1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà máy giấy "hành dân”

(Dân trí) - Dù đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa đã đình chỉ một lần do xả thải thẳng ra môi trường, sau khi quay trở lại hoạt động, Công ty CP Giấy Lam Sơn, đóng trên địa bàn xã Vạn Thắng (huyện Nông Cống) vẫn tiếp tục gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Được biết, Công ty CP Giấy Lam Sơn chuyên sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế (khoảng 85%), còn lại là nguyên liệu nguyên sinh khác như tre, nứa, luồng... Nhà máy có công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm; công suất thực tế 8.000 tấn/năm, tương ứng với lượng nước thải khoảng 700 m3/ngày, đêm.

Nhà máy giấy "hành dân” - 1
Ông Nguyễn Bá Đại bức xúc nói về việc dòng sông Yên bị ô nhiễm.

Công ty này được xây dựng trên địa bàn xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, cạnh sông Yên. Sông Yên trước đây vốn trong xanh, nhưng thời gian qua đã đổi sắc, nước sông đục ngầu, mỗi khi trời nắng thì sủi bọt trắng xoá kéo theo mùi thối bốc lên.

Trước đây, lượng nước thải từ các khâu nấu, nghiền, rửa bột của nhà máy… không qua xử lý được thải trực tiếp ra sông Yên, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày 28/04/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Công ty CP Giấy Lam Sơn để đơn vị xử lý môi trường, khi nào đạt yêu cầu sẽ cho phép hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, sau khi đơn vị hoạt động trở lại, người dân lại "kêu trời" vì ô nhiễm. Theo phản ánh của nhiều người dân ở khu phố Mới, xã Vạn Thắng, Công ty Cổ phần giấy Lam Sơn thường hay xả nguồn khí thải hôi thối ra môi trường vào ban đêm. Tình trạng ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhiều tháng qua.

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy của Công ty CP Giấy Lam Sơn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở các thôn như: Ban Thọ, Đông Tài, Nhuệ Thôn, phố Mới. Đặc biệt, trong khu vực, 3 trường học cũng "giơ đầu chịu báng" là trường mầm non, tiểu học và THCS của xã Vạn Thắng. Mỗi lần nhà máy xả khí thải là cả thầy và trò đều phải lấy tay bịt mũi. Khổ nhất là các cháu ở trường Mầm non, ngày nào cũng phải hít nguồn khí độc hại.
 
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Yên còn ảnh hưởng đến vùng hạ lưu thuộc các xã như Vạn Hoà, Minh Khôi, Minh Thọ… Do môi trường ô nhiễm nên nhiều người dân quanh khu vực thường mắc các bệnh ngoài da, khó thở, tiêu chảy, ghẻ lở…
 
Ông Nguyễn Bá Đại, thôn Đông Tài bức xúc: “Con sông này cng cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân chúng tôi. Nhưng gần đây, nước sông trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối, những khi có gió đông thổi vào là không sao chịu đựng nổi”.
 
Nhà máy giấy "hành dân” - 2
Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, có nhiều lúc cá chết trên đoạn sông này

Quá bức xúc với sự việc trên, đã nhiều lần người dân kiến nghị lên Nhà máy, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Nông Cống. Tuy nhiên những kiến nghị  vẫn "một đi không trở lại" và đến nay người dân vẫn chỉ biết chấp nhận sống trong tình trạng môi trường ô nhiễm ngày một trầm trọng. 

Anh Nguyễn Văn Mạnh, thôn Đông Tài bức xúc: “Họ thường xả nước vào những hôm mưa to hoặc ban đêm khi mọi người không để ý. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến nhiều đêm bà con quanh đây không chịu được. Chúng tôi đã đã gửi đơn thư đi cầu cứu khắp nơi, nhưng vẫn không thấy gì thay đổi. Cứ như thế này thì làm sao chúng tôi sống được”.

Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, trước đây nước thải của nhà máy gây ô nhiễm sông Yên. Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngừng sản xuất để xử lý, đến nay tình trạng gây ô nhiễm sông Yên đã giảm, nhưng lại gây ô nhiễm bầu không khí hết sức nghiêm trọng. Địa phương đã nhiều lần làm việc với công ty và được hứa sẽ cố gắng xử lý môi trường đến mức tốt nhất. Xã cùng kiến nghị lên Phòng Tài nguyên môi trường huyện nhưng đến nay tình trạng vẫn không cải thiện.
 
Nhà máy giấy "hành dân” - 3
Khí thải từ nhà máy trực tiếp ra môi trường

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống thừa nhận: "Việc người dân phản ánh tình trạng nhà máy gây ra mùi hôi thối là có thật và phía nhà máy cũng đã công nhận việc này. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra và làm việc với Giám đốc nhà máy. Phía nhà máy cho biết, hiện 3 hồ sinh học đang gây men nên phải đợi 4 tháng nữa mới xử lý được mùi hôi. Chúng tôi đã yêu cầu nhà máy làm cam kết đúng thời gian trên phải đảm bảo công tác môi trường. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà máy phải báo cáo việc này với người dân và làm việc với chính quyền địa phương".

"Nếu sau thời gian 4 tháng, nhà máy không xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tiến hành xem xét đình chỉ hoạt động" - ông Thuấn khặng định.

Duy Tuyên - Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm