1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhắc nhở Chính phủ vì tăng bội chi ngân sách

(Dân trí) - UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội chỉ ra thực tế, năm 2012, Quốc hội quyết mức bội chi 140.200 tỷ đồng nhưng thực tế, quyết toán ngân sách vượt dự toán đến gần 14.000 tỷ đồng.

Cho rằng Chính phủ điều hành tăng bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 chưa có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị “Chính phủ cần rút kinh nghiệm”.

Trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại phiên họp ngày 17/4 của UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quyết toán thu - chi cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2012 đều tăng hơn so với dự toán và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 978.463 tỷ đồng, tăng 8,3% so với dự toán và tăng 72.673 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về tỷ lệ bội chi ngân sách, năm 2012, Quốc hội quyết định mức bội chi là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Quyết toán số bội chi là 154.126 tỷ đồng, so dự toán vượt 13.926 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP thực tế, nằm trong tỷ lệ bội chi Quốc hội cho phép.
Nhắc nhở Chính phủ vì tăng bội chi ngân sách
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển: "Chính phủ điều hành tăng bội chi khi chưa có ý kiến UB Thường vụ".

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, số bội chi Bộ trưởng Tài chính nêu chưa phản ánh hết tình hình bội chi như: chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi. Cơ quan thẩm tra dề nghị Chính phủ xác định lộ trình cụ thể để xử lý những khoản nợ và khoản ứng nêu trên nhằm bảo đảm tính chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, mặc dù tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tính trên GDP có giảm so với dự toán (4,8%) nhưng số bội chi lại tăng 13.926 tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội quyết định.

Ông Hiển nhận định: “Việc Chính phủ điều hành tăng bội chi ngân sách Nhà nước trên cơ sở tăng giải ngân nguồn vốn ODA (tăng 17.143 tỷ đồng) theo báo cáo của Chính phủ là tích cực, nhưng việc chưa có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện là chưa phù hợp với khoản 2, điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm”.

Về việc Chính phủ đề nghị cho phép quyết toán chi chuyển nguồn số tiền 383,02 tỷ đồng do việc thu hồi vốn của một số dự án chậm giải ngân để phân bổ cho một số dự án khác của các bộ, ngành, cơ quan thẩm tra đồng ý nhưng cũng yêu cầu rút kinh nghiệm, trước khi thực hiện cần báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Báo cáo thẩm tra cũng “phê” tình trạng chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích. Thu ngân sách chỉ tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán, tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng. 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%.

Ngoài ra, theo UB Tài chính Ngân sách, công tác thu ngân sách năm 2012 không đạt dự toán được Quốc hội quyết định. Một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn. Công tác quản lý chi Ngân sách Nhà nước năm 2012 còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán; Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều; Chi cho chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương hiệu quả chưa cao.
 

Báo cáo kiểm toán do Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày cũng chỉ ra vô số các vi phạm trong thu chi ngân sách năm 2012. Như, 24/34 địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi một số nhiệm vụ khác chưa đúng quy định 1.409 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán cũng cho biết, năm 2012 còn một số khoản thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước chưa được xử lý vào cân đối ngân sách nhà nước. Như, số quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2012 thấp hơn số thuế giá trị gia tăng thực hoàn đến 31/12/2012 là 33.478,34 tỷ đồng.

Con số thống kê được Kiểm toán nhà nước đưa ra, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.058.140 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2011, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước). Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013). Bội chi ngân sách nhà nước 154.126 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 41.342 tỷ đồng).

P.Thảo