1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Tĩnh:

Những "người vận chuyển" trong lũ dữ

Phượng Vũ

(Dân trí) - Trong khi đang dọn đồ chạy lũ, chợt nhớ trong thôn còn vài người già chưa kịp sơ tán, Phạm Ngọc Quỳnh (SN 1990) vội rủ người anh họ là Phạm Ngọc Lộc (SN 1979) lấy thuyền đi cứu hộ trong đêm tối.

Thôn 4, xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những khu vực ngập sâu nhất trong trận lũ lịch sử tại Hà Tĩnh năm nay. Khi chúng tôi tìm đến, dù hồ Kẻ Gỗ đã giảm lưu lượng xả tràn xuống 300m3/s, nhưng khắp các đường làng ngõ xóm vẫn còn ngập nước lũ. Nhiều nhà dân nước lũ chỉ vừa rút đến thềm nhà. Phía xa hơn, nhiều hộ dân vẫn phải bám trụ trên mái nhà.

Những người vận chuyển trong lũ dữ - 1

Không kịp cất cất đồ đạc chạy lũ, anh Phạm Ngọc Lộc xuyên đêm cũng với người em họ đi giúp người dân sơ tán và chuyển đồ.

Phương tiện duy nhất có thể vào từng hộ dân tại đây chỉ có thể bằng thuyền đò. Nếu không có những chiếc thuyền cùng những “người vận chuyển” tốt bụng như anh Lộc, anh Quỳnh có lẽ nhiều người dân đành mắc kẹt trong cơn lũ.

Sau 3 ngày làm “người vận chuyển”, anh Phạm Ngọc Lộc (thôn 4, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) mới có chút thời gian để quét dọn lại nhà cửa khi nước lũ vừa rút. Ngôi nhà của anh bị nước lũ vào ngập sâu hơn 70cm, nhiều đồ đạc không kịp dọn đã ngâm trong nước lũ mấy ngày trời. Đàn gà hơn 40 con cùng 7 tạ lúa không kịp dọn đã theo nước lũ mất hết.

Đêm 19/10, nước lũ vào nhanh, khi đang cùng vợ chuyển đồ đạc lên cao thì anh Lộc nghe người em họ gọi đi giúp dân sơ tán. Chẳng nghĩ ngợi nhiều, anh Lộc vội vàng lấy chiếc thuyền nhỏ chèo đi từng hộ dân để kịp chạy đua với nước lũ.

Những người vận chuyển trong lũ dữ - 2

Mặc dù hồ Kẻ Gỗ đã giảm lưu lưởng xả tràn, nhưng toàn bộ khu vực thôn 4 xã Cẩm Duệ vẫn ngập trong nước lũ.

“Lúc ấy, nước lũ lên nhanh, nếu dọn xong nhà mình thì chắc thuyền mình cũng không vào trong dân được, nên phải tranh thủ từng phút. Tôi chỉ cất vội các đồ điện tử rồi lấy mấy chiếc áo phao, bỏ lên thuyền chạy vô trong thôn luôn”, anh Lộc kể lại.

Trong đêm 19/10, cùng với 12 thôn khác của xã Cẩm Duệ, thôn 4 đã bị cô lập hoàn toàn nhưng nước lũ vẫn đang lên, dòng chảy rất xiết, có nhà nước lũ đã dâng cao gần 2m. Sau khi rà soát và bàn bạc, Quỳnh và anh Lộc ưu tiên đến những nhà có người già neo đơn, trẻ nhỏ... đây là những người dễ rơi vào nguy hiểm khi nước lũ lên nhanh.

“Phần lớn các cụ thường có một ít gia súc nên tiếc của không chịu sơ tán. Khi chính quyền vận động nhiều người còn tâm lý chủ quan. Chỉ khi nước lũ lên nhanh, phương tiện của địa phương hạn chế, không thể tiếp ứng hết các thôn nên tôi nghĩ bản thân mình có thuyền bè thì hỗ trợ thêm thôi.  Xung quanh cũng toàn hàng xóm, người thân mình cả”, anh Quỳnh cười xòa.

Giữa biển nước, chiếc thuyền của các anh tuy bé nhưng linh động, có thể luồn lách được vào từng con ngõ nhỏ mà xuồng máy, cano không thể tiếp cận. "Trong nhà còn ai không?", tiếng các anh ngân dài, đợi tiếng hồi đáp hoặc những cánh tay nhô ra vẫy từ mái nhà.

Những người vận chuyển trong lũ dữ - 3

Nhiều hộ dân vẫn còn bị cô lập vì nước lũ.

Ghé thăm từng nhà dân trong thôn bị ngập lụt, đối với những hộ không có khả năng an toàn khi trú ẩn trong nhà, những “người vận chuyển” này sẽ chèo thuyền tìm ra trục đường chính, ở đây đã có người của chính quyền địa phương tiếp ứng đưa đi tránh lũ. Xong việc, các anh lại quay lại các gia đình neo đơn, khó khăn để đưa đồ đạc, vật nuôi lên cao.

Anh Quỳnh tâm sự: "Lúc ấy mình chỉ nghĩ là giúp được ai là giúp thôi chứ có quản chi. Nhưng anh em cũng nhắc nhở nhau an toàn vẫn trên hết. An toàn cho bản thân mình và cả người dân nữa”.  

Quỳnh kể, trong lúc đưa 2 ông bà già một phụ nữ qua nơi sơ tán, chiếc thuyền suýt chút nữa lệch ra khu vực bờ sông, nước chảy xiết. Quỳnh vội bơi xuống giữ vào một cành cây, nhanh tay kéo ra khỏi lạch nước xoáy, đưa mọi người an toàn đến nơi sơ tán.

Cứ thế, 2 chiếc thuyền xuyên đêm cứu hộ. Khi công việc tạm xong xuôi cũng là tờ mờ sáng của một ngày mới. Chưa kịp ăn buổi sáng, thấy có đoàn cứu trợ vào, những chiếc thuyền nhỏ lại tiếp tục nhiệm vụ mới.

Những người vận chuyển trong lũ dữ - 4

Sau khi vận chuyển người dân sơ tán trong đêm, anh Phạm Ngọc Quỳnh tiếp tục làm hoa tiêu cho các đoàn cứu trợ vào tận các hộ dân đang ngập sâu trong nước lũ.

Những "người vận chuyển" lại kiêm thêm hoa tiêu đưa đoàn cứu trợ vào từng hộ dân đang thực sự khốn khổ trong những ngày qua. Từng nóc nhà, từng gia cảnh, từng chỗ nông sâu của thôn đều được các anh đọc vanh vách. Cũng nhờ đó, nhiều đoàn cứu trợ đã đưa được hàng tiếp tế kịp thời đến với những hộ dân đang trong cơn nguy khốn.

Cẩn thận lách thuyền đến một ngôi nhà nằm khuất trong mấy bụi tre, anh Quỳnh cho biết đây là ngôi nhà của bà Trần Thị Lộc. Hoàn cảnh gia đình bà những ngày qua hết sức khốn đốn. Ngoài bà và đứa con gái còn có cháu nhỏ chỉ mới 20 tháng tuổi bị tật nguyền. Trong đêm nước lên nhanh, gia đình bà may mắn được anh Quỳnh và anh Lộc chuyển mấy bao lúa lên cao. Nhờ đó, mấy ngày qua bà cũng có chút gạo để nấu cháo cho cả nhà.

Vừa thoáng thấy bóng của anh Quỳnh và anh Lộc, bà Trần Thị Mận (62 tuổi) không cầm được nước mắt vì xúc động: “Hôm qua 2 chú vừa giúp tôi khuân đồ, ny lại đưa đoàn cứu trợ đến để lo cái ăn cho bà cháu tôi. Trong mưa lũ tấm lòng của các chú thật đáng quý”.

Những người vận chuyển trong lũ dữ - 5

Bà Trần Thị Mận cảm kích khi nhận được sự giúp đỡ từ anh Lộc và anh Quỳnh.

14h chiều, khi những gói đồ cuối cùng vừa được phát hết, những "người vận chuyển" mới chợt nhớ ra chính mình cũng chưa đã kịp ăn gì, nhưng ai nấy đều phấn khởi.

Những người trong đoàn cứu trợ gửi anh Quỳnh và anh Lộc chút tiền cảm ơn, nhưng 2 anh gạt đi: “Bọn em phải cảm ơn các anh chứ, may có các anh người dân thôn em mới có thêm gói mì, chai nước. Những việc này, trong lúc bão lũ ai có thuyền cũng sẽ không ngồi yên được đâu”.

Quả thật, những chiếc thuyền nhỏ của người dân xung quanh đều đang có mặt tại điểm tập kết, sẵn sàng làm "người vận chuyển" kiêm hoa tiêu cho từng đoàn cứu trợ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm