1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Những cơ chế đặc thù được kiến nghị riêng cho vành đai 4 TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ, TPHCM đã kiến nghị cơ chế đặc thù về việc ngân sách 2 địa phương có thể hỗ trợ nhau để thực hiện dự án đầu tư công thuộc vành đai 4 TPHCM.

UBND TPHCM vừa báo cáo Thủ tướng về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 4 TPHCM. Trong đó, địa phương đề cập việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế đặc thù để gỡ vướng cho dự án này và trình tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới.

Sau công văn trên, UBND TPHCM đã làm rõ về các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để đẩy nhanh tiến độ dự án. Địa phương đã đề xuất các nội dung mới về vốn, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề khai thác khoáng sản và cơ chế quản lý sau đầu tư.

Những cơ chế đặc thù được kiến nghị riêng cho vành đai 4 TPHCM - 1

Cầu Thủ Biên là nơi tiếp giáp giữa Đồng Nai và Bình Dương thuộc dự án vành đai 4 TPHCM (Ảnh: Hoàng Bình).

Cụ thể, TPHCM đề xuất UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương cùng nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án thành phần thuộc vành đai 4 TPHCM. Ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của phần dự án tiếp giáp (cầu nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, cầu Thủ Biên nối Đồng Nai và Bình Dương).

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Tỉnh Long An được ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn tham gia dự án.

TPHCM cũng kiến nghị tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án. UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần của vành đai 4 TPHCM ở từng địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần cần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A.

Thành phố cũng đề xuất cơ chế cho phép thông qua chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 TPHCM trên cơ sở quy mô, hướng tuyến đã nghiên cứu trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh đồ án quy hoạch có liên quan trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

TPHCM kiến nghị giao UBND các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầu tư sau khi Quốc hội quyết định chủ trương. Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết xây dựng dự án vành đai 4 TPHCM được Quốc hội thông qua, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thành phố cũng đưa ra cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với vành đai 4 TPHCM. Sau đầu tư và quyết toán vốn, vành đai 4 TPHCM được áp dụng cơ chế quản lý công trình.

Trước đó, UBND TPHCM cho biết, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án vành đai 4 TPHCM, các địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ chế sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương). Cơ chế sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác trong đầu tư công cũng chưa thực hiện được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm