Những anh nuôi đặc biệt khi người dân Đà Nẵng "ở yên trong nhà"
(Dân trí) - Đà Nẵng phong tỏa, các tổ trưởng dân phố bỗng trở thành "anh nuôi" của cả trăm hộ dân khi vừa đi chợ hộ, vừa chia lương thực, thực phẩm hỗ trợ, vừa đôn đốc người dân đi lấy mẫu xét nghiệm...
"Chăm" cả trăm hộ
Từ khi TP Đà Nẵng áp dụng lệnh phong tỏa đến nay, đêm nào ông Lê Văn Tam (sinh năm 1964), Phó Ban điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tổ 41 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cũng tuần tra trong tổ, kiểm tra, nhắc nhở người dân.
"Những ngày này tuy cực nhưng để bà con yên tâm tôi cũng không nề hà gì. Trong khó khăn, bà con càng đồng lòng, đoàn kết hơn, cùng nỗ lực bảo vệ vùng xanh của tổ", ông Tam tự hào kể.
Tổ 41 có 60 hộ, ngoài ra còn 16 hộ tạm trú và người thuê trọ. Để bảo vệ vùng xanh của tổ, Ban điều hành tổ bố trí 5 chốt (3 cứng, 2 mềm), 5 thành viên thay phiên nhau trực chốt từ 6h-22h.
Thành phố thực hiện biện pháp "ai ở đâu ở yên đó" để chống dịch, Ban điều hành trở thành tổ hậu cần cho hàng trăm nhân khẩu.
Các việc từ lập danh sách hộ khó khăn để hỗ trợ, phân chia rau củ cho các hộ, đốc thúc người dân đi lấy mẫu, đi chợ giúp dân… đều đến tay "anh nuôi" ở tổ dân phố. Đó là chưa kể những thứ việc vụ vặt không tên khi tất cả người dân đều không được ra khỏi nhà.
Suốt hơn một tuần qua, ông Lê Văn Thu (sinh năm 1966, Tổ Trưởng Tổ dân phố 41) không có giấc ngủ trưa. Có mấy hôm mà ông sụt hẳn 2 cân. Cả ngày ông túi bụi với việc nhận đơn hàng, đi chợ hộ người dân, ghé UBND phường nhận hỗ trợ, phát phiếu đăng ký xét nghiệm, tổ chức lấy mẫu…
Trên những con phố không một bóng người, hình ảnh bác tổ trưởng dân phố lớn tuổi với cả tá bao rau, củ được chằng cột trên chiếc xe máy trở nên thân thuộc với những cư dân tổ 41.
"Mấy ngày này, lượng công việc chắc cũng bằng cả mấy tháng làm tổ trưởng cộng lại. Nhưng được cái bà con thấy mình bận rộn, cũng xắn tay góp sức cùng, người giúp chia rau củ, người giúp chia đơn hàng. Bà con đùm bọc, sẵn sàng nhường nhịn nhau bó rau, miếng bí đỏ… là tôi vui lắm rồi", ông Thu nói,
Đến nay, tổ 41 đã 4 lần được nhận lương thực, rau củ hỗ trợ. Mỗi lần nhận về, cả tổ đều đồng thuận chia đều tất cả cho các hộ. Những trường hợp thuê trọ, tạm trú, lao động phổ thông đang tạm mất việc… được ưu tiên nhận phần nhiều hơn một chút.
"Vừa kiếm được việc nên em quyết định không về quê. Trước khi thành phố phong tỏa, em có mua sẵn một ít thực phẩm, nhưng dùng được vài ngày thì đồ ăn cũng hết. Nhận được sự hỗ trợ của tổ dân phố, em rất biết ơn. Dù không nhiều nhưng giúp em cầm cự qua những ngày phong tỏa", Nguyễn Thị Thiện (quê Gia Lai, sinh viên mới ra trường) chia sẻ.
Những chuyện "hậu cần" dở khóc dở cười
Hơn một tuần qua, cả nghìn tổ trưởng tổ dân phố như ông Thu cùng các thành viên Ban điều hành vẫn tất bật "tiếp sức" để người dân yên tâm ở nhà. Làm hậu cần cho cả trăm hộ cũng như làm dâu trăm họ, cũng lắm chuyện dở khóc, dở cười.
"Thành phố quy định bán combo, nhưng combo vẫn thiếu, nhà thiếu cái này, nhà thiếu cái kia, rồi các loại tã bỉm, sữa trẻ em, bột giặt, xà phòng… cũng là thiết yếu cả. Vì vậy, tôi linh động nhận đơn lẻ từ bà con rồi gom sỉ lại. Mua về thì vợ con cùng phụ chia rồi giao cho bà con. Đặt như thế tiện lợi cho bà con, tôi vất vả chút cũng không sao", ông Thu nói.
Mấy ngày qua, ông Nguyễn Văn Hoanh (tổ trưởng tổ 50, phường Mỹ An) cũng bận tối mắt. Đã 73 tuổi, nhiều lần ông đã xin nghỉ làm tổ trưởng, nhường "ghế" cho lớp trẻ nhưng không ai nhận. Vậy là vị tổ trưởng ngoài thất thập vẫn phải đi lo chuyện bếp núc cho cả 70 hộ trong những ngày phong tỏa.
Cứ tối tối, ông lại cặm cụi chong đèn soạn đơn để chuyển cho đơn vị cung ứng. Cứ nghe điện thoại siêu thị là ông bỏ hết việc để đi nhận hàng, kẻo sợ trễ bà con chờ.
Ấy thế mà trễ đơn, bà con cũng nhắn, cũng gọi điện phàn nàn. Có những đơn cả 2, 3 chục món hàng, ông tổ trưởng già nhìn thôi cũng thấy loạn. "Cả 70 hộ, ban điều hành có mấy người, cũng toàn người lớn tuổi cả nên nhiều khi cũng phải mong bà con thông cảm", ông Hoanh nói.
Lần đầu Đà Nẵng thực hiện phong tỏa và thành lập Ban điều hành khu dân cư để hỗ trợ người dân trong 7 ngày "ở yên" nên đa phần đều bỡ ngỡ. Theo ông Trần Duy Bửu (sinh năm 1964, tổ trưởng tổ 16, phường Tân Chính, quận Thanh Khê), chỉ riêng chuyện chia rau củ thôi cũng đã lắm chuyện khóc dở.
"Lúc đầu, mọi người thống nhất chia theo nóc nhà, mỗi nhà một phần. Nhưng khi phát về, nhà đông người kêu không đủ, nhà ít tị nạnh nhà nhiều. Sau lần đó, tôi phân theo hộ khẩu, phòng trọ. Những phần dư ra đem cho thêm những hộ đông khẩu, hộ khó khăn, sinh viên… Vừa làm, chúng tôi vừa phải nghe góp ý của bà con để tự điều chỉnh cho phù hợp", ông Bửu kể.
Rành công nghệ, mọi thông tin đều được ông Bửu cập nhật đều đặn trên nhóm Zalo để cả tổ dân phố nắm. "Nhưng nhiều hộ không biết, cũng không có điện thoại thông minh để xài nên tôi vẫn phải vừa gọi điện, vừa "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nắm bắt, hỗ trợ bà con nhanh nhất", ông Bửu chia sẻ.