Ninh Bình "thúc" tiến độ sắp xếp, xử lý tài sản công và trụ sở dôi dư
(Dân trí) - UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trụ sở dôi dư.
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình vừa ký văn bản, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trụ sở dôi dư.
Chỉ đạo trên của UBND tỉnh Ninh Bình nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; kịp thời xử lý, khai thác các tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, góp phần chống lãng phí, thất thoát, tăng cường khai thác nguồn lực từ tài sản công.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung rà soát, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh về quản lý, sử dụng, khai thác, sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, lập danh mục các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng gồm danh mục nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp, danh mục nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp, tổng hợp, theo dõi, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) chậm nhất trước ngày 24/2.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai trình tự, thủ tục để xử lý dứt điểm tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trước ngày 24/2.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên rà soát các tài sản công, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng để kịp thời phát hiện tài sản công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để đưa vào xử lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
Quá trình triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc, chủ động phối hợp, liên hệ với Sở Tài chính để được kịp thời hướng dẫn xử lý theo quy định, tránh để xảy ra chậm trễ.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố được giao tiếp nhận thông tin, chủ động giải quyết các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cũng được giao, căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn cung cấp các thông tin hành chính về quy hoạch, đất đai, xây dựng liên quan đến cơ sở nhà, đất để cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện từ bước báo cáo kê khai và đề xuất phương án, tổng hợp, kiểm tra hiện trạng, lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện.
Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các nội dung chỉ đạo trên của UBND tỉnh, đảm bảo đúng thời hạn, đầy đủ, chính xác về hồ sơ, số liệu; tổng hợp các nội dung, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tham mưu UBND phương án giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/3.
Trước đó, báo Dân trí phản ánh, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2.773 cơ sở nhà, đất dôi dư cần xử lý, sắp xếp lại. Trong đó, cơ sở nhà, đất khối tỉnh là 171 cơ sở, khối huyện là 2.568 cơ sở; các doanh nghiệp Nhà nước và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh là 34 cơ sở.
Nhiều trụ sở cũ bị bỏ hoang nhiều năm lãng phí như: Trụ sở cũ của Sở TN&MT, Bệnh viện Sản Nhi, UBND huyện Kim Sơn…