôi đi gặt lúa để có gạo nấu bánh tét”.
 
Lang vừa cười tủm  tỉm vừa gói bánh tét đón Tết
Lang vừa cười tủm  tỉm vừa gói bánh tét đón Tết

 

Nhìn “người rừng” Lang cầm bó lúa bỏ vào máy đạp tuốt lúa rất thành thạo và nhanh nhẹn, chúng tôi và người Cor vui mừng khi Lang có thể tự lập được, hòa nhập tốt với cuộc sống hiện tại.

 

PV Dân trí trở lại nhà “người rừng” trước đêm giao thừa, dưới thời tiết lạnh buốt, ngôi nhà mới của Lang trở nên ấm áp hơn bên bếp lửa nấu bánh tét đầu đời của Lang. Điều lạ, ông Hồ Văn Thanh đã nở nụ cười tươi khi cùng con cháu gói bánh tét.

 

“Từ ngày về lại nhà, cha luôn im lặng và thường ngồi co ro trong góc nhà, cứ thấy người lạ là trốn vào nhà. Mấy ngày nay, bà con hàng xóm cùng quay quần trước nhà gói bánh tét, rồi đun bếp lửa nấu bánh, lúc này tôi mới thấy cha cười vui và nói vài câu”, anh Tri nói.

 
Lần đầu tiên Lang nấu bánh tét.
Lần đầu tiên Lang nấu bánh tét.
 

Ông Trương Ngọc Đông - Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Tây Trà cho biết: “Suốt 40 năm ở trong rừng, hai cha con ông Thanh và Lang chỉ ăn Tết theo phong tục “Ngã rạ”. Sau khi cắt lúa rẫy, hai cha con ông Thanh làm bánh ống, chế biến thịt khô ở rừng về nấu ăn để làm phép thôi chứ không cúng hay đón Tết như hiện nay”.

 

Trước thời khắc chuyển giao sang năm Giáp Ngọ, “người rừng” Hồ Văn Lang đã biết cắt lúa, tuốt lúa, nấu cháo, cắt thịt, chăm con trâu, gói và nấu bánh tét. Tài sản quý giá mà hai cha con “người rừng” sở hữu với ngôi nhà mới hơn 120 triệu đồng và con trâu (gần 20 triệu đồng). Có lẽ, điều quý giá nhất mà Lang có được là niềm vui đón cái Tết đầu tiên cùng gia đình, họ hàng, hàng xóm và lũ trẻ làng luôn yêu quý Lang.

 
Lang cùng cha thưởng thức miếng bánh tét đã chín.
Lang cùng cha thưởng thức miếng bánh tét đã chín.
 

Khi được hỏi gia đình dự định kế hoạch như thế nào cho Lang trong năm Giáp Ngọ, anh Hồ Văn Tri hồ hởi đáp: “Ăn Tết xong, tôi cùng bà con tìm cô gái nào đó làm mối, chứ anh Lang cũng thích có vợ rồi.

 

Hiện nay, anh Lang có thể tự làm tất cả, thậm chí còn phụ giúp hàng xóm gặt lúa, dựng mái nhà,… Tôi tiếp tục chỉ cho anh cần tránh điều gì trong cuộc sống, để anh có thể sống tự lập hoàn toàn, đặc biệt là khi có vợ. Đồng thời, chỉ anh Lang biết viết chữ nữa, rồi phân biệt tờ tiền, đi xe máy và nói tiếng Kinh”.

 

Giờ đây, Lang không muốn trở lại rừng và rất thích thú với cuộc sống hiện tại. Bước sang năm Giáp Ngọ 2014, Lang được chính quyền địa phương cấp đất sản xuất. Hy vọng cuộc sống mới của “người rừng” 44 tuổi đời được “mã đáo thành công”.
 
Lang (bìa phải) ngồi gói bánh trong căn nhà mới.
Lang (bìa phải) ngồi gói bánh trong căn nhà mới.
 
Lang học cách kính trọng già làng bằng cách dâng trầu.
Lang học cách kính trọng già làng bằng cách dâng trầu.
 
Ông Hồ Văn Thanh đã mở nụ cười tươi khi gói bánh cùng con cháu.
Ông Hồ Văn Thanh đã mở nụ cười tươi khi gói bánh cùng con cháu.

Không khí Tết ấm áp nhất mà Lang cùng cha được hưởng.

Không khí Tết ấm áp nhất mà Lang cùng cha được hưởng.

 

Hồng Long