Nhiều cây xanh chết khô trong khu đô thị mới ở Huế
(Dân trí) - Dọc các tuyến đường nằm trong khu đô thị mới An Vân Dương (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều cây xanh chết khô sau khi được trồng.
Những ngày qua, người dân Huế phản ánh tình trạng nhiều cây xanh mới trồng chết khô trên tuyến đường Tố Hữu, trục đường chính của khu đô thị mới An Vân Dương, gây phản cảm và mất mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đoạn đường Tố Hữu trước mặt Trường THCS Nguyễn Tri Phương đến đoạn giao nhau với tỉnh lộ 28 có hàng loạt cây bị khô vỏ, héo lá, không phát triển.
Tại đoạn trước mặt Trường Nguyễn Tri Phương có số cây chết khô nhiều, đơn vị thi công đã tiến hành nhổ bỏ cây và chưa thấy trồng lại.
Tình trạng cây xanh bị chết khô, phát triển kém cũng xảy ra trên đường Võ Nguyên Giáp, khu hành chính tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế, công viên nhạc nước,…
Số cây xanh chết khô nói trên thuộc gói thầu số 26, dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần Thừa Thiên Huế.
Gói thầu được khởi công năm 2019, trị giá hơn 140 tỷ đồng, bao gồm đầu tư thi công các hạng mục cây xanh, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng các trục sinh thái trung tâm khu đô thị mới An Vân Dương.
Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Chương trình phát triển các đô thị xanh tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị thi công đã nhổ hết số cây chết tại các trục đường thuộc dự án.
Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh còn nhiều cây xanh chết khô chưa được nhổ bỏ, thay thế, ông Bắc nói sẽ yêu cầu nhà thầu kiểm tra, thống kê số lượng và thông tin đến báo chí sau.
Trước đó, Dân trí đã phản ánh tình trạng cây xanh chết hàng loạt tại các gói thầu thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị xanh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo thống kê của Ban quản lý dự án, tính đến nay có gần 2.000 cây xanh được trồng mới tại các hạng mục: Kè Đông Ba, Kè An Cựu, khu hành chính tập trung, đường Võ Nguyên Giáp, đường Tố Hữu. Chủng loại cây gồm: bằng lăng, phượng vỹ, phượng vàng, dầu rái, với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ đồng.
Sau khi trồng, có 394 cây, chủ yếu là cây dầu rái trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và Tố Hữu, khu hành chính tập trung, sinh trưởng kém, bị khô nên chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu phải trồng lại.
Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tìm giải pháp, quy trình trồng, chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng cây phải trồng lại. Tuy nhiên, đến nay tình trạng cây xanh chết khô trong dự án đô thị xanh tiếp tục xảy ra.
Bên cạnh đó, tại tuyến tỉnh lộ 28 (trục đường chính khác của khu đô thị mới An Vân Dương) cũng xảy ra tình trạng cây xanh bị chết, sinh trưởng kém.
Được biết, năm 2022, để thực hiện ngầm hóa tuyến cáp điện thuộc dự án Trạm biến áp 110kV Huế 4 và đấu nối, Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung đã tiến hành giải phóng mặt bằng, di chuyển gần 100 cây xanh các loại dọc tỉnh lộ 28.
Sau khi thi công tuyến cáp điện, đơn vị đầu tư đã trồng hoàn trả số cây này về vị trí cũ và tiến hành chăm sóc, nhưng nhiều cây bị chết.
Tình trạng tương tự xảy ra tại tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An (nối liền tỉnh lộ 28). Đây là đoạn đường mới được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 370 tỷ đồng. Riêng hạng mục cây xanh của dự án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 6,5 tỷ đồng.
Khu đô thị mới An Vân Dương và khu vực lân cận với tổng diện tích gần 2.250ha, thuộc địa giới hành chính của thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
An Vân Dương được xây dựng với ý tưởng là khu đô thị sinh thái, vừa hiện đại vừa hài hòa với môi trường xung quanh.