Vụ "quan ăn đất", Hải Phòng:

Những người dân "màn trời chiếu đất" ở Đồ Sơn

(Dân trí) - Chúng tôi trở lại xóm Vạn Tác, Vạn Sơn, Vạn Thốc thị xã Đồ Sơn chỉ một ngày sau khi liên ngành Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ CA họp khẩn, xem xét lại toàn bộ vụ án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn.

Những người dân bao năm sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi bị thu hồi đất GPMB năm 2003 cứ vây lấy chúng tôi mà bày tỏ nỗi vui mừng trước quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ.

Mong sẽ không còn những bản án "kỳ lạ" như thế!

Con đường non 40 chục cây số từ trung tâm thành phố tới xóm Vạn Tác như bị rang lên dưới cái nắng thiêu đốt của trời cuối hạ. Con đường gập ghềnh những sỏi đá và mù mịt cát. Từ ngay đầu xóm đã có một nhóm người, quần áo lam lũ đang ngồi túm năm tụm ba bàn chuyện … Chính phủ. Bà Vũ Thị Đoạt, 75 tuổi, người có 360m2 đất bị thu hồi GPMB cười nhỏn nhoẻn nói với chúng tôi: “Sau khi đi dự phiên toà về, tôi và gia đình chỉ biết khóc than. Nhiều người nói rằng, có lẽ rồi sự việc cứ thế chìm vào bóng tối. Niềm tin của tôi giờ đã được chứng minh. Tôi rất mừng”.

Ông Lê Duy Dị, người hàng xóm của bà Đoạt thì trầm ngâm: “Giá như các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc với tinh thần chống tham nhũng kiên quyết ngay từ đầu thì tốt biết bao”.

Anh Tuấn, một người dân ở xóm Vạn Sơn chỉ cho chúng tôi căn nhà tuềnh toàng của mình nói: “Chả riêng gì một người mà nhiều người dân chúng tôi đã khóc vì thất vọng khi phiên toà xét xử đã tỏ ra thiếu khách quan, công bằng. Nhưng giờ thì mọi việc đã khác, mong rằng sẽ không còn những bản án kỳ lạ như thế”.

“Màn trời chiếu đất” đến bao giờ?

Chúng tôi có dịp được “mục sở thị” cảnh hàng chục hộ dân nơi đây đã bao năm phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” khi toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn đã thuộc về dự án đường 353 từ năm 2003. Chúng tôi không biết phải gọi nghề nghiệp của họ là gì khi một tấc đất cắm dùi cũng không có. Cuộc sống của họ chỉ quanh quất với những căn nhà tuềnh toàng, đơn sơ, thậm chí, có nơi chỉ là những tếp lều gạch được dựng vội nằm nép bên sườn núi, cạnh những mảnh vườn hoang được khai phá vội.

Chị Đinh Thị Huệ phường Vạn Hương nói trong nghẹn ngào: “trước đây chúng tôi có mảnh đất 250m2, một căn nhà cấp 4 và mảnh vườn quanh năm cây trái. Sau khi dự án lấy hết đất, chúng tôi được tính toán tiền đền bù trên 16 triệu và chính quyền hứa sẽ cấp cho một mảnh đất tái định cư. Chúng tôi biết làm gì với số tiền 16 triệu đó. Chúng tôi không chịu nhận nhưng chính quyền ép phải nhận. Đến nay, mảnh đất tái định cư chả thấy đâu, quanh năm cả gia đình 5 người quần quật “bán lưng cho trời” mà đâu đã đủ ăni”.

 

Những người dân "màn trời chiếu đất" ở Đồ Sơn - 1
 

 

Cũng trong cùng hoàn cảnh như chị Huệ là bà Vũ Thị Đoạt (ảnh) và gia đình ông Hoàng Đình Thêm ở phường Vạn Sơn. Bà Đoạt có 360m2 đất, gia đình ông Thêm có 456m2 đất nhưng nay đã trắng tay. Anh Hoàng Đình Tuấn, con trai ông Thêm cho biết: “chính quyền địa phương ép chúng tôi bán lại đất, đợt 1 mỗi người 100m2 với giá 600.000 đồng/m2. Đợt sau, giá xuống thấp thảm hại: 240.000đồng/m2.

Khi thành phố cấp đất tái định cư cho hai gia đình, mỗi hộ được hai suất, một suất 180m2, một suất 90 m2 nhưng không hiểu vì lý do gì, khi về đến thị xã thì chỉ được cấp mỗi hộ hai suất 90 m2 với giá 1,2 triệu đồng/m2 và 720.000đồng/m2. Khi chúng tôi chạy vạy nộp đủ tiền quyền sử dụng đất, muốn lấy sổ đỏ thì phường lại ép phải “ủng hộ” ngân sách địa phương mỗi hộ 2 triệu đồng (có biên lai) và “ủng hộ” thị xã 500.000 đồng (không có biên lai)”.

Tuy nhiên, điều khó hiểu hơn nữa là trong khi các gia đình cán bộ được cấp đất thì không thấy phường và thị xã thu khoản “ủng hộ” nào. Sau khi Thanh tra Chính phủ về làm việc, phát hiện thị xã có quỹ đen 37 triệu đồng, ông Thắng cán bộ địa chính phường Vạn Sơn và ông Công, cán bộ địa chính xã “cất công” mấy lần đến tận nhà chúng tôi xin lại biên phiếu thu và được trả lại tiền. Chúng tôi đâu có chịu. Vậy mà mấy năm nay, chúng tôi vẫn chưa thấy đất của mình đâu cả”.

P.Hưng