Những tòa nhà chọc trời bị bỏ hoang trên "đất vàng" Hà Nội
(Dân trí) - Mặc dù nằm tại những vị trí vàng nhưng hàng loạt tòa nhà chọc trời tại Thủ đô Hà Nội sau nhiều năm xây dựng vẫn nằm "trơ xương", không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4, tại Hà Nội.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ chùng xuống, bị lãng quên.
Song trên thực tế, ông khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo ông, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên trì, liên tục.
Minh chứng là việc Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhận định sự lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân.
"Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực", Tổng Bí thư nhận định.
Ông dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.
Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư nói.
Để giúp bạn đọc thấy rõ sự lãng phí từ các công trình, dự án bỏ hoang trên địa bàn Hà Nội và các địa phương, báo Dân trí triển khai tuyến bài ghi nhận về vấn đề này.

Nhiều năm qua, người dân khi lưu thông trên tuyến đường Phạm Hùng (đoạn gần tòa nhà Landmark 72, Hà Nội) không khỏi tiếc nuối khi thấy dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nằm "trơ xương" gây lãng phí.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.740 tỷ đồng, gồm 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, được xây dựng trên khu "đất vàng" tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, giao thông thuận tiện. Tòa nhà được xây dựng với chức năng là trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.
Tòa tháp Vicem Tower được phê duyệt trên lô đất rộng gần 8.500m2 với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.

Dự án được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến nay Tòa tháp Vicem Tower mới hoàn thiện phần thô. Do bị bỏ hoang nhiều năm nên nhiều hạng mục của tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết, vào đầu tháng 3, các nhà thầu đã bắt đầu công tác dọn dẹp mặt bằng, chuẩn bị kho bãi, công nhân, máy móc để thi công trở lại gói thầu số 23 lắp dựng hệ thống mặt ngoài tòa nhà.
Liên quan trách nhiệm tại dự án này, ngày 5/3, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) đã khởi tố ông Lê Văn Chung (cựu Chủ tịch Vicem) cùng Nguyễn Ngọc Anh (cựu Tổng giám đốc), Dư Ngọc Long (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án), Hoàng Ngọc Hiếu (cựu Trưởng phòng Thẩm định của Tổng công ty Xi măng Việt Nam) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Việc khởi tố xuất phát từ nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Nằm đối diện với tòa Vicem Tower là dự án Apex Tower nằm trên ô đất HH3, khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) do Công ty cổ phần tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty cổ phần tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư cũng bị bỏ hoang gây lãng phí nhiều năm qua.

Cũng giống như tòa Vicem Tower, Tòa Apex Tower có vị trí đắc địa, được xem là khu "đất vàng" khi nằm trên trục đường Phạm Hùng nơi tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn, giao thông thuận tiện,...

Phần sân trước tòa nhà được tận dụng để làm bãi để ô tô, xe máy.
Tòa tháp Apex Tower từng được kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại cung cấp văn phòng, căn hộ tiện nghi, hiện đại, tạo ra một điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ phía tây Hà Nội, góp phần làm đẹp cảnh quan khu đô thị mới. Song đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào sử dụng gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Dự án được khởi công năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2012 với quy mô 27 tầng nổi và 3 tầng hầm. Tuy nhiên, sau khi xây xong phần thô, lắp kính xung quanh tòa cao ốc này lại không thể hoàn thiện, đưa vào sử dụng mà bỏ hoang nhiều năm nay khiến công trình xuống cấp.

Nằm tại vị trí vàng của TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và Văn phòng tại số 1A, 1C, 1D Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình) do Công ty cổ phần đầu tư Láng Hạ làm chủ đầu tư đã nằm "trơ xương" nhiều năm. Dự án tọa lạc tại ngã tư Láng Hạ - Đê La Thành, đây là khu vực đông đúc, giao thông thuận tiện.

Dự án được cấp phép và khởi công xây dựng năm 2011 với quy mô 28 tầng, trong đó có 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng áp mái và 4 tầng hầm. Song khi thi công phần thô đến tầng 28 thì dự án phải dừng và nằm "trơ xương" nhiều năm nay.

Được biết, nguyên nhân dự án bỏ hoang nhiều năm nay do lực lượng chức năng yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn mới.
Hiện dự án vẫn chưa có hoạt động thi công, cổng vào đều bị khóa, nhiều người tận dụng vỉa hè phía trước dự án làm nơi đỗ ôtô.

Theo dự kiến, dự án VietinBank Tower sẽ hoàn thành năm 2014 với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng nhưng đến nay dự án vẫn dang dở, nằm "trơ xương" nhiều năm nay bên chân cầu Thăng Long gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị tại khu cửa ngõ của Hà Nội.
Được biết, năm 2010, dự án VietinBank Tower được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 10.260 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2, với 2 tòa tháp. Tòa tháp thứ nhất cao 68 tầng được thiết kế và dùng làm trụ sở làm việc chính của VietinBank và tòa tháp thứ hai cao 48 tầng.

Do bị bỏ hoang nhiều năm, một số hạng mục đã xuống cấp, hoen gỉ.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong những ngày cuối tháng 4, tại dự án ngổn ngang vật liệu xây dựng, lác đác công nhân xuất hiện tại công trường.


Theo thiết kế, hai tòa tháp sẽ được liên kết bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cà phê và nhà hàng. Hiện, chỉ có tòa tháp 48 tầng (bên trái) đã thành hình, tòa 68 tầng (bên phải) mới xây dựng khối đế.
Ngoài các dự án trên, có thể thấy, thực trạng bỏ hoang của các dự án tại Hà Nội tạo ra hệ quả lãng phí. Người dân mong muốn lãnh đạo Hà Nội cùng các Sở, ngành liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án được đưa vào sử dụng, tránh gây lãng phí, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, vấn đề lãng phí đã xuất hiện từ lâu, đầu những năm 1960 Đảng, Chính phủ đã có cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Ông Phúc cho rằng, lãng phí được xác định rõ từ tiền bạc, của cải đến thời gian, công sức, làm việc kém hiệu quả.
"Gần đây Đảng ta xác định vấn đề lãng phí cũng nghiêm trọng không kém gì tham nhũng và thậm chí còn nặng nề hơn, bởi chúng ta khó chỉ rõ mặt, đặt tên lãng phí do ai", ông Phúc nói và cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay để giải bài toán lãng phí là phải tìm ra nguyên nhân mới có giải pháp hiệu quả.
Việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến lãng phí phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật.
Đối với các công trình bị bỏ hoang gây lãng phí tại Hà Nội, ông Phúc cho rằng lãnh đạo thành phố cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo cụ thể, từng vụ việc để đi đến kết luận vì sao dẫn đến lãng phí và từ đó tìm cách tháo dỡ, sớm đưa các công trình vào sử dụng.