Lần thứ 3 đỏ mắt tìm công lý

(Dân trí) - Việc “khuyết” một bị cáo trong <a href=" http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/6/183947.vip">phiên toà sơ thẩm lần 2</a> vụ “quan ăn đất” Đồ Sơn gây không ít xôn xao bên ngoài phòng xử án. 3 lần mỏi mắt tìm công lý, nhưng hình phạt “tự nhận” của bị cáo không phải là mong muốn của người dân. Ai cũng chỉ muốn công - tội phải được xét công bằng trước phiên toà.

Xung quanh việc vắng mặt bị cáo Lưu Kim Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) do tự vẫn ngay trước khi phiên toà bắt đầu vài ngày, dư luận ghi nhận những phản ứng rất khác nhau, thương có mà trách giận cũng thật nhiều.

 

Ngồi ngay mé ngoài phòng xử án, chị Nguyễn Thị Hải, một người dân ở phường Vạn Hương, hàng xóm của ông Lưu Kim Thái, đôi mắt rơm rớm khi nói về cái chết của vị “quan phó” này. “Ông ấy làm thế chắc vì không chịu nổi áp lực của dư luận, tội lắm”.

 

Chị cũng dè dặt kể lại về lá thư tuyệt mệnh ông Thái để lại với những dòng ngắn ngủi nhưng thật nhiều ẩn ức về sự “khắc nghiệt” của dư luận, báo chí dành cho mình. Chị Hải tỏ ý ái ngại, cái chết như thế cũng khó lòng thanh thản, chắc sẽ còn mang tâm lý thấy oan uổng, nặng nề đeo đẳng mãi cho người “ra đi” và thật nhiều ám ảnh, đau xót cho người thân.

 

Khi ông Thái đến chơi khắp hàng xóm, người thân, hầu hết mọi người chỉ nghĩ ông chào mọi người vì xác định lần ra toà tới chắc chắn sẽ phải chịu án phạt tù. Người đàn ông hơn 50 tuổi, sức khoẻ không còn tốt rất căng thẳng khi “chắc mẩm” mức án 5-7 năm tù giam. “Ông ấy sợ sẽ phải chết trong tù, “như một con chuột cống” - chị Hải xót xa nhắc lại những suy nghĩ nhiều day dứt ông Thái đã tâm sự với xóm giềng, họ hàng trước khi quyết định tự vẫn.

 

Người phụ nữ này cũng xác nhận, ông Thái không có mảnh đất nào ở các khu tái định cư Vạn Sơn, Vạn Hương và khu dân cư Vụng Hương như lá thư tuyệt mệnh đã viết. Việc trong họ nhà ông có 1 chị gái được cấp đất cũng là việc bình thường, “còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với không ít người mảnh lớn, mảnh bé “rải” khắp”.

 

Ngược lại với sự thương cảm của những người phụ nữ, ý kiến của nhiều “bậc cha anh” nghiêm khắc hơn rất nhiều.

 

Bác Lê Quang Vinh (trú tại 185 Lý Thường Kiệt, phường Phan Bội Châu, Kiến An) nhìn nhận: “Tôi đánh giá việc ông Thái tự tử ngay trước phiên tòa là một cách thoái thác, không dám chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó không phải là cách để chứng minh sự vô tội, mà chỉ làm cho người dân cảm thấy giận hơn!”.

 

Cũng chung bức xúc, ông Lê Đình Thấn, nguyên Ủy viên Ban chủ nhiệm CLB sĩ quan công an hưu trí Hải Phòng đánh giá, phiên tòa sẽ không thể trọn vẹn khi để xảy ra cái chết của ông Lưu Kim Thái. Đã làm lãnh đạo, cần phải trung thực với dân hơn, có trách nhiệm lớn hơn.

 

3 lần mỏi mắt tìm công lý, nhưng hình phạt “tự nhận” của bị cáo không phải là mong muốn của người dân. Ai cũng chỉ muốn công - tội phải được xét công bằng trước phiên toà.

 

P.Thảo