1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trao "cần câu" giúp bà con đồng bào thiểu số ở Bình Thuận thoát nghèo

Hoàng Bình

(Dân trí) - Nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trong năm 2023.

Những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2023, toàn huyện giảm 85 hộ nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. 

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi thoát nghèo đã có cuộc sống ổn định, cải thiện kinh tế gia đình và góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trao cần câu giúp bà con đồng bào thiểu số ở Bình Thuận thoát nghèo - 1

Cuộc sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số xã Mỹ Thạnh, Bình Thuận (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo bà Mai Thị Ngọc Ảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), thời gian qua công tác giảm nghèo được huyện tích cực triển khai như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Tổng hộ nghèo trên địa bàn xã miền núi Mỹ Thạnh hiện nay là 171 hộ/594 khẩu. Hộ nghèo phần lớn thuộc đối tượng dân tộc thiểu số. Trong năm 2023, xã Mỹ Thạnh đã có 23 hộ thoát nghèo.

Theo lãnh đạo xã Mỹ Thạnh, có được sự chuyển biến hộ nghèo là do địa phương áp dụng nhiều mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trong đó có mô hình tặng bò giống cho người dân. Việc hỗ trợ bò giống giúp bà con có ý thức chủ động trong việc chăn nuôi, nâng cao trình độ, từng bước làm chủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.

Song song đó, địa phương cũng theo dõi, giám sát và hỗ trợ kịp thời cho người dân về kỹ thuật, chính sách để việc thực hiện chương trình mang tính bền vững, có hiệu quả. Từ đó, người dân có động lực phát triển kinh tế, có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là mô hình góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trao cần câu giúp bà con đồng bào thiểu số ở Bình Thuận thoát nghèo - 2

Nhiều căn nhà đơn sơ của người dân đồng bào thiểu số Mỹ Thạnh (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, trong năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Mỹ Thạnh với số lượng là 22 con bò giống cho 22 hộ nghèo với kinh phí quyết toán 356,4 triệu đồng đạt 91,15%.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực hiện mô hình này cho 5 hộ với kinh phí 80 triệu đồng. Riêng xã Mỹ Thạnh cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 3 hộ nghèo, mỗi hộ 1 con bò với kinh phí thực hiện 48 triệu đồng.

Bà Mai Thị Ngọc Ảnh cho biết, gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã ý thức hơn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, cũng như vận dụng tốt các mô hình, các nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả.

"Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo có hiệu quả các dự án đầu tư, dự án giảm nghèo, dự án mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025. Cả hệ thống chính trị của huyện sẽ tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng thoát nghèo một cách bền vững", bà Ảnh nói.