Nghệ An:
Dự án "khẩn cấp" chậm tiến độ, dân vạn chài mòn mỏi chờ tái định cư
(Dân trí) - Dự kiến trong vòng 3 năm dự án tái định cư cho 58 hộ dân ngoài đê sông Lam được hoàn thành. Thế nhưng 7 năm trôi qua, các hộ dân này vẫn sống thấp thỏm bên bờ sông vào mỗi mùa mưa lũ về.
Dự án khẩn cấp... 7 năm chưa xong
Tầm 10h sáng, người dân xóm Hòa Lam (xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An) lại kéo nhau ra võng mắc dưới những bụi tre sát bờ sông Lam nằm hóng gió. Công việc đánh cá thường kết thúc từ sáng sớm nên buổi ngày ngư dân ở đây khá rảnh rỗi. Câu chuyện của họ lại xoay quanh chuyện di dời đến khu tái định đã có trên giấy từ năm 2013.
Xóm Hòa Lam được lập từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Đó là nơi quần cư của những hộ dân sống bằng nghề chài lưới nơi hạ nguồn sông Lam. Cũng bởi nằm ngoài đê, mỗi năm đến mùa mưa lũ, làng ngập trong nước, có năm ngập đến nửa nhà.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Hòa Lam, giao cho Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỷ đồng, dự kiến sau 3 năm sẽ hoàn thành. Mục đích di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai tại xã Hưng Hòa, 58 hộ dân xóm Hòa Lam sẽ được tái định cư tại xóm Phong Thuận 2 nằm trong đê.
Ông Đậu Văn Lập (SN 1934) là một trong những người có mặt sớm nhất ở xóm Hòa Lam này, chứng kiến bao nhiêu lần cả làng đi chạy lũ. Bởi vậy, khi nghe tin nhà nước sẽ di dời các hộ dân ở xóm ven sông này tái định cư vào trong đê, khỏi phải nói, ông vui mừng đến thế nào. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng dài được lâu bởi dự án được phê duyệt từ năm 2013, tới nay, các hộ dân vẫn đang phải tiếp tục bám trụ bên bờ sóng, đối mặt với nhiều nỗi lo, nhất là mỗi khi mua mưa lũ về.
“Chúng tôi già rồi, cũng chẳng biết sống chết khi nào. Chỉ thương lớp trẻ, nhất là các cháu nhỏ. Được chuyển vào trong đê, việc đi học cũng thuận tiện hơn. Gọi là làng chài nhưng giờ thanh niên trai tráng cũng không lênh đênh theo sông nước mà đi xuất khẩu lao động, đi làm thuê, phụ nữ thì đi buôn bán, chạy chợ. Được vào đó an cư mà lạc nghiệp, không phải sấp ngửa chạy lụt thì còn gì bằng”, ông Lập cho biết.
Từ khi có đề án di dời, việc thi công đường ống dẫn nước sạch tới xóm Hòa Lam cũng bị dừng lại. Từ 58 hộ trong diện di dời, nay xóm Hòa Lam đã “phình” ra thành gần 70 hộ dân, nhà cửa san sát, xuống cấp nhưng cũng không dám sửa chữa.
Mong mỏi sớm được di dời đến nơi ở mới, an toàn hơn nhưng người dân vạn chài Hòa Lam cũng mang nhiều nỗi tâm tư.
“Nhà nước giao đất tái định cư, người dân chúng tôi biết ơn lắm. Nhưng đất ở đây không được thu hồi, nghĩa là chúng tôi không được bồi thường. Giờ đến nơi ở mới không biết lấy tiền đâu mà xây dựng nhà cửa để ổn định mà sinh sống.
Nơi ở mới không xa, chúng tôi có thể tiếp tục theo nghề sông nước nhưng lớp trẻ thì thế nào? Liệu có đất sản xuất hay nghề nghiệp gì để sinh sống không?”, ông Bằng (SN 1965) lo lắng.
Điệp khúc chờ?
Ông Trần Cao Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa (TP Vinh) cho biết, chính quyền nhận được kiến nghị của người dân Hòa Lam về mong muốn sớm được di dời tới nơi ở mới.
“Xã cũng tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của bà con và nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền sớm hoàn thành dự án để di dời, giúp người dân ổn định cuộc sống. Về trách nhiệm của xã thì chúng tôi đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Đến nay khu vực tái định cư đang đổ đất san nền, nếu thuận lợi thì cũng phải hết năm nay mới hoàn tất mặt bằng nên mùa mưa lũ năm nay bà con xóm Hòa Lam cũng chưa thể di dời được”, ông Trần Cao Cường cho hay.
Dự án di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai này được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng cho rằng do hai nguyên chính là vốn cấp chậm và chưa có mặt bằng “sạch” để triển khai.
“Thời điểm này khó khăn về nguồn vốn cơ bản đã được giải quyết, nguồn vốn đã được cấp về đầy đủ. Tuy nhiên, qua 4 đợt giải phóng mặt bằng vẫn còn một số hộ chưa đồng ý giải tỏa. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án sớm nhất, thực hiện di dời người dân xóm Hòa Lam đến nơi tái định cư”.
Theo ông Lê Văn Lương, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời theo chính sách hiện hành. Việc đảm bảo cho người dân an cư cũng đã được tính toán kỹ trong đề án.
“Mục đích của dự án là di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai, lũ lụt do đó nguyện vọng của bà con là tiếp tục ở lại xóm cũ để làm nghề chài lưới không thể đáp ứng được. Nếu bà con muốn mượn đất sản xuất thì cần phải cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có vấn đề không may xảy ra”, ông Lê Văn Lương cho hay.
Hoàng Lam