Những công trình rởm hàng chục tỷ đồng ở Hà Tĩnh:
Nhà khách gần 10 tỷ "dở sống dở chết"!
(Dân trí) - Cùng với sân vận động trung tâm Đức Thọ, nhà khách Sông La (NKSL) là một trong những công trình được đầu tư với số vốn hơn 5,5 tỷ đồng (nay đã vượt dự toán gần 10 tỷ). Trong khi chủ đầu tư đang cố “vẽ rồng vẽ rắn” về một tương lai tươi sáng, thì trên thực tế, công trình gần như bị bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng.
Xuống cấp và khắc khoải chờ vốn
Theo dự toán được phê duyệt thì NKSL thiết kế 5 tầng (kể cả tầng hầm), tọa lạc trên một diện tích hơn 10.000m2 - được phê duyệt với tổng kinh phí ban đầu 5,522 tỷ đồng, bao gồm phần xây lắp 4,210 tỷ đồng, thiết kế cơ bản khác 628 triệu đồng, còn lại là kinh phí dự phòng. Ngân sách do Ban quản trị kinh tế T.Ư đầu tư trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Công trình được khởi công vào đầu năm 2004 với mục tiêu sau 6 tháng thi công sẽ kịp đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư là Văn phòng huyện ủy Đức Thọ. Hai đơn vị tham gia xây dựng là Công ty xây lắp và sản xuất công nghiệp (thuộc Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam) với trị giá gói thầu 3,7 tỷ đồng và Công ty TNHH xây dựng Bắc Á (huyện Cẩm Xuyên) với gần 900 triệu đồng. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty kiến trúc Tây Hồ.
Sau khi khởi công, do hàng loạt vấn đề nên công trình không đảm bảo tiến độ. Toàn bộ phần nhà khách chỉ nằm ở mức hoàn thiện phần thô, nằm chơ vơ giữa cánh đồng.
Để kịp phục vụ cho lễ và không để công trình đối mặt với sự đàm tiếu của nhân dân, chủ đầu tư đã cho nhà thầu hoàn thiện phần trát bê tông mặt ngoài toàn khu nhà và hoàn thiện tầng 2, 3. Sau công đoạn đó, nhìn từ bên ngoài, NKSL trông có vẻ hoành tráng nhưng thực chất bên trong thì lại hoàn toàn khác.
Liên quan đến công trình sân vận động rởm 12 tỷ đồng ở huyện Đức Thọ, sau khi báo Dân trí nêu thực trạng xuống cấp của công trình này, chủ đầu tư là BQL dự án huyện đã tiến hành làm việc với các nhà thầu, tư vấn giám sát về trách nhiệm liên quan. Theo ông Trần Hữu Bé - chủ đầu tư, ngoài nguồn vốn của công trình chưa thanh quyết toán, các bên tham gia (nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư) đều phải trích phần trăm tiền được hưởng từ công trình rởm này để khắc phục sự cố xuống cấp. |
Khu tầng hầm - theo thiết kế là để dùng cho các loại dịch vụ như masagge, chỗ để xe cho khách nhưng... đang ngập chìm trong nước hàng chục tháng trời. Vào lúc cao điểm nước trong tầng này cao lút tới đầu gối.
Một người dân nhận xét: nó chẳng khác gì một cái ao nuôi ba ba khép kín! Điều đáng nói ở đây, nước đang dần làm phong hóa phần móng, nền và những bức tường bao bọc.
Trong khi đó, những hạng mục được đưa vào sử dụng cũng đã xuống cấp, như lời của ông bảo vệ khách sạn thì tường ngấm nước do ống dẫn có thể vỡ hoặc tắc. Còn những tầng trên của khách sạn thì bỏ bê phần thô từ đó tới nay. Những hạng mục phụ khác của dự án NKSL, như hệ thống mương dẫn nước chạy bao quanh khu nhà 5 tầng hiện cũng hư hỏng. Phần nắp đậy nhiều chỗ bị vỡ hoặc bị bỏ bê từ lâu.
Do thiếu kinh phí nên toàn bộ trang thiết bị gần như được chủ đầu tư lấy của Văn phòng huyện ủy ra để tiếp khách. Mọi công việc ở đây hiện chỉ phó thác cho 2 nhân viên, chủ yếu là làm công tác bảo vệ. Họ cho biết, tiền thu từ khách không đủ để chi trả tiền điện, nước.
Điều đáng nói hơn, trong khi công trình bị bỏ bê thì chủ đầu tư đã “ưu ái” phá hàng rào bao quanh khách sạn cho Công ty TTHH Hồng Đức kinh doanh cửa hàng ăn uống. Sự việc càng khiến dư luận địa phương hết sức bất bình, bởi chủ cửa hàng này là vợ ông Trần Hữu Bé - Trưởng ban quản lý các dự án huyện Đức Thọ!
Trách nhiệm chính thuộc về ai?
Được biết, chủ đầu tư công trình là Văn phòng huyện ủy Đức Thọ - do ông Nguyễn Văn Song - Bí thư huyện ủy đứng đầu. Với tư cách là chủ đầu tư, huyện ủy Đức Thọ tiếp tục bỏ qua công đoạn đấu thầu các đơn vị thi công. Hai đơn vị tham gia xây dựng công trình này là Công ty xây lắp và sản xuất công nghiệp và Công ty TNHH xây dựng Bắc Á đều được chủ đầu tư ưu ái chỉ định.
Đây cũng là lý do dù mới tạm thời đưa vào khai thác, nhưng công trình nhà khách đã có dấu hiệu xuống cấp ở một số hạng mục hoặc chưa thực hiện xong phần việc như cam kết hợp đồng. Chủ đầu tư đỗ lỗi trách nhiệm này thuộc về cấp tỉnh, bởi ngay từ đầu tỉnh xác định "ưu ái" cho các đơn vị tham gia thi công?!
Một vấn đề khác thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư đó là không chấp hành dự toán ban đầu, tự ý đẩy nguồn chi phí 5,5 tỷ đồng lên gần 10 tỷ đồng theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Giải thích cho việc này, ông Nguyễn Văn Song biện bạch rằng, “sở dĩ phải tiến hành xây dựng công trình như hiện tại là để huyện có một công trình xứng tầm trong tương lai” (?).
Khi Dân trí tìm hiểu thông tin về công trình sân vận động Đức Thọ và nhà khách Sông La thì nhận được lời từ chối thẳng thừng của ông Song: “Theo chủ trương của tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra tỉnh chúng tôi không được cung cấp, bất kể báo nào”.
Nhóm PV miền Trung