Những người già miệt mài mưu sinh giữa Thủ đô
(Dân trí) - Vì nhiều lý do khác nhau, có những người ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng vẫn miệt mài mưu sinh trên những con đường, tuyến phố của Hà Nội.
Ngày 1/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi thường là ngày các con, cháu trở về quây quần, quan tâm và dành tặng những món quà ý nghĩa đến ông bà, bố mẹ để tri ân, báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục. Thực tế tại Việt Nam, việc người cao tuổi tiếp tục lao động không còn là điều xa lạ (Ảnh: Nguyễn Hải).
Tại Hà Nội không khó để bắt gặp các cụ ông, cụ bà vẫn tiếp tục làm những công việc như bán hàng, sửa chữa giày dép, đồng hồ, bảo vệ, xe ôm,... cả đạp xích lô. Với nhiều người già họ không có khái niệm nghỉ hưu. Thậm chí một số người do cuộc sống mưu sinh, họ đã quên đi ngày Quốc tế Người cao tuổi của mình (Ảnh: Nguyễn Hải).
Hiện, không ít người cao tuổi do không muốn con cái vất vả để lo cho mình nên dù tuổi đã cao họ vẫn tham gia lao động nhằm tăng thu nhập cho bản thân và đó cũng là cách để đỡ đần con cháu (Ảnh: Đức Văn).
Dù đã bước sang tuổi 75, nhưng đều đặn mỗi ngày ông Hà Văn Hiếu vẫn khoác túi dụng cụ ra ngã tư Điện Biên Phủ giao Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) để hành nghề cắt tóc. Ông cho biết đã gắn bó với công việc này được gần 35 năm và chưa có ý định nghỉ ngơi.
"Tôi là bộ đội về hưu, được hưởng lương nhưng ngồi không ở nhà buồn chân, buồn tay nên ra đây cắt tóc, trò chuyện với khách thấy đầu óc thoải mái hơn", ông Hiếu nói (Ảnh: Đức Văn).
Bà Nguyễn Thị Hiền (72 tuổi) có hơn 10 năm bán trà đá ở phố Trung Kính (Cầu Giấy). Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng việc bán hàng, rửa cốc, tính tiền cho khách được bà Hiền thực hiện nhanh nhẹn, chính xác (Ảnh: Nguyễn Hải).
Làm nghề đạp xích lô đến nay đã gần 40 năm nhưng ông Phạm Công Thắng (73 tuổi, quê Hưng Yên) vẫn chưa xác định được ngày "nghỉ hưu". Bởi ngồi ở nhà lâu ông lại thấy chân tay "buồn bực".
"Ở quê, thu nhập chính của gia đình đều trông chờ vào mấy sào ruộng. Những lúc nông nhàn tôi lại sang Hà Nội đạp xích lô. Con cháu chúng cũng chẳng muốn mình làm cái nghề nặng nhọc này đâu nhưng còn sức khỏe là còn làm. Đi làm tôi cũng có thêm đồng ra, đồng vào, lúc nhà có công việc còn chủ động chi tiêu". ông Thắng tâm sự (Ảnh: Đức Văn).
Đều đặn mỗi ngày, bà Lê Thị Lợi (74 tuổi, trú Quảng Xương, Thanh Hóa) đi bộ hơn 10km khắp các ngõ ngách của Hà Nội để bán hàng rong. Gánh hàng rong của bà Lợi chỉ có cây kim, cuộn chỉ, gói tăm bông, chiếc lược...
"May mắn tôi được một gia đình ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho ở miễn phí nên mới bám trụ được Hà Nội. Trừ các chi phí như ăn uống, mỗi ngày tôi dành dụm được 200.000-300.000 đồng. Đây là một số tiền rất lớn đối với người già như tôi", bà Lợi phấn khởi chia sẻ (Ảnh: Nguyễn Hải).
Duy trì việc làm cho người ở tuổi hưu là một việc đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Theo dự báo, đến năm 2038, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ đạt 20% và khi đó, nước ta được gọi là nước có dân số già (Ảnh: Nguyễn Hải).
Gian hàng bánh rán của bà Nguyễn Thị Hồng (64 tuổi) tại con ngõ nhỏ của quận Cầu Giấy luôn tấp nập người ra, vào. Vừa bán hàng cho khách, bà Hồng lại nhanh tay cho thêm mẻ bánh mới vào chảo dầu đang sôi. Bà cho biết đã gắn bó với công việc này hơn 30 năm qua.
Mỗi ngày bà bán được hơn 100 chiếc bánh với mức giá trung bình 7.000 đồng/chiếc.
Giữa trưa nắng, nhiều bà lão 60-70 tuổi vẫn cặm cụi trên chiếc xe đạp cà tàng đi nhặt nhạnh đồ đồng nát, phế liệu để kiếm tiền trang trải cuộc sống (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ngày Quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 1/10/1991 nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi ở các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Tại Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên được xem là người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi sau quá trình lao động trở về bên gia đình sum vầy cùng con cháu. Song, trong điều kiện hiện nay, không ít người cao tuổi vẫn phải bươn chải với cuộc sống vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. (Ảnh: Đức Văn).
Nguyễn Hải - Đức Văn