1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Nhiều người nhập cư vào Hà Nội rất xuất sắc"

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã lập luận như vậy khi phản biện quy định về siết chặt điều kiện nhập cư vào Hà Nội trong luật Thủ đô. Quy định trên cũng là nội dung được các đại biểu tranh luận gay gắt nhất trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô.

Vấn đề thắt - mở quy định để hạn chế xu hướng nhập cư vào Hà Nội là nội dung gây tranh luận nhất khi dự luật Thủ đô được thảo luận tại nghị trường chiều 22/3. Quy định về cơ chế đặc thù cho Hà Nội nhận nhiều ý kiến phản biện trái chiều.
 
“Gia đình đông con, đứa được trong nhà, đứa buộc phải ở ngoài vườn”

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt vấn đề, dự thảo định ra điều kiện nhập cư vào thành phố là có việc làm hợp pháp. Vậy những người bán hàng rong trên vỉa hè là hợp pháp hay bất hợp pháp? Ông Đào cho rằng cần bàn thêm về tiêu chí cho nhập cư, làm rõ thế nào là việc làm hợp pháp.

Chạm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lật về gốc vấn đề: đặt ra quy định như vậy nhằm giải quyết sức ép về dân số với Hà Nội nhưng nếu xây dựng luật như vậy thì không “gỡ” được gì. Đại biểu phân tích, những người lao động tự do đổ về Hà Nội rất nhiều, họ cũng không cần hộ khẩu nên quy định ít ý nghĩa.
 
"Nhiều người nhập cư vào Hà Nội rất xuất sắc" - 1
Bán hàng rong có phải là việc làm bất hợp pháp?

Không những thiếu hiệu quả, không hợp hiến mà quy định còn tạo ra sự bất bình đẳng với công dân. “Chúng ta tưởng tượng Hà Nội như một gia đình đông con, nhà chật nên đẻ ra quy định một số con dứt khoát phải ở ngoài hè, ngoài vườn, còn một số con mới được ở trong phòng. Vấn đề ở đây là phải tìm cách mình nới rộng nhà để tất cả các con vào đấy ở được, còn nếu chán, tự khắc nó sẽ không ở” - ông Thuyết ví von.

Sự bất bình đẳng được đại biểu dẫn chứng: “Con cháu những bà đồng nát hôm nay, ngày mai có thể có thể là các nhà văn nghệ sĩ, các nhà quản lý có những đóng góp xuất sắc cho Thủ đô”. Thẳng thắn nhìn nhận, đại biểu nêu thực tế, tỷ lệ người Hà Nội gốc ngoài đời rất ít và nhiều người nhập cư vào Hà Nội rất xuất sắc, đóng góp cho Thủ đô. “Xong việc mình rồi giờ lại tính chuyện cấm người khác” theo đại biểu là cách ứng xử khó chấp nhận.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cũng phê phán cách hạn chế nhập cư bằng việc siết chặt quản lý hộ khẩu. Ông Dũng cho rằng, hộ khẩu là để quản lý trị an. Vấn đề tăng dân nhập cư nằm ở quy hoạch xây dựng, đặc biệt là động lực kinh tế.

Đại biểu cảnh báo: “Trong khu vực trung tâm chúng ta không muốn tăng dân số nhưng chỗ nào cũng xây cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại... thì nhập cư sẽ tiếp tục tăng”.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Giám đốc Công an Hà Nội) lại có những lý lẽ riêng. Ông Nhanh cho biết, sau khi mở rộng địa giới Thủ đô, có 6,4 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng đến cuối năm 2010 lượng đăng ký thường trú đã tăng thêm nửa triệu, tức xấp xỉ 7 triệu người có hộ khẩu Hà Nội. Mức tăng đó, ông Nhanh cho là quá lớn.
 
"Nhiều người nhập cư vào Hà Nội rất xuất sắc" - 2
Đại biểu Trần Du Lịch: "Người dân cư trú hợp pháp, vì không đăng ký được hộ khẩu bị hạ cấp thành "công dân loại 2".

Đại biểu Trần Du Lịch “bác” thẳng cách giải thích này. Theo ông Lịch, việc nới điều kiện cư trú vừa qua, số lượng đăng ký hộ khẩu tăng lên nhưng thực tế vẫn là những người đã trụ lại thành phố từ lâu chứ không phải điều kiện đăng ký hộ khẩu thoáng hơn kéo dân về. Ông Lịch đề xuất giải pháp lâu dài là phải thay đổi chất lượng dân số, thay đổi cơ cấu kinh tế chứ không nên biến những người dân cư trú hợp pháp, có việc làm, vì không đăng ký được hộ khẩu mà bị hạ cấp thành "công dân loại 2".

Giám đốc Công an Hà Nội “xuống nước”: “Tất nhiên chúng ta cũng hiểu là tất cả các biện pháp hành chính này không thể làm giảm được áp lực về dân số. Nhưng cũng như báo cáo giải trình Ủy ban Pháp luật, đây cũng là một trong những biện pháp mà chúng tôi cho rất cần thiết”.

Đặc thù ưu tiên chi dùng tiền

Các nội dung về quản lý quy hoạch, cơ chế đặc thù Thủ đô cũng tiếp tục nhận những ý kiến phản biện trái chiều.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) mổ xẻ quy định "trong nội thành không được mở rộng diện tích sử dụng đất". Ông Dũng hài hước cho rằng không quy định thì nội thành Hà Nội cũng không còn đất đâu mà mở rộng nữa.

Tương tự với quy định không tăng quy mô bệnh viện, trường học ở trung tâm, đại biểu giả thiết: “Người ta nói là sẽ không có tình trạng 2 người bệnh một giường nữa mà có nghĩa là sẽ có 3 người một giường hoặc hơn nữa”. Bất cập của chính sách này ở chỗ trái thực tế, hiện bệnh viện hết sức căng thẳng mà nơi nào có dân thì chỗ đó phải có bệnh viện. Như bệnh viện tim, cấp cứu chậm 10 phút là chết mà đi tận Sóc Sơn thì không kịp - ông Dũng phân tích mặt chưa tính đến của chính sách di dời bệnh viện, trường học khỏi nội thành.

Tán thành giao cho Thủ đô những cơ chế đặc thù về tài chính, song đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị cần quy định thật cụ thể. Ví dụ Thủ đô được hưởng mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác, vậy cao hơn như thế nào? Hay Thủ đô thì được ưu tiên phân bổ vốn ODA, vậy ưu tiên theo nguyên tắc nào.

“Nếu chúng ta không quy định cụ thể thì dễ dẫn đến cơ chế xin cho, quy định một điều như thế này thì về sau các đồng chí lãnh đạo Hà Nội đi chạy xin các Bộ, xin Trung ương là rất mệt”, ông Thuyết cảnh báo.

“Chốt” lại các vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, kể cả kỹ thuật lập pháp, kể cả câu chữ cho chặt chẽ và thể hiện thật tốt để báo cáo lại Quốc hội.

“Nếu Quốc hội thấy rằng với cách tiếp thu, giải trình như vậy được thì đề nghị Quốc hội sẽ xem xét quyết định tại phiên cuối’, ông Lưu kết luận.

P.Thảo