Nghệ An:
Nhiều dự án di dân "khẩn cấp" chậm cả... thập kỷ (!)
(Dân trí) - Mặc dù được triển khai với mục tiêu di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn nhưng nhiều dự án tái định cư tại Nghệ An chậm tiến độ một cách khó tin.
Dự án "khẩn cấp" chậm cả thập kỷ
Sáng 25/9, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp giải trình một số dự án chậm tiến độ gây bức xúc trong nhân dân đã được cử tri phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo thông tin ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cung cấp tại phiên họp giải trình, qua công tác kiểm tra, giám sát, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 19 dự án tái định cư bị chậm tiến độ. Trong đó, có 3 dự án chậm tiến độ từ 8-10 năm, gây lãng phí và bức xúc dư luận.
Dự án xây dựng mẫu các khu tái định cư cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương (Nghệ An) được phê duyệt năm 2009. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng do Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.
Theo phê duyệt sẽ có 2 khu tái định cư tại các xã Thanh Lâm và Thanh Thủy với 165 hộ đồng bào vạn chài được thụ hưởng. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm triển khai mới chỉ đưa được 43 hộ dân vào khu tái định cư thuộc xã Thanh Lâm. Tại khu tái định cư thuộc xã Thanh Thủy nhiều hạng mục như đường giao thông, hệ thống thoát nước, điện, nhà văn hóa cộng đồng, phòng học mầm non... chưa được triển khai.
Trong khi đó, dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở, vùng đặc biệt khó khăn xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) được phê duyệt từ năm 2011 đến nay cũng đang dở dang. Hiện mới chỉ có 31/60 hộ dân thuộc dự án được di dời đến nơi ở mới.
Theo phê duyệt, dự án này phải được hoàn thành trong vòng 24 tháng kể từ khi khởi công xây dựng nhưng đến nay còn 3 tuyến giao thông nội vùng khu tái định cư, hệ thống cấp nước sinh hoạt, trường mầm non và nhà văn hóa cộng đồng chưa thi công.
Tương tự, dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được phê duyệt năm 2011 nhưng sau khi hoàn tất thi công giai đoạn 1 vào năm 2014 thì "án binh bất động" đến nay.
Hiện mới chỉ có 30/73 hộ dân có nguy cơ cao được chuyển đến điểm tái định cư tại bản Quắn (xã Liên Hợp) dù hệ thống đường bê tông, điện, nước sinh hoạt chưa hoàn chỉnh. Điểm tái định bản Pật (xã Châu Tiến) có mục tiêu đảm bảo an toàn cho 42 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất, hiện các hạng mục đã được xây dựng xong nhưng chưa có đường vào nên các hộ dân chưa thể lên ở.
Điệp khúc thiếu vốn
Tại phiên họp giải trình, nguyên nhân chậm tiến độ các dự án nói trên đã được chủ đầu tư phân tích, chỉ rõ. Trong đó nguyên nhân xuyên suốt được chỉ ra là do các dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn như phê duyệt ban đầu.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, sau 3 lần điều chỉnh, dự án xây dựng mẫu các khu tái định cư cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương đội vốn từ hơn 79 tỉ lên hơn 86 tỉ đồng.
“Đến nay dự án đã được bố trí 70,3 tỉ đồng (bằng 81,8% tổng mức đầu tư) từ ngân sách Trung ương và tỉnh. Trong đó, ngân sách Trung ương đã bố trí vượt 8 tỉ đồng so với quy định. Hiện còn thiếu hơn 11 tỉ đồng (sau cắt gọt các hạng mục và kiểm toán giảm hơn 3 tỉ đồng so với phê duyệt - PV). Đây là nguồn vốn đối ứng cho dự án từ ngân sách địa phương”, ông Đệ thông tin.
Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở, vùng đặc biệt khó khăn xã Bình Chuẩn (Con Cuông) mới chỉ bố trí được 17,8 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Hiện đang cần hơn 8,4 tỉ đồng còn lại để hoàn thành dự án nhưng từ năm 2014 đến nay chưa được bố trí.
“Do nguồn vốn chưa được bố trí nên không có kinh phí giải phóng mặt bằng đền bù cho các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án để thu hồi đất, triển khai các hạng mục hạ tầng dở dang và san nền bố trí đất cho 29 hộ dân còn lại. Bên cạnh do chưa có đất sản xuất nên đời sống vật chất của 31 hộ dân đã di dời tới khu tái định cư chưa ổn định, thiếu bền vững”, ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chỉ rõ.
Liên quan đến các dự án di dân khẩn cấp nhưng chậm tiến độ kéo dài, ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án di dân tái định cư, xác định lại dự án nào thực sự cấp bách và hạng mục công trình ưu tiên để có giải pháp tập trung; đồng thời rà soát lại các công trình, hạng mục trong từng dự án đã hoàn thành, kiểm định chất lượng và đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo thanh tra các dự án nhằm xử lý trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư các dự án kém chất lượng; có kế hoạch tổng thể lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và cân đối ngân sách tỉnh để hoàn thành các dự án.