Niềm tự hào của những gia đình hiếu học tiêu biểu

(Dân trí) - 251 gia đình hiếu học tiêu biểu tham dự Đại hội, mỗi gia đình có những khó khăn riêng, nhưng tất thảy đều quyết tâm vươn lên số phận. Nhiều gia đình đã có những tâm sự hết sức xúc động, chân thành.

Dù khó khăn đến mấy cũng phải cho con đi học - Gia đình bà Dương Thị Mỵ, dân tộc Mông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Tôi sinh ra trong 1 gia đình nông dân đói nghèo, sống du canh du cư trên các đỉnh núi cao, không có ruộng, chỉ trồng tỉa ngô trên khe đá tai mèo. Đời sống gặp vô vàn khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, xa đường cái, xa chợ, xa trường học.

Với tấm lòng yêu thương bố mẹ, 5 anh chị em tôi đều cố gắng học tập rèn luyện chăm chỉ, kết quả học phổ thông không bị lưu ban, nhiều năm đạt học sinh tiên tiến, cháu ngoan Bác Hồ.

Bản thân tôi gặp may mắn hơn. Sau khi học hết cấp 2 được tuyển chọn đi học trường vùng cao Việt Bắc rồi thi đỗ vào trường ĐH Tài chính kế toán Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi được nhận công tác tại Phòng Tài chính huyện Nguyên Bình. Chồng tôi học hết cấp 2 thì xung phong nhập ngũ, hoàn thành nhiệm vụ rồi chuyền ngành về cơ quan bưu điện huyện Nguyên Bình.

Vợ chồng tôi sinh được 2 người con gái. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng động viên, tạo mọi điều kiện và bảo ban các cháu có ý thức học tập. Cả hai cháu đều đạt học sinh giỏi.

Mỗi lần đi công tác ở xã, thôn xóm, tôi đều chủ động tuyên truyền các chủ trương chính sách, các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước để bà con thông hiểu. Vận động bà con tích cực học tập về mọi mặt ở các TTHTCĐ để góp phần nâng cao dân trí ở địa phương.

Niềm tự hào của những gia đình hiếu học tiêu biểu - 1
 Trải qua cực khổ chúng tôi mới có ngày hôm nay - Gia đình bà Huỳnh Thị Phú, 631/C, ấp 6A, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Nỗi vui mừng và niềm vinh dự mà tôi có được ngày hôm nay là kết quả của một chuỗi ngày dài với sự gian khổ, lao tâm, lao lực, nhưng tận tuỵ, quyết tâm và bền chí.

Học hết nửa năm lớp 11 ở Trường bán công Thiên Hộ Dương, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp), vì hoàn cảnh khó khăn tôi ra dạy học. Gắn bó vui buồn trong nghề sư phạm được vài năm thì tôi nghỉ dạy và lập gia đình, sống cùng người mẹ già. Do hoàn cảnh éo le, tôi quyết định để chồng ra đi, tôi cùng hai đứa con nhỏ ở lại bấu níu bên mẹ già và đứa em gái tội nghiệp.

Lúc đó, với sức đàn bà yếu đuối của bản thân lại thêm hai đứa con nhỏ dại (1 đứa 2 tuổi và 1 đứa 2,5 tháng tuổi) làm 6 công đất ruộng và làm thuê, làm mướn thêm mà vẫn không đủ trang trải cho chi tiêu gia đình.

Hàng ngày, tôi đi hái rau, xắt thêm chuối cây để nuôi heo, tới mùa me thì trèo cây hái me, khuya cùng đứa con lớn mới 3 tuổi bơi xuồng đi chợ bán… Làm lụng vất vả mà cứ thiếu trước hụt sau. Con đường phía trước tôi chỉ toàn là bóng đen. Tuy vậy, tôi vẫn luôn cố gắng và vẫn cảm thấy sức mình không cạn vì còn một mẹ già và cũng vì còn sự an ủi từ 2 đứa con nhỏ dại ngây thơ.

Hai đứa con tôi khi còn học cấp I, II ở gần nhà, đi học về ngoài phụ giúp việc nhà chúng còn kiếm cá, bắt chuột để lo cho bữa ăn hoặc bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có năm, hè về hai đứa tranh nhau chăn vịt thuê cho chủ vịt chạy đồng. Cuộc sống gia đình tôi khi ấy chỉ sống cho qua ngày đoạn tháng. Hai đứa con tôi khi ấy cũng chẳng dám mơ ước gì, mặc dù chúng học rất giỏi.

Ngày tháng trôi nhanh, rồi thì tụi nó cũng lần lượt tốt nghiệp các cấp phổ thông và vào ĐH. Ngày tụi nó nhận giấy báo trúng tuyển đại học là ngày tôi cười ra nước mắt. Thằng em đậu vào ĐH làm niềm vui của gia đình tăng lên gấp đôi, nhưng cũng làm cho gánh nặng của gia đình nhân lên gấp bội phần, tương lại của nó không biết sẽ đi tới đâu.

Khi vào ĐH, các con tôi đều nhận được học bổng. Cuộc sống của tôi bây giờ cũng tạm ổn, nhà cửa cũng chưa được lành lặn lắm nhưng cũng không dột như trước đây. Tương lại có lẽ sắp mở ra một trang mới, một khung trời mới sáng sủa và tươi tắn hơn.

Niềm tự hào của những gia đình hiếu học tiêu biểu - 2
 Làm thuê cuốc mướn nuôi 2 con ăn học - Gia đình bà Nguyễn Thị Nê, 162/31/5 Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ

Tôi là một nông dân sống bằng nghề chăn nuôi. Hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1989, chồng tôi là Nguyễn Văn Như, 31 tuổi, bộ đội bị tai nạn mất đi để lại cho tôi hai con nhỏ.

Mất chồng, mất đi lao động chính trong nhà, tôi vào Nam sinh sống, công ăn việc làm chưa có nên cuộc sống của 3 mẹ con tôi gặp muôn vàn khó khăn. Ngày ngày, tôi phải đi làm thuê, làm mướn, không quản nắng mưa kiếm tiền nuôi con, chỉ mong hai con có được ngày hai bữa cơm.

Vừa làm cha, vừa làm mẹ, khi các cháu đến tuổi cắp sách tới trường, bao nỗi lo toan vất vả lại dồn hết lên hai vai tôi. Ngày nào cũng vậy, tôi thức từ 12h đêm cho tới sáng ngồi nấu rượu. 8h sáng đến chiều, tôi tranh thủ dẫn con sang bãi phi trường chặt cỏ đem về nhưng thu nhập của ba mẹ con cũng chỉ đạt được 5 đến 7 ngàn đồng mỗi ngày.

Biết được sự vất vả của mẹ, kinh tế thiếu hụt của gia đình, hai con tôi sáng nào cũng ăn cơm nguội, muối vừng đi học. Cứ thế, ngày tháng qua đi 2 con tôi lần lượt vào đại học. Đứa lớn đỗ trường ĐH Sĩ quan, chỉ huy kỹ thuật thông tin, đứa thứ 2 đỗ vào ĐH Cần Thơ, nhưng thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà cửa thì dột nát mà mẹ không có tiền sửa, cháu đã vào ngành trung cấp An ninh để giảm bớt nỗi lo cho mẹ.

Niềm tự hào của những gia đình hiếu học tiêu biểu - 3
 Vay tiền, nuôi bò đưa con tới trường - Gia đình ông Lý Minh Lả, dân tộc Dao đỏ, thôn 8, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn

Gia đình tôi có 5 thành viên, tuy kinh tế hạn hẹp nhưng chúng tôi luôn động viên các con chăm ngoan học giỏi, để xứng đáng kế tiếp truyền thống hiếu học của ông cha ta.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các con ăn học, gia đình tôi phải vay tiền Nhà nước để mua ba con bò sinh sản. Các cháu buổi sáng đi học, buổi chiều đi chăn bò. Quãng đường từ nhà tới trường là 6 km đường rừng, đi lại rất vất vả nhưng các cháu đều cố gắng học hết THCS và cả 3 cháu đều tiếp tục học lên THPT.

Hiện nay, 3 người con tôi đều đã vào ĐH,CĐ. Nhờ chăm chỉ lao động, cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn. Được đi dự đại hội này tôi vui lắm vì được xuống Hà Nội, được vào lăng viếng Bác. Tôi hứa, sẽ cố gắng vận động người trong gia đình và dân bản dù khó khăn đến mấy cũng phải đưa các con đi học.

Niềm tự hào của những gia đình hiếu học tiêu biểu - 4
 Chở thóc thuê nuôi 4 con đại học - Gia đình ông Huỳnh Văn Kim, thôn Phước Điền, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng gia đình tôi cố gắng vươn lên. Nhờ sự giúp đỡ của các đoàn thể cho vay vốn nhẹ lãi, sự quan tâm của HTX, tôi mua được 1 chiếc xe đạp thồ để làm công điểm và chở thóc cho bà con, hàng ngày vợ tôi phải mua từng tạ lúa để xay gạo bán kiếm cám nuôi heo, gà...

Tuy khó khăn nhưng gia đình tôi luôn đề cao tinh thần hiếu học, lúc nào việc học cũng đặt lên hàng đầu. Đến nay 4 cháu đã thành đạt có việc làm ổn định, cháu út đang là sinh viên năm thứ 3. Các con tôi đều vượt khó học tập, đều đã tốt nghiệp đại học.

Có thể nói từ năm 2000 trở về trước là chuỗi ngày gia đình tôi phải cật lực phấn đấu để có đủ tiền cho các con ăn học. Với tinh thần cùng cha mẹ lo cho các em ăn học, gia đình tôi đã tạo được sự gắn bó yêu thương, đùm bọc, kinh tế gia đình dần dần được ổn định và phát triển, quan hệ xã hội được mở rộng. Những lời động viên khuyên bảo của tôi, của bà con hai bên nội ngoại đã có tác dụng cổ vũ các cháu ra sức học tập, tu dưỡng nên người.

Hưởng ứng phòng trào khuyến học do các cấp hội phát động, tôi tham gia BCH Hội khuyến học xã từ năm 2003. Hàng năm gia đình tôi bố trí khoảng 1 triệu đồng để tặng quà cho các cháu nội, ngoại có thành tích trong học tập cũng như giúp đỡ các em trong thôn có hòan cảnh khó khăn.

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm