1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhà đầu tư nói gì trước việc BOT Bến Thủy tiếp tục bị đề nghị dừng thu phí?

Dương Nguyên

(Dân trí) - "Nhiều yếu tố khiến nguồn thu của đơn vị bị ảnh hưởng, không đủ tiền nộp và trả lại gốc cho ngân hàng. Từ đó, việc vay vốn sửa chữa khó khăn", đại diện Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh nêu lý do.

Ngày 20/9, đoàn công tác Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam), đại diện Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An) cùng các đơn vị liên quan đi kiểm tra hiện trạng mặt quốc lộ 1, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh.

Sau "tối hậu thư" của Cục Đường bộ, quốc lộ 1 vẫn hư hỏng, vì sao?

Qua đó, đoàn ghi nhận tại các vị trí vòng xuyến ở phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh), xã Vượng Lộc, thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) tình trạng nền, mặt đường đang bị hư hỏng kết cấu, bong tróc, nứt lưới, nứt rạn mai rùa, trồi lún và hằn lún vệt bánh xe.

Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh huy động nhân lực, phương tiện, máy móc tiến hành cào bóc, thảm lại một số vị trí bị hư hỏng nặng trên tuyến.

Nhà đầu tư nói gì trước việc BOT Bến Thủy tiếp tục bị đề nghị dừng thu phí? - 1

Thực trạng nền, mặt đường trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua Hà Tĩnh (Ảnh: Dương Nguyên).

Sau đó, Khu Quản lý đường bộ II tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan tại UBND xã Thạch Long, huyện Thạch Hà.

Ông Lâm Hoàng Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, cho biết toàn tuyến dài 35km có khoảng 25.000m2 mặt đường hư hỏng. Đơn vị mới tập trung sửa chữa được khoảng 2.000m2. Nhà đầu tư đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan tới dự án trùng tu đường năm 2022 với nguồn kinh phí 61,5 tỷ đồng.

Về lý do chậm khắc phục, sửa chữa, ông Linh nói rằng doanh thu hiện tại của đơn vị chỉ đạt khoảng 70% do không được tăng phí theo lộ trình. Trong khi đó, 62.000 phương tiện được giảm giá khi qua BOT Bến Thủy, các ô tô lại có thêm sự lựa chọn khi có thể đi liên tỉnh qua cầu Yên Xuân và cầu Cửa Hội nên ít đi qua trạm thu phí.

Nhà đầu tư nói gì trước việc BOT Bến Thủy tiếp tục bị đề nghị dừng thu phí? - 2

Ông Lâm Hoàng Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tuyến đường chậm sửa chữa (Ảnh: Dương Nguyên).

"Chúng tôi rất lo lắng và muốn thực hiện cho xong nhưng nguồn thu của đơn vị bị ảnh hưởng, không đủ tiền nộp và trả lại gốc cho ngân hàng. Từ đó, việc vay vốn sửa chữa khó khăn. Đơn vị đang hoàn thiện các hồ sơ, hiện nay phải vay vốn ngoài", ông Linh giãi bày.

Vì những yếu tố trên, đại diện Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ người dân, chính quyền Hà Tĩnh. Đơn vị đang nỗ lực sửa chữa các vị trí hư hỏng theo phương án cuốn chiếu nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trên tuyến.

Trong thời gian chờ nguồn vốn trùng tu, Cienco4 đã chủ động vay 5 tỷ đồng phục vụ cho việc khắc phục, sửa chữa thêm khối lượng khoảng 10.000m2, dự kiến hoàn thành trước 15/10.

Nhà đầu tư nói gì trước việc BOT Bến Thủy tiếp tục bị đề nghị dừng thu phí? - 3

Đơn vị quản lý đang cho sửa chữa những vị trí hư hỏng, xuống cấp (Ảnh: Dương Nguyên).

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, tuyến quốc lộ 1 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Song, khối lượng khắc phục sửa chữa hiện nay thấp, chỉ đạt 2.000m2. Điều đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung và công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Ông Tân đề nghị Khu Quản lý đường bộ II có đánh giá khách quan, chính xác và báo cáo với Cục Đường bộ Việt Nam để đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Nếu chậm sửa chữa, sẽ tiếp tục đề nghị dừng thu phí

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II, nói rằng nhà đầu tư dự án BOT trên cả nước nói chung và Cienco4 nói riêng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, doanh thu sụt giảm do nhiều nguyên nhân khách quan. Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư.

Song, việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông là bắt buộc và cần triển khai kịp thời. Trong khi đó, tiến độ khắc phục các tồn tại thời gian qua chậm, khối lượng đạt thấp, việc sơn sửa vạch đường chưa đạt yêu cầu.

"Khối lượng sửa chữa còn rất nhiều, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh cần báo cáo trung thực lên Tập đoàn Cienco4 và đề nghị Cục Đường bộ chỉ đạo tiếp", ông Dũng nói.

Nhà đầu tư nói gì trước việc BOT Bến Thủy tiếp tục bị đề nghị dừng thu phí? - 4

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II (Ảnh: Dương Nguyên).

Ông Dũng cho hay, trước đó, đơn vị từng 2 lần kiến nghị dừng thu phí Trạm BOT Bến Thủy. Sau đó, Cục Đường bộ Việt Nam đều có văn bản trả lời tạo điều kiện cho nhà đầu tư khắc phục. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư tiếp tục chậm sửa chữa, khắc phục, Khu Quản lý đường bộ II vẫn sẽ đề nghị theo hướng tạm dừng thu phí như trên.

"Về góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi đề nghị Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh triển khai nhanh các bước chuẩn bị dự án, khắc phục tồn tại trên tuyến. Nhà đầu tư cần có giải pháp bền vững, chứ làm xong cào lại rất lãng phí", ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 10/3, Cục Đường bộ Việt Nam gửi văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (nhà đầu tư) khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Cục Đường bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư rà soát, hoàn thành các dự án bảo trì (trùng tu, đại tu, đột xuất, bão lũ,…) trên toàn bộ dự án BOT như tuyến tránh TP Vinh, đoạn Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh. Trường hợp khắc phục chậm hoặc không đảm bảo chất lượng, Cục Đường bộ sẽ xem xét tạm dừng thu phí.

Sau đó, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh), đã có động thái huy động máy móc, nhân công sửa chữa, khắc phục hư hỏng một số vị trí hư hỏng, xuống cấp.

Hơn 6 tháng sau, những tồn tại dù có thay đổi, song không có nhiều cải thiện.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, quốc lộ 1, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc TP Hà Tĩnh, dài 36,75km, được đầu tư bằng hình thức BOT, do Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 đầu tư.

Từ khi đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014 đến nay, đặc biệt giai đoạn 2020-2022, công tác duy tu, sửa chữa các hư hỏng, xuống cấp của nhà đầu tư chưa kịp thời và không đảm bảo.

Tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần gửi văn bản yêu cầu nhà đầu tư khai thác tuyến đường khẩn trương duy tu, sửa chữa hư hỏng, xuống cấp. Song, đơn vị quản lý, khai thác chưa khắc phục sửa chữa hoặc khắc phục sửa chữa nhưng chưa triệt để, sửa chữa còn manh mún.