Nhật Bản tài trợ TPHCM gần 400 tỷ đồng để sửa 3km cống ngầm

(Dân trí) - Gần 3km cống thoát nước cũ ở khu vực trung tâm TPHCM sẽ được cải tạo bằng công nghệ đào không hở. Đáng chú ý, Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho thành phố gần 400 tỷ đồng trong tổng vốn 468 tỷ đồng.

Ngày 21/2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết thỏa thuận viện trợ không hoàn lại dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ đào không hở SPR.

Nhật Bản tài trợ TPHCM gần 400 tỷ đồng để sửa 3km cống ngầm - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Đại sự Nhật Bản Umeda Kunio chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và Nhật Bản

Dự án có tổng vốn gần 468 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại gần 400 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố. 

Với dự án này, TPHCM sẽ cải tạo, phục hồi các đường cống thoát nước cũ bị xuống cấp ở khu vực trung tâm (quận 1, quận 3) để giảm sự cố liên quan đến hệ thống nước.

Các tuyến cống được cải tạo dài khoảng 2,8km ở đường Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh và Cách Mạng Tháng 8. 

SPR là phương pháp không cần đào mương hở mà vẫn có thể cải tạo phục hồi các đường cống hiện có. Thay vào đó, tất cả các vật liệu và trang thiết bị cần thiết sẽ được vận chuyển qua lối hố ga vào bên trong đường cống. 

Các chất thải như đất và cát không sinh ra vì phương pháp này không yêu cầu đào đường. Diện tích chiếm dụng mặt đường để thi công cũng không nhiều. Vì vậy, phương pháp này giúp giảm rủi ro sụt lún mặt đường, ảnh hưởng an toàn giao thông và giảm kẹt xe.

Nhật Bản tài trợ TPHCM gần 400 tỷ đồng để sửa 3km cống ngầm - 2

Hệ thống cống vòm từ thời Pháp ở trung tâm TPHCM đã xuống cấp

Hiện nay, TPHCM có 2.600km đường cống thoát nước, trong đó có khoảng hơn 900km đường cống cũ. Riêng cống vòm được người Pháp xây dựng cách đây khoảng 150 năm tại khu vực trung tâm thành phố dài khoảng 100km đã xuống cấp trầm trọng.

Hệ thống cống vòm tại Sài Gòn do người Pháp xây dựng từ năm 1870. Cống lớn nhất có bề ngang 2,35m, cao 1,8m và nhỏ nhất có tiết diện là 0,5m x 0,5m.

Cống vòm có tiết diện lớn được lắp đặt trên các tuyến đường khu vực quận 5, 6 như đường Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương, Triệu Quang Phục,... Trong khi đó, khu vực trung tâm thành phố, các đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Pasteur, Phó Đức Chính, Lê Công Kiều... cống vòm có tiết diện trung bình 0,8m x 1,6m.

Cùng ngày, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng đại diện phía Nhật Bản cũng ký bản ghi nhớ tăng cường năng lực quản lý đường sắt đô thị.

Quốc Anh