Nhiều động vật quý hiếm trong rừng Quảng Trị lọt "bẫy ảnh"
(Dân trí) - Qua hoạt động đặt "bẫy ảnh", cơ quan bảo tồn tại Quảng Trị đã ghi nhận được rất nhiều hình ảnh, thước phim về các loài động vật quý hiếm.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, nằm phía Tây Quảng Trị, có diện tích hơn 23.400ha. Đây là nơi địa hình cao nhất Quảng Trị với 2 đỉnh núi Sa Mù (1.570m) và Voi Mẹp (1.775m).
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa còn là khu vực có tính đa dạng sinh học phong phú và độc đáo, nơi giao lưu giữa các luồng thực vật bắc nam, khu vực Đông Dương. Vùng rừng có độ che phủ gần 93%, nhiều kiểu sinh cảnh, kiểu thảm thực vật và nhiều loài động vật quý hiếm.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, cho biết thực hiện chương trình điều tra, giám sát một số loài thú, chim nguy cấp, quý, hiếm, cán bộ khu bảo tồn đã lắp đặt 80 "bẫy ảnh" điều tra.
Kết quả "bẫy ảnh" ghi nhận được những hình ảnh, thước phim, hoạt động kiếm ăn, sinh động của 32 loài thú và chim. Trong đó có nhiều loài có trong Sách đỏ thế giới, Sách đỏ Việt Nam.
Theo ông Hoan, hiện nay trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có 1.327 loài thực vật bậc cao thuộc 158 họ. Trong đó có 195 loài nguy cấp, quý, hiếm như: đỉnh tùng, hoàng đàn giả, bảy lá một hoa, lan hài đài cuộn…
Động vật có 935 loài, trong đó hệ thú 110 loài, chim 208 loài, hệ bò sát ếch nhái 81 loài, cá 33 loài, côn trùng 503 loài. Trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như thỏ vằn, tê tê Java, vượn siki, vọoc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu, cá chình hoa, rùa hộp trán vàng miền Trung, sơn dương, bò tót, mang lớn...
"Để ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, thời gian qua chúng tôi phối hợp với các đơn vị tăng cường tuần tra. Đặc biệt, thực hiện chương trình phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm, khoán bảo vệ rừng hàng năm, nâng cao đời sống cho người dân để từng bước gắn trách nhiệm và hướng đến sự chung tay của toàn thể cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn", ông Hoan nói.
Khó khăn hiện nay đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực. Quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách hạn chế trong thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách còn hạn chế, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ còn thiếu, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình nâng cao sinh kế cho người dân, điều tra nghiên cứu chưa đảm bảo.