Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

“Hội Khuyến học góp phần chấn hưng giáo dục, đưa dân tộc ra biển lớn”

(Dân trí) - “11 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam với hoạt động tích cực và đầy tâm huyết đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhanh chóng trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn, vững mạnh. Phong trào khuyến học đã bén rễ đến từng thôn bản, phum sóc trên khắp đất nước, được người dân hoan nghênh và hưởng ứng tích cực”.

Đó chính là khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết  tại Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức trong hai ngày 9 và 10/10/2007. 

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cho biết ông đã thấy vô cùng xúc động khi được nghe kể về những dòng họ như tộc Đoàn xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Đó là một vùng đất đã chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh, hàng năm phải gánh chịu bão lụt, thiên tai với hơn 80% dân số sống nông nghiệp, dù thiếu thốn nhưng với truyền thống của quê hương “Ngũ Phụng Tề Phi”, người dân ở đây dù đói cơm chứ quyết không đói chữ. 

Với một cách nhìn khá thấu đáo và sâu sắc, Chủ tịch nước đánh giá: “Phong trào của Hội khuyến học trong 11 năm qua đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách giáo dục - đào tạo của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Đối với nhà trường, Hội đã góp phần động viên thày dạy tốt, trò học tốt, hỗ trợ hàng triệu suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hàng triệu phần thường cho các em học sinh giỏi, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh.  

Đối với hệ thống học thường xuyên, Hội đã động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để người lớn, chủ yếu là người lao động được học thường xuyên, học để phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hoá, đất nước”.

3 điều tâm đắc của Chủ tịch nước
 

“Hội Khuyến học góp phần chấn hưng giáo dục, đưa dân tộc ra biển lớn” - 1

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội.

Đến dự Đại hội lần này, có 3 điều mang đến cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sự đặc biệt hài lòng và tâm đắc. Đó  là:

1. Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học để xây dựng xã hội học tập là một cách làm độc đáo ở Việt Nam, có ý nghĩa lớn trong việc động viên mọi người học tập, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Gia đình Việt Nam luôn gắn liền với dòng họ. Dòng họ có tác dụng gắn kết mọi gia đình trong việc duy trì và phát huy nhũng truyền thống tốt đẹp của họ tộc, động viên các gia đình giữ gìn gia phong, thực hiện gia giáo. 

Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao gia đình vinh hiển, dòng họ khoa bảng lưu danh mãi mãi. Hiện nay, hàng vạn dòng họ đang thúc đẩy các gia đình trong họ thi đua với nhau và thi đua với các dòng họ khác, ra sức trau dồi tài đức, đóng góp nhiều cho xã hội, giành vinh quang về cho họ tộc mình. 

2. Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học - dòng họ khuyến học” là một sáng kiến của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm mục đích vận động mọi người học tập. Lấy tư tưởng học suốt đời của Bác Hồ làm nền tảng, Hội đã khơi dậy truyền thống hiếu học vốn có ngàn đời của dân tộc. Bắt đầu từ năm 2003, chỉ sau một năm phát động, đến tháng 12/2004 đã có trên 1,3 triệu gia đình, gần 1 vạn dòng họ khắp cả nước đã đăng ký và phấn đấu để được Hội khuyến học công nhận là gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học. 

3. Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp Hội đã hiểu sâu sắc vai trò, tác dụng của gia đình và dòng họ trong việc khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc, việc sáng tạo vận dụng tư tưởng  Hồ Chí Minh về ý chí học tập vào giai đoạn đất nước cần phải đột phá, đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách tụt hậu quyết tâm sớm đưa các Nghị quyết của Đảng về xây dựng xã hội học tập vào cuộc sống rất hợp lòng dân. 

Vì vậy, “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” là cuộc vận động quần chúng góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đưa dân tộc ta ra biển lớn với cộng đồng quốc tế và các cường quốc năm châu trong hội nhập. 

Ngoài 3 điều tâm đắc trên thì Chỉ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn cho biết điều đáng mừng nhất đối với ông khi tham dự Đại hội là có rất nhiều gia đình hiếu học của dân tộc Thái, Tày, Nùng, K.ho, Khmer, H.rê, H.mông, Dao...đăng ký và phấn đấu đạt gia đình hiếu học tiêu biểu.  

Phòng trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học phát triển rất nhanh trên khắp các địa bàn dân cư trong cả nước. Tới nay, đã có 4.285.987 gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”, 26.664 dòng họ đăng ký phấn đấu thành “Dòng họ khuyến học”. Tại các địa phương, các cấp Hội đã vận dụng một cách sáng tạo để phù hợp với từng địa bàn dân cư, với phong tục tập quán dân tộc, để mọi người ai ai cũng thực hiện được. 

Và những băn khoăn... 

Tuy hết sức xúc động và khá hài lòng về những hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhưng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng không khỏi băn khoăn. Ông đặt vấn đề: Tại sao phong trào khuyến học vẫn chưa đồng đều. Có những địa phương kinh tế không phát triển nhưng phong trào khuyến học lên rất mạnh nhưng ngược lại, có những địa phương kinh tế rất phát triển nhưng phong trào khuyến học lại không phát triển? Chủ tịch Nguyễn Minh Triết yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu để trả lời được câu hỏi này cùng Hội Khuyến học Việt Nam. 

Cũng theo nhận xét của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao công tác khuyến học ở một số địa bàn chưa mạnh mẽ. Các tấm gương khuyến học, gương của các vị mạnh thường quân... giúp cho phong trào khuyến học tuy có làm được nhưng chưa nhiều và chưa thành một phong trào sôi nổi. 

Vì thế, ông có đưa ra 4 đề nghị với Hội Khuyến học Việt Nam:

1. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị, mở rộng hơn nữa cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học”  

2. Các “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học” phải lôi cuốn thêm hàng triệu gia đình khác tham gia vào các hình thức học tập làm cho học tập trở thành một cao trào trong nước.  

3. Mở rộng Quỹ Khuyến học, khuyến tài trong mỗi dòng họ để các gia đình nghèo, các con cháu nghèo trong họ tộc đều có điều kiện theo học.  

4. Các gia đình hiếu  học, dòng họ khuyến học tham gia vào việc mở ra nhiều hình thức học tập: Học ở trường, học ở nhà, học trong doanh nghiệp, học từ xa, học trên mạng Internet...để tạo ra nhiều cơ hội đi học cho những thành viên khác trong cộng đồng. 

Nỗi niềm khuyến học của một vị Chủ tịch nước 

 

Trăn trở lớn nhất trong công tác khuyến học của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có lẽ là làm sao gắn việc học tập với nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh, phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề...góp phấn làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. 

 

Chủ tịch nước đặc biệt cảm kích trước tấm lòng của các doanh nghiệp đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khuyến học. Ông nói: Tất cả những khoản lãi doanh nghiệp hoàn toàn có quyền được hưởng nhưng họ đã dành ra những số tiền không nhỏ trong đó để đóng góp, như thế là đáng quý lắm! 

 

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thì cuộc vận động “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” được tổ chức đúng vào giai đoạn cả nước ta đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển từng bước kinh tế tri thức trong một số lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.  

 

Truyền thống hiếu học của dân tộc ta bắt gặp nhu cầu học hỏi trong nhân dân đã trở thành một động lực thi đua học tập để vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa nước ta vượt ra khỏi tình trạng chậm phát triển.

 

Bài: Mai Minh
Ảnh: Hữu Nghị