1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người

Nhóm PV

(Dân trí) - Ơ Đu là một trong số những dân tộc thiểu số rất ít người cần quan tâm đặc biệt khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong suốt nhiều năm qua, với đặc thù là một dân tộc có dân số rất ít người, cộng đồng Ơ Đu luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Các chính sách dân tộc đã góp phần giúp cho cộng đồng này vươn lên phát triển, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn.

Tuy nhiên, các chính sách dân tộc cũng có những ảnh hưởng đến đời sống người Ơ Đu trên nhiều phương diện khác nhau. Trong bối cảnh Nhà nước đang bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các dân tộc thiểu số rất ít người vẫn là đối tượng được quan tâm đặc biệt.

Để các chính sách đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển dân tộc Ơ Đu như tinh thần và chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, cần phải có những đánh giá về các chính sách và tác động của chính sách trên nhiều phương diện khác nhau, nhằm đưa ra những gợi mở để xây dựng các chính sách phát triển bền vững đối với cộng đồng còn không đầy 400 người này.

Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc ngày 14/1/2011 thì "dân tộc thiểu số rấtít người" là dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Ơ Đu là một trong số những dân tộc thiểu số rất ít người cùng với La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu.

Hầu hết các dân tộc thuộc nhóm này đều có điều kiện kinh tế - xã hội lạc hậu, kém phát triển và thuộc nhóm nghèo đói với tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo của các dân tộc này đều hơn 60%, là nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. 

Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người - 1

Nhà truyền thống của người Ơ Đu được dựng ở khu đền Vạn, Cửa Rào, Tương Dương, Nghệ An (Ảnh: Bùi Hào).

Hàng loạt các chính sách quan trọng được triển khai

Từ đầu những năm 2010, Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm đến việc hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển cho các dân thiểu số rất ít người. Tính đến nay, sau hơn một thập kỷ, một hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người đã được hình thành và triển khai.

Trong đó gồm một số chính sách quan trọng như các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.

Ngoài ra còn có Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người...

Về quan điểm cơ bản, các dân tộc thiểu số rất ít người là nhóm yếu thế và cần phải được Nhà nước hỗ trợ đặc biệt để phát triển. Do đó, đất nước cần đầu tư một khoản kinh phí lớn để hỗ trợ theo các hạng mục khác nhau cho người dân mở rộng nguồn lực để phát triển.

Trong số các chính sách mới ban hành và đang có hiệu lực ở các dân tộc rất ít người thì Quyết định 2086/QĐ-TTg về phê duyệt "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã - hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025" là chính sách quan trọng nhất.

Chính sách này được ban hành để hỗ trợ cho người dân tộc rất ít người ở 194 thôn, bản trên địa bàn của 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum.

Mục tiêu của đề án là: "Duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng.

Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của các đồng bào dân tộc rất ít người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Đây cũng là cơ sở nền tảng để các địa phương trên xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dành cho các dân tộc rất ít người. 

Đối với người Ơ Đu, từ những năm 1990, tỉnh Nghệ An đã có những chính sách giúp đỡ bà con về nuôi lợn đen, trồng cây mét. Đầu những năm 2000, tỉnh tiếp tục các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế và phát triển chăn nuôi.

Đáng chú ý phải kể đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2006-2015 với kinh phí 4 tỷ đồng, đặc biệt là Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An với tổng kinh phí lên đến 120 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là các chính sách chung liên quan đến vùng dân tộc thiểu số mà người Ơ Đu cũng được thụ hưởng như Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025, thì người Ơ Đu ở Văng Môn cũng nhận được 4,6 tỷ đồng để xây nhà văn hóa cộng đồng.

Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người - 2

Nhà văn hóa cộng đồng mới xây ở bản Văng Môn với kinh phí gần 4,6 tỷ đồng (Ảnh: Bùi Hào).

Mục tiêu chung của các đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ.

Không những thế, các đề án còn giúp bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu, cố gắng để đến năm 2025 đời sống của người dân theo kịp được các cộng đồng xung quanh. 

Triển khai các đề án liên quan đến dân tộc Ơ Đu đa dạng

Quá trình thực hiện các đề án liên quan đến dân tộc Ơ Đu cũng khá đa dạng. Có chính sách tổ chức theo các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện rồi xuống xã, cũng có chính sách từ cơ quan tỉnh xuống thẳng xã và trực tiếp với thôn bản.

Như trường hợp Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025, Sở Văn hóa và Thể thao xuống làm việc trực tiếp với thôn bản có sự tham gia của xã. Trong quá trình thực hiện đề án, Sở trực tiếp giải ngân cho các đối tác liên quan.

Hay trường hợp thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025, Ban dân tộc tỉnh đã làm việc trực tiếp với người dân ở bản và cũng trực tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chuồng bò và mua bò giống cho người dân.

Những khó khăn trong quá trình thực hiện các đề án phải kể đến là người dân hoàn toàn thụ động trong các dự án. Họ phản đối việc xây dựng thêm một nhà văn hóa cộng đồng với một khoản tiền lớn bởi đã có nhà văn hóa cộng đồng còn sử dụng được và kiến trúc nhà văn hóa cộng đồng cũng không đáp ứng yêu cầu của người dân.

Tương tự, họ cũng phản đối việc bốc thăm để nhận những con bò quá nhỏ, còn non, nhiều con còn chưa cai sữa. Theo như Lo Văn Cường, một già làng và là người uy tín của bản Văng Môn, nếu để bà con có quyền quyết định, họ sẽ lựa chọn sửa sang lại nhà văn hóa cũ để hoạt động vì phù hợp hơn và không tốn một số tiền lớn như vậy.

Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người - 3

Chuồng và bò trong dự án ở Văng Môn (Ảnh: Bùi Hào).

Hay việc để bà con được quyền chủ động trong việc lựa chọn, mua bò giống với số tiền được quy định dưới sự giám sát của Ban dân tộc tỉnh, thì hiệu quả của những việc này sẽ lên cao hơn.

Kết quả của các đề án là nhà văn hóa xây dựng rất to nhưng thỉnh thoảng mới sử dụng, còn dự án nuôi bò sau 3 năm đã gần như thất bại. Số bò được cấp đã chết hoặc bán đi hơn nửa vì người dân không nuôi nổi. Nhiều chuồng bò trị giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng bị bỏ hoang. 

Tóm lại, trong vài thập kỷ qua, nhóm người dân tộc thiểu số rất ít người nói chung và với dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An nói riêng, được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt.

Hàng loạt các chính sách về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục đã được xây dựng và thực hiện. Những chính sách đó góp phần quan trọng làm cho người dân của các tộc người này phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, tiếp cận với cuộc sống hiện đại nhanh chóng hơn, vị thế được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và thực hiện các đề án phát triển liên quan đến dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An là một quá trình xây dựng đề án phát triển từ trên xuống. Các đề án còn nhiều bất cập.

Trong đề án hỗ trợ phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2015, các loại cây như nhãn, vải không phù hợp và không đạt hiệu quả. Chăn nuôi lợn cũng gặp khó khăn vì không đủ thức ăn.

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2025 gặp nhiều bất cập hơn từ việc xây dựng khi đưa vào cả một bản Đửa với 45 hộ gia đình và 231 nhân khẩu Ơ Đu nhưng thực tế bản này không có các hộ gia đình Ơ Đu sinh sống.

Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người - 4

Một cuộc họp về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ Đu ở bản Văng Môn (Ảnh: Người dân cung cấp).

Ông Lo Xuân Tình, Bí thư chi bộ bản Văng Môn, chia sẻ, hầu hết chính sách, dự án, người dân gần như không biết nhiều và không được tham gia một cách đầy đủ. Dù cán bộ dự án có về họp dân nhưng ít khi có người ý kiến, mà có ý kiến rồi cũng không được tiếp thu một cách đầy đủ. Người dân thụ động tiếp cận dự án nên hiệu quả thấp.

Dù kết quả ra sao, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong những năm qua cũng là nhân tố quan trọng tạo ra sự biến đổi đời sống của người Ơ Đu trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Mô hình góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979, dân tộc Ơ Đu đứng cuối cùng với dân số ít nhất. Hiện tại, Ơ Đu chỉ còn chưa đầy 400 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Hầu hết người Ơ Đu lại tập trung ở bản Văng Môn - một bản tái định cư ở xã Nga My, huyện Tương Dương. Suốt nhiều năm qua, với đặc thù là một dân tộc có dân số rất ít người, cộng đồng Ơ Đu luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bùi Hào