Nhà tạm của nguyên Bí thư tỉnh ủy trong khu bảo tồn: Sẽ di dời hài hòa
(Dân trí) - Lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho rằng việc chưa di dời nhà tạm, khu chăn nuôi của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk là do yếu tố lịch sử, văn hóa để lại và sẽ vận động di dời hài hòa.
Ngày 10/10, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã có báo cáo giải trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo chí thông tin trang trại chăn nuôi của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm tại đây.
Theo báo cáo, năm 1999, Khu BTTN Ea Sô được thành lập nhưng trước đó, tại đây đã có một buôn làng là nơi sinh sống của người dân bản địa ở hai bên bờ sông Krông H'Năng (hiện nay là lòng hồ thủy điện).
Trong đó, khu vực bên này lòng hồ (thuộc lâm phần Khu BTTN Ea Sô quản lý) là nơi gia đình ông Y Luyện Niê Kđăm làm nhà gỗ sinh sống và có nuôi gia súc, canh tác nương rẫy từ những năm 1990.
Lãnh đạo Khu BTTN Ea Sô cho rằng, thời điểm thành lập khu bảo tồn, chưa di dời được căn nhà này ra khỏi khu bảo tồn, do yếu tố lịch sử, văn hóa.
"Đúng ra khi thành lập Khu BTTN Ea Sô, đơn vị tư vấn và các ngành chức năng phải khoanh vùng, bỏ ra diện tích đất khu vực này", báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo, vào năm 2003, chủ nhà có cải tiến nhà gỗ thành nhà xây. Tuy nhiên, khi thủy điện Krông H'Năng đóng đập thì ngôi nhà bị ngập không ở được. Gia đình ông Y Luyện đã dựng lại ngôi nhà mới lên phía trên vùng không ngập nước. Hiện trạng là đất trống và đất trống có cây bụi tái sinh.
Khu BTTN Ea Sô cho rằng gia đình ông Y Luyện Niê Kđăm không sống tại đây mà thi thoảng về thăm khu vực này để nhớ về cội nguồn. Đó là một nét văn hóa đặc trưng cho vùng đất và con người Tây nguyên.
"Ông có chăn nuôi một ít gia súc nhưng ông vẫn luôn có trách nhiệm gắn bó, bảo vệ một góc cánh rừng Ea Sô, không để xảy ra việc ảnh hưởng gây tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái nơi này. Ông là người đứng ra vận động và tuyên truyền bà con khu vực tiếp giáp lòng hồ không khai thác gỗ, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã", nội dung văn bản giải trình.
Bên cạnh đó, ông là người đề xuất, yêu cầu phải thành lập khu bảo tồn nhằm bảo vệ lá phổi xanh vùng Đông bắc của tỉnh Đắk Lắk và ký quyết định thành lập Khu BTTN Ea Sô năm 1999.
Trước ông Luyện có nuôi hơn 100 con trâu, bò, ngựa. Tuy nhiên đến nay chỉ còn hơn chục con và không có việc xây dựng trang trại kiên cố, quy mô.
"Chúng tôi coi đây như một yếu tố mang tính lịch sử để lại, mang tính đặc trưng và mang vấn đề tế nhị đối với một người là người con bản địa, đã có nhiều cống hiến cả đời cho vùng quê nghèo khó. Do vậy, việc vận động di dời sẽ tiến hành qua từng bước và có lộ trình cụ thể để đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng cũng hài hòa với tâm tư nguyện vọng của gia đình ông", báo cáo giải trình đề xuất.
Khu BTTN Ea Sô cho biết sẽ có những định hướng phát triển dựa trên phương án quản lý rừng bền vững, có các giải pháp hài hòa giữa công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy các giá trị truyền thống trong đề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng đặc dụng giai đoạn 2020 - 2025.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Y Luyện Niê Kđăm cho biết ông sinh sống tại khu vực cỏ tranh tại bờ sông trong Khu BTTN Ea Sô trước khi thành lập khu bảo tồn. Tại đây, ông chỉ ở tạm để gia đình chăn nuôi trâu, bò, dê.
Ông Y Luyện cũng khẳng định chưa bao giờ có hành động tác động đến tài nguyên rừng và gia đình sẽ vui vẻ dời đi khi chính quyền yêu cầu.