Bế mạc ĐH “Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học” lần thứ II:
Những giọt nước mắt hạnh phúc!
(Dân trí) - Trong hai ngày qua, 251 gia đình hiếu học tiêu biểu của cả nước đã hội tụ tại Hà Nội, chia sẻ những khó khăn, vất vả của cuộc sống nuôi con thành đạt. Kết thúc đại hội là sự lưu luyến, những giọt nước mắt hạnh phúc của các gia đình.
Hai miền khác nhau, hai người xa lạ, thế mà tại đại hội họ đã trở thành đôi bạn thân thiết với sự đồng cảm vì họ đã phải gồng mình lên để chống chọi với cuộc sống, quyết tâm nuôi con ăn học. Đó là gia đình ông Nguyễn Bá Thế, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và ông Hoàng Hữu Thi, thôn Thư Đôi, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Ông Thế tâm sự: “Mỗi nhà có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi dự đại hội này, chúng tôi nhận được nhiều sự chia sẻ, cảm thông hoàn cảnh của nhau. Tôi và anh Thi tuy mới gặp nhưng rất quý mến nhau, chúng tôi đã hứa sẽ liên lạc với nhau thường xuyên hơn”.
Được biết, gia đình ông Thế có 6 người con, hoàn cảnh nghèo khó, vợ chồng ông luôn phải thức khuya dậy sớm bán xôi, bán bánh mì, bán cháo để tăng thêm thu nhập. Có lúc không đủ sống, ông Thế phải lần lượt bán đi tất cả những tài sản có giá trị trong nhà để duy trì sự học của các con. Thật may mắn, cuối cùng 6 người con của ông cũng đã lần lượt vào ĐH, CĐ.
Còn ông Thi, bản thân là thương binh, nguồn thu hoạch chính của gia đình chỉ trông vào 1,4 mẫu ruộng khoán và chăn nuôi thêm lợn, gà, cộng với đồng lương ít ỏi của bản thân để nuôi sống gia đình 8 khẩu (2 bố mẹ già, 2 vợ chồng và 4 con ăn học). Các con rất thấu hiểu hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình nên đã vừa phải học, vừa làm thêm để lấy tiền chi tiêu cho bản thân, giảm bớt phần nào sự cung cấp của bố mẹ. Hiện nay, 3 người con ông đều đã vào đại học.
Đặc biệt, chị Dương Thị My dân tộc Mông (Cao Bằng) và chị Lý Mỹ Ly (Lai Châu) cả 2 đến dự đại hội với bộ trang phục đặc sắc của dân tộc mình, khi chia tay đã cùng chụp ảnh lưu niệm và hẹn sẽ đến nhà nhau chơi và đưa cả chồng con đến nữa.
Rất nhiều những phút chia tay lưu luyến của nhiều gia đình hiếu học nhưng họ đều có một tâm trạng rất phấn khởi và tự hào là đại diện cho dòng họ, cho tỉnh đi dự đại hội. Ông Phạm Xuân Khuyên, Chủ tịch Hội Khuyến học Ninh Bình tâm sự: “Khi dự đại hội, được nghe những tâm sự của các gia đình thực sự chúng tôi rất cảm phục những ông bố, bà mẹ đã hết lòng vì các con. Đây chính là những nhân tố để xã hội phát triển”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung khẳng định: “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” là mô hình khuyến học, khuyến tài độc đáo ở Việt Nam, trở thành một tế bào xã hội học tập, động viên mọi người học tập, nhà nhà học tập, xóm làng học tập, vừa góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà, vừa xây dựng nền tảng xã hội học tập từ cơ sở. Bộ GD-ĐT gửi tới Hội Khuyến học lời cảm ơn sâu sắc về sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ và những đóng góp đặc sắc của các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam cho giáo dục nước nhà”.
Tại đại hội, 3 doanh nghiệp đã trao cho Quỹ Khuyến học Việt Nam 5 tỷ đồng để giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học là Công ty chứng khoán Sài Gòn 2 tỷ, Công ty Golf Long Thành 2 tỷ, Công ty VNPT 1 tỷ.
Ghi nhận những thành tích của các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng bằng khen cho 251 gia đình hiếu học và 70 dòng họ khuyến học tiêu biểu. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam cũng đã trao bằng khen cho 61 gia đình hiếu học của cả nước.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 6 cá nhân của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam với những đóng góp quý báu của họ trong thời gian qua. Cũng tại đại hội, các đại biểu đã ủng hộ cho đồng bào bị lũ lụt trong cơn bão số 5 vừa qua.
Phát biểu kết thúc đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã cảm ơn các đại biểu đại diện cho hơn 4 triệu gia đình và gần 3 vạn dòng họ đã đạt và đang phấn đấu đạt danh hiệu cao quý “gia đình hiếu học” và “dòng họ khuyến học”.
Chủ tịch khẳng định: “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học” là mô hình độc đáo của Việt Nam, nhân tố cần thiết và quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, đặc biệt để xây dựng cả nước trở thành một “xã hội học tập”.
Thực hiện những tiêu chí của “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học”, con em chúng ta không những được tạo điều kiện đến trường trở thành những học sinh giỏi, trò ngoan gắn “văn với lễ” mà còn thúc đẩy người lớn ra sức học tập tiếp thu khoa học - công nghệ, bồi bổ kiến thức, nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Hy vọng rằng, trong những năm tới, cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học” sẽ gắn kết với việc xây dựng và củng cố các cộng đồng khuyến học trên khắp các địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, trong từng thôn xóm, từng buôn làng để cho dân trí không ngừng được nâng cao, nhân lực ngày một dồi dào và ngày càng có nhiều nhân tài góp sức đưa đất nước phát triển nhanh đạt những đỉnh cao của thời đại.
Hồng Hạnh