“Nhà thuốc bệnh viện rất vô tổ chức”!
(Dân trí) - Nhiều vấn đề nổi cộm của các nhà thuốc bệnh viện được thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chỉ ra, trong đó, “ngược đời” nhất là nhà thuốc trong viện bán giá cao hơn ngoài viện và chất lượng thuốc thì không thể kiểm soát nổi.
Bán giá cao hơn ngoài thị trường
Chiều 11/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 24/2008/QĐ-BYT về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.
Theo ông Quang, khoảng 67 - 70% thuốc lưu thông nằm trong các bệnh viện công lập, trong đó có 70% thuốc nằm ở nhà thuốc bệnh viện. Tuy nhiên, từ trước tới nay, hoạt động của nhà thuốc bệnh viện còn bị thả nổi vì những quy định chưa rõ ràng. Từ sự thả nổi đó, nhiều nhà thuốc bệnh viện đã “lộng hành”, tự ý liên doanh liên kết với các đơn vị phân phối đẩy giá thuốc lên cao tới 25 - 30%, thậm chí 45%, trong khi đó không kiểm soát được nguồn thuốc vào và chất lượng thuốc. Đặc biệt là khi các đoàn kiểm tra phát hiện ra những bất cập của các nhà thuốc BV, cũng không thể xử phạt vì quy định quá chung chung, không có chế tài xử lý các vi phạm này.
Rất nhiều người đi khám bệnh, sau khi bác sĩ kê đơn liền xuống nhà thuốc bệnh viện mua vì họ nghĩ đơn giản, đã là nhà thuốc bệnh viện thì phải đảm bảo, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, niềm tin của họ đã đặt không đúng chỗ. Bởi rất nhiều nhà thuốc bệnh viện chỉ trên danh nghĩa, còn thực tế là đã “bán cái” cho tư nhân thầu và để mặc cho họ làm giá…
Từ những vấn đề nổi cộm này, TS Cao Minh Quang không ngần ngại đánh giá, hoạt động của nhà thuốc bệnh viện là “vô tổ chức”.
Siết chặt quản lý nhà thuốc bệnh viện
Theo ông Quang, từ khoảng cuối quý III năm 2008, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện quyết định 24 của Nhà thuốc bệnh viện. Theo đó, việc kiểm tra cơ bản sẽ được giao cho các Sở Y tế, kể cả nhà thuốc bệnh viện T.Ư cũng sẽ được thắt chặt quản lý theo địa bàn. |
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của hơn 1.000 nhà thuốc bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kí quyết định số 24/2008/QĐ-BYT về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.
Theo đó, có hai nội dung quan trọng đổi mới là tư cách pháp nhân của nhà thuốc bệnh viện và quy định thặng số lãi suất. Theo quyết định này, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc bệnh viện. Trong trường hợp liên doanh, liên kết thì cá nhân hoặc giám đốc đơn vị đó phải cùng chịu trách nhiệm với Giám đốc bệnh viện về hoạt động của nhà thuốc.
Để thắt chặt quản lý giá thuốc, quyết định này cũng đề cập tới việc khống chế thặng số bán lẻ của nhà thuốc bệnh viện. Theo đó, trị giá thuốc tính trên giá gốc của đơn vị đóng gói nhỏ nhất chỉ dao động tối đa từ 5 - 20%. Cụ thể, trị giá thuốc 1.000 đồng trở xuống có thặng số bán lẻ tối đa 20%; trị giá trên 1.000 - 5.000 đồng là 15%, 5.000 - 100.000 đồng là 10%; trên 100.000 - 1.000.000 đồng là 7% và trên 1.000.000 đồng là 5%.
Tuy nhiên, quy định này sẽ luôn có sự điều chỉnh trong từng thời kỳ nhất định để phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường.
Theo ông Quang, Bộ Y tế đưa ra Quy định thặng số bán lẻ này của nhà thuốc bệnh viện là hoàn toàn có cơ sở. Thặng số này dựa trên kết quả kê khai giá bán lẻ và buôn của hơn 1.000 hồ sơ thuốc tại Cục Quản lý giá do Bộ Tài chính cung cấp; giá thành phẩm của Cục Tài chính doanh nghiệp và việc xin ý kiến rộng rãi của các bệnh viện trung ương, địa phương.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế, đó là việc tính thặng số này hoàn toàn dựa theo giá mua trên hoá đơn hợp pháp, còn Bộ Y tế chưa thể xác định được giá thuốc tận gốc khi nhà sản xuất bán ra cho nhà thuốc bệnh viện. Nhưng dù sao với quy định mới này, Bộ Y tế đang dần siết chặt để chấn chỉnh hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện. Không để tình trạng lộn xộn, vô tổ chức này kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp tới những người bệnh.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại nhiều bệnh viện hiện nay, Bộ Y tế cũng vừa ra quyết định cho phép điều chỉnh giá thầu cung cấp thuốc cho BV. Mức điều chỉnh bao nhiêu, phụ thuộc vào quyết định của hội đồng xét thầu, dựa trên giá thuốc áp dụng vào thời điểm đã điều chỉnh, nếu có.
Hồng Hải