1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những công trình rởm hàng chục tỷ đồng ở Hà Tĩnh:

Hàng loạt bất cập từ một ngôi trường

(Dân trí) - Chỉ mới đưa vào phục vụ được một năm học, ngôi trường Nguyễn Thị Minh Khai mới xây với giá hơn 12 tỷ đồng đã để lộ rõ hàng loạt bất cập. Việc thiếu tính toán và áp đặt thiết kế đã khiến nhiều hạng mục của công trình không đáp ứng được sự mong mỏi của tập thể giáo viên và học sinh...

Áp đặt thiết kế

Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai vốn là ngôi trường có bề dày truyền thống bậc nhất trên đất Đức Thọ. Trước sự phát triển về số lượng học sinh và những đòi hỏi về chất lượng đào tạo, ngôi trường cũ (diện tích 8.000 m2, 36 lớp học, dạy 2 ca) trở nên qúa chật chội.

Đến năm 2004 khi trung ương rót vốn về hỗ trợ cho Đức Thọ xây dựng các công trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, ngôi trường này mới có vốn để đầu tư xây mới.

Nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ công trình theo dự toán là trên 12 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Đức Thọ.

Về quy mô thì ngôi trường này được đánh giá là “hoành tráng” bậc nhất trong hệ thống các trường PTTH hiện nay ở Hà Tĩnh. Trường nằm trên một diện tích gần 3ha, số phòng học (gồm 2 dãy nhà H1 và H2) đáp ứng đủ cho 37 lớp học 1 ca, 4 phòng học bộ môn, phòng vi tính, phòng đọc sách, hội trường, phòng làm việc cho bộ phận hành chính và hàng loạt công trình phụ khác. Sau 8 tháng thi công ngôi trường được hoàn thành.

Tuy nhiên, niềm vui của nhà trường đã không trọn vẹn khi có quá nhiều vấn đề nảy sinh. Tất cả xuất phát từ việc áp đặt thiết kế của chủ đầu tư mà không thông qua ý kiến đóng góp của nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Viết Niệm, rất bức xúc cho biết: “Đáng lẽ trước khi thiết kế thì họ phải tham khảo ý kiến của nhà trường, đằng này họ đã thiết kế rồi thì mới hỏi. Chuyện rơi vào thế đã rồi, cuối cùng chúng tôi buộc phải chấp nhận”. Điều đáng buồn ở đây là, dù bản thân ông Hiệu trưởng cũng là một thành viên của Ban dự án nhưng sự có mặt của ông là chỉ để cho vui. “Sự có mặt của tôi là để... gọi là ấy mà” - thầy Niệm khẳng định.

Hậu quả đổ vào đầu giáo viên, học sinh

 

Hàng loạt bất cập từ một ngôi trường - 1
 

Thầy Trần Viết Niệm: Đáng lẽ họ
nên phối hợp với nhà trường
trong việc thiết kế công trình.

Bất cập đầu tiên phải đến ngôi nhà H3 được thiết kế trước khuôn viên nhà trường. Cho đến lúc này, Ban giám hiệu nhà trường chưa thể xác định được việc thiết kế ngôi nhà này nằm mục đích gì? Thầy Niệm cho biết: “Nếu gọi nó là nhà đa năng thì quá chật mà cũng không làm một cái gì cả. Còn nếu gọi nó là hội trường thì quá rộng và bất đắc dĩ mới phải sử dụng thôi”.

Chính vì sự bất cập này nên hiệu quả sử dụng của H3 là không đáng kể. Ngay cả khi nhà trường muốn sử dụng ngôi nhà đa chức năng này làm một sân cầu lông cho giáo viên và học sinh tập cũng không được vì nó quá chật so với yêu cầu.

Bất cập tiếp theo là ngôi nhà thư viện. Theo thiết kế ngôi nhà này gồm cả phòng đọc cho giáo viên và học sinh nhưng lại nằm quá xa so với ngôi nhà Hiệu bộ. Từ khi được đưa vào sử dụng, nó hầu như không có tác dụng với đội ngũ giáo viên.

“Thường khi rỗi giờ giáo viên chờ ở nhà Hiệu bộ, trong khoảng thời gian ấy có thể tranh thủ đọc thêm sách báo, nhưng do thư viện bố trí quá xa nên giáo viên chúng tôi không mấy khi xuống đó!”, thầy Niệm nói.

Không chỉ thể hiện sự bất cập trong khâu thiết kế, mà chất lượng công trình cũng khiến cán bộ nhà trường không khỏi bức xúc. Khu nhà H3 ngay từ khi đưa vào sử dụng, phần mái đã bị dột khiến đường điện bị chập, dẫn đến một loạt quạt trần cháy ngay sau đó. Vì thế hệ thống quạt gần như bị tê liệt. Đường ống nước cũng bị vỡ dẫn đến tường bị thấm một mảng lớn.

Dù nhà trường đã phản ánh với chủ đầu tư khá lâu nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được khắc phục. “Mới đây chúng tôi đã phải chữa cháy bằng cách sơn lại bức tường ấy, nhưng thực tế cứ có mưa là tường lại bị thấm” - thầy Niệm nói.

Cũng theo thầy Niệm, dù chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng ngôi nhà H2 (giá trị xây dựng gần 3 tỷ đồng) thiết kế 3 tầng cũng có những dấu hiệu cho thấy chất lượng không đảm bảo. Toàn bộ “xuyên hoa” do không được làm bằng thép đặc như ở ngôi nhà H1 nên đã nhanh chóng hư hỏng. Qua thị sát của nhóm PV thì số lượng "xuyên hoa" hư hỏng ở ngôi nhà H2 là rất lớn. Để phục vụ cho năm học mới nhà trường đã phải bỏ kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm để sửa chữa. Ngoài ra, ngôi nhà H2 này cũng đã thấm một số chỗ từ phần mái của tầng 3.

Một hạng mục khác là phần sân rộng lớn, được đổ bê tông hiện cũng đang xuống cấp. Do không tiêu úng được nước và sự thi công dối, ẩu đã khiến một phần sân bị ngập nước và có hiện tượng lún, nứt nẻ. Phản ánh của ông Hiệu trưởng cho biết, theo thiết kế độ dày của lớp bê tông 10cm, nhưng mới đây khi kiểm tra thì chỉ khoảng 7cm.

Với thực trạng này, không ai biết liệu còn bao nhiêu điều bất cập nữa sẽ đến sau nhiều năm ngôi trường được đưa vào sử dụng.

Sau loạt bài phản ánh của Dân trí về những công trình trị giá hàng chục tỷ đồng tại huyện Đức Thọ  - Hà Tĩnh xuống cấp, có khuất tất trong việc quản lý, đấu thầu và tư vấn giám sát, nhiều người dân địa phương, thậm chí một vị nguyên Bí thư huyện ủy Đức Thọ (xin được giấu tên) đã thuê xe đò, vượt hàng chục km về thị xã Hà Tĩnh để tìm gặp PV Dân trí.

 

Tất cả họ đều bày tỏ nguyện vọng mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ, nguồn vốn của nhà nước đã được phân bổ như thế nào? Hàng loạt công trình hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí trách nhiệm thuộc về ai? Đây cũng là những câu hỏi mà chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng của địa phương này.

Nhóm PV miền Trung