Hơn 46.000 cán bộ dôi dư nếu tiếp tục sáp nhập huyện, xã
(Dân trí) - Với 33 huyện và hơn 1.300 xã dự kiến buộc phải sáp nhập đến năm 2025, Bộ Nội vụ tính toán số cán bộ lãnh, đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người.
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều 12/7.
Trước khi thông qua, nhiều đại biểu muốn làm rõ nhiều vấn đề liên quan khi tiếp tục thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới, trong đó có nội dung số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập và chế độ, chính sách cho nhóm đối tượng này.
Báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định tinh thần sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
Việc này cũng phải tạo động lực, tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới nâng cao đời sống của người dân và giữ được ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua, Bộ Nội vụ đã làm việc 63 tỉnh thành để rà soát và đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã. Trong số này có khoảng 16 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện và 400 đơn vị hành chính đô thị cấp xã phải sắp xếp.
Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng. Theo đó, bà Trà cho biết, số cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người, cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.
Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Về kinh phí thực hiện, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua nêu rõ việc thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.
Với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/ xã, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Số tiền này để địa phương sử dụng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.