(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi có cháy xảy ra, cầu thang bộ nhà dạng ống có nguy cơ trở thành ống khói, nạn nhân ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, một trong những nguyên nhân cháy gây chết nhiều người đó là các lối thoát nạn ở nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo về việc thoát nạn. Khi có cháy, cầu thang bộ trở thành ống khói, nạn nhân ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc.
Thời gian qua, tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn, để lại hậu quả gây chết nhiều người tài sản của nhân dân. Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân cháy, cũng như các cách phòng, chống khi xảy ra hỏa hoạn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an.
Xin Đại tá cho biết tình hình cháy, nổ trên cả nước trong 6 tháng đầu năm nay?
- Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người và khiến 43 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 88 tỷ đồng. Trong đó cháy nhà dân là 320 vụ, khiến 27 người chết. Số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh bị cháy là 82 vụ, làm chết 19 người.
Qua quá trình nghiên cứu và xác định nguyên nhân gây ra các vụ cháy, chúng tôi thấy rằng có 455/880 vụ cháy đã được làm rõ nguyên nhân. Ngoài ra, trong số 455 vụ cháy thì có đến 65% vụ việc liên quan đến sự cố hệ thống thiết bị điện, dẫn đến chập cháy.
Qua những số liệu thống kê kể trên, Đại tá có thể tóm tắt những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy gây chết người thương tâm?
- Từ việc phân tích các vụ cháy chúng tôi thấy rằng, hầu như những vụ cháy làm chết nhiều người đều xảy ra tại nhà riêng lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.
Các vụ cháy này thường xảy ra vào ban đêm, nên người dân phát hiện đám cháy bị chậm (bị động trong phát hiện cháy do đang trong trạng thái ngủ say). Dẫn đến, thời gian để đám cháy phát triển kéo dài, khi người dân phát hiện ra thì đám cháy đã bùng phát lớn.
Thêm vào đó, khi đám cháy đã phát triển lớn sẽ sinh ra nhiệt độ cao, lửa lan truyền lên nhiều tầng nhà kèm theo khói và khí độc tác động mạnh đến các nạn nhân, dẫn tới những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đó là nguyên nhân đầu tiên.
Nguyên nhân thứ hai phải nói tới đó là, trong các nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thường có rất nhiều hàng hóa, vật dụng… được sắp xếp ở nhiều nơi trong nhà. Thậm chí, đồ dùng, hàng hóa này còn bao trùm lên những khu vực có thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt...
Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan truyền vào các vật liệu, thiết bị dễ cháy. Từ đó đám cháy lan nhanh và phát triển thành đám cháy lớn.
Nhiều trường hợp hàng hóa sắp xếp tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn... dẫn đến khi xảy ra sự cố, người bị nạn rất khó khăn trong việc vượt qua khu vực nguy hiểm để tới nơi an toàn.
Nguyên nhân thứ ba đó là, các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của những ngôi nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo…. Khi có cháy xảy ra, cầu thang bộ trở thành một ống khói, nạn nhân khi ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc, rất khó khăn cho việc thoát nạn.
Chính vì vậy, nếu tại các tầng nhà không có lối thoát nạn, không có ban công hay lối ra khẩn cấp... và nếu người bị nạn không có kỹ năng thoát hiểm cơ bản thì sẽ rất khó có thể thoát khỏi đám cháy một cách an toàn.
Nguyên nhân thứ tư đó là kỹ năng thoát nạn của nhiều người dân còn rất hạn chế. Nếu như đám cháy mới phát sinh thì người dân có thể thoát được, nhưng khi đám cháy đã phát triển lớn, kỹ năng thoát hiểm của người dân không tốt, thì cơ hội để nạn nhân thoát ra khỏi đám cháy gần như không có.
Một điều quan trọng nữa đó là, trong các hộ gia đình đơn lẻ hay các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay, hầu hết chưa lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy. Chính vì chưa có các thiết bị báo cháy sớm, nên khi cháy xảy ra vào ban đêm thì gần như người dân không thể phát hiện ra, cho đến khi đám cháy đã bùng phát lớn.
Một điểm chung dễ nhận thấy trong những vụ hỏa hoạn, làm chết nhiều người gần đây đó là đều xảy ra tại các ngôi nhà dạng ống, dạng chuồng cọp. Vậy, theo Đại tá, trong thời gian tới, lực lượng chức năng có cần ban hành một quy chế về việc thiết kế hệ thống PCCC chuyên biệt và bắt buộc, đối với những dạng nhà ở như vậy hay không?
- Hiện nay theo quy định của pháp luật, đối với những nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng trở lên và những dạng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, mà tổng diện tích sàn phục vụ cho mục đích kinh doanh chiếm 30% trên tổng số diện tích sàn của công trình đó, thì thuộc diện phải chấp hành các quy định về PCCC, theo Quy chuẩn 06/2022.
Ngoài ra, những công trình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mà tổng diện tích phục vụ mục đích kinh doanh nhỏ hơn 30% tổng diện tích sàn, thì sẽ được khuyến cáo về việc trang bị phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn 3890/2023.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Công an đang dự thảo tiêu chuẩn đối với nhà ở riêng lẻ và sẽ ban hành trong thời gian tới. Khi đó, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng để hướng dẫn, áp dụng, thống nhất các quy định đối với những dạng nhà ở kể trên, trên phạm vi toàn quốc.
Từ đó, sẽ có điều kiện cụ thể trong việc thiết kế, lắp đặt thiết bị PCCC… đối với các ngôi nhà dạng ống, dạng chuồng cọp nêu trên. Qua đó sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát sinh cháy và có thể phát hiện ra sớm các vụ cháy, để xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu.
Cảnh sát PCCC có hướng dẫn như nào đối với người dân khi xảy ra cháy tại nhà dạng chuồng cọp, nhà dạng ống?
- Trong những năm qua, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo người dân về việc PCCC liên quan đến nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh.
Cụ thể, như việc hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ hai, việc hướng bố trí, sắp xếp thiết bị, vật dụng, hàng hóa trong nhà để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ phát sinh cháy và nếu phát sinh cháy thì hướng dẫn người dân cách xử lý.
Tiếp đó, lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà", để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho các hộ gia đình. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các hộ gia đình có cam kết về việc đảm bảo an toàn PCCC, trong các hộ gia đình của mình.
Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an các địa phương thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, để trong năm 2023 này, 100% các hộ gia đình đều có ít nhất một người được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC, để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra trong hộ gia đình mình.
Ngoài ra, tất cả các kiến thức, kỹ năng về PCCC trong hộ gia đình như việc sử dụng điện, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy xách tay, kỹ năng di chuyển thoát nạn trong PCCC như thế nào, thì đều được chúng tôi xây dựng thành những clip, những bài khuyến cáo… đăng tải rất cụ thể trên trang web của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. Mọi người dân đều có thể truy cập trang web của đơn vị để tìm hiểu và học tập các kỹ năng này.
Trong một số vụ cháy, có những trường hợp nạn nhân còn nhỏ hoặc người già thiếu kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Vậy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH có biện pháp tuyên truyền dành riêng cho những đối tượng này không?
- Thực hiện Thông tư 06/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh các cấp học trong các cơ sở giáo dục, và hiện nay, các địa phương đã và đang thực hiện Thông tư 06 này.
Ngoài ra, vào tháng 8, tháng 9/2023 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch tổ chức huấn luyện cho các giáo viên từ mầm non trở lên về các kỹ năng PCCC&CNCH, qua đó, các giáo viên sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn, PCCC cho các cháu học sinh từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, THPT...
Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, khi công việc này được tổ chức một cách đồng bộ thì sẽ đạt được hiệu quả tốt.
Còn đối với người cao tuổi, chúng tôi đã chỉ đạo công an các địa phương lồng ghép, tuyên truyền các kỹ năng PCCC thông qua các cuộc họp tổ dân phố, họp chi bộ… và đã có những đề nghị tới cấp ủy chính quyền địa phương, để tổ chức cho quần chúng tham gia phong trào xây dựng toàn dân tham gia công tác PCCC.
Đặc biệt, đó là xây dựng phong trào Tổ liên gia an toàn PCCC, xây dựng Điểm chữa cháy công cộng và phong trào nhà tôi có bình chữa cháy…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến tháng 12/2023, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một người được trang bị kiến thức về PCCC, đó là những chiến lược, việc làm cụ thể để có thể đảm bảo mục tiêu giảm thiểu nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Với tốc độ phát triển đô thị hiện nay và trong tương lai, Cảnh sát PCCC&CNCH cần bổ sung như thế nào về trang thiết bị và nguồn lực con người để đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới?
- Mục tiêu của lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cảnh sát PCCC đó là, đến năm 2030 chúng tôi sẽ phải đạt mục tiêu về "Chính quy, Tinh nhuệ và Hiện đại". Và để đạt được những mục tiêu đó, thì từ nay tới năm 2030, chúng tôi cần được bổ sung 4 nội dung sau:
Thứ nhất là, bố trí mạng lưới trụ sở các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH đảm bảo bao phủ được các địa bàn, khu vực, để làm sao rút ngắn được thời gian đến đám cháy. Tức là bán kính bảo vệ của các đơn vị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ được thu hẹp lại, để khi chúng tôi nhận được thông tin thì lực lượng, phương tiện chữa cháy sẽ tới hiện trường một cách nhanh nhất, để cứu được người sớm nhất.
Để đảm bảo được mục tiêu đó, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Quy hoạch hạ tầng về PCCC thời kỳ 2021 đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, và chúng tôi đang căn cứ vào quy hoạch đó để thực hiện việc xây dựng trụ sở, cũng như bổ sung lực lượng và phương tiện chữa cháy phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn.
Thứ hai là, căn cứ vào quy hoạch hạ tầng về PCCC mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành, thì giao thông phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được đảm bảo. Khi giao thông đảm bảo thì sẽ giúp cho việc đến đám cháy được nhanh nhất, việc triển khai các phương tiện khống chế đám cháy, cứu người bị nạn được thuận lợi nhất. Bởi thời gian chữa cháy, cứu người trong đám cháy là thời gian vàng, có thể chỉ được tính bằng giây.
Thứ ba là, nguồn nước để chữa cháy. Nguồn nước ở đây chính là các trụ nước chữa cháy tại các tòa nhà, khu công nghiệp và khu dân cư. Đặc biệt là các khu dân cư cũ, những đô thị cũ trước đây.
Những địa điểm này cần được bổ sung những trụ nước chữa cháy để đảm bảo rằng, khi lính cứu hỏa tới hiện trường, ở bất kỳ vị trí nào thì anh em đều có nguồn nước để chữa cháy, kết hợp sử dụng phương tiện lấy nước đó để dập tắt vụ đám cháy.
Ngoài ra, cần cải tạo nguồn nước tự nhiên như ao hồ, sông suối, đã có rồi nhưng chưa có bến, bãi để xe, máy bơm có thể lấy nước. Lực lượng chức năng cần có kế hoạch để cải tạo, tạo ra các bến bãi giúp xe chữa cháy tới hút nước, phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Thứ tư là, đồng bộ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy. Ở đây là việc tin báo cháy từ nhà ở, công trình, cơ sở... tới lực lượng chức năng một cách tiện lợi nhất và nhanh nhất, và bất kỳ từ cơ sở nào cũng có thể kết nối được với trung tâm PCCC ở các tỉnh, huyện và trung ương.
Ngoài ra, cần hiện đại hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trên toàn quốc một cách thống nhất. Việc này giúp lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chủ động phát hiện điểm, địa chỉ đang xảy ra cháy, để có thể điều động lực lượng đến đám cháy nhanh và đúng nhất…
Qua đây, Đại tá có khuyến cáo gì đối với người dân?
- Qua những vụ cháy gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Cục cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân một số nội dung như sau:
Thứ nhất, người dân cần chấp hành các quy định đầy đủ về an toàn PCCC trong cơ sở, trong mỗi hộ gia đình và đặc biệt là phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, cũng như chủ hộ gia đình, bởi vì người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình có liên quan trực tiếp người lao động của mình, liên quan tới tài sản của mình mà nếu cháy xảy ra thì sẽ gây thiệt hại về người và tài sản.
Thứ hai là, chủ hộ gia đình cũng cần nắm được trách nhiệm của mình, trong việc bảo vệ tính mạng của các thành viên trong gia đình và tài sản trong gia đình, việc này rất là quan trọng.
Theo đó, trong mỗi hộ gia đình, cần sắp xếp vật dụng hàng hóa sao cho thật gọn, đặc biệt những nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cần sắp xếp hàng hóa sao cho gọn gàng, không để lấn chiếm, cản trở lối thoát nạn.
Ngoài ra, việc sắp xếp các loại xe máy, xe điện trong các hộ gia đình cũng cần phải tính toán, để khi xảy ra cháy nổ, người dân phải có lối thoát nạn thông thoáng, di chuyển ra nơi an toàn. Bởi trong thời gian gần đây, các vụ sự cố cháy nổ liên quan tới xe đạp điện sạc ban đêm, xe máy điện… đã xảy ra nhiều và gây chết nhiều người.
Thứ ba, trong mỗi hộ gia đình, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất kinh doanh cần có các phương án thoát nạn. Ví dụ khi xảy ra cháy tại tầng 1 thì cần thoát nạn theo hướng nào, khi cháy tầng hai thì thoát nạn ra sao?… Đồng thời, phương án thoát nạn cũng cần được phổ biến tới từng thành viên trong gia đình, để mọi người biết và chủ động thực hiện khi sự cố cháy xảy ra.
Thứ tư, người dân cần thường xuyên kiểm soát hệ thống điện trong gia đình mình, tránh trường hợp sử dụng nhiều thiết bị điện cùng cắm vào một ổ, vì điều đó dễ dẫn đến gây chập cháy và cháy lan.
Đặc biệt trong mùa nắng nóng hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của người dân rất cao, dễ dẫn tới việc quá tải hệ thống điện, gây cháy ra toàn bộ căn hộ nếu như không kiểm soát tốt khâu đảm bảo an toàn.
Thứ năm, mỗi hộ gia đình cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn trong hộ gia đình mình. Khi có kỹ năng thì chúng ta có thể tự thoát nạn khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ chủ động hơn trong việc cứu các thành viên trong gia đình mình.
Một điểm nữa là, trong mỗi gia đình cần xem xét lắp đặt các thiết bị báo cháy. Hiện nay đã có thiết bị báo cháy cục bộ, dễ lắp đặt, có thể lắp được ở các loại phòng, nó có thể cảnh báo cháy bằng chuông, tín hiệu đèn, tin nhắn kết nối đến điện thoại thông minh…
Từ đó người dân biết được đang có sự cố xảy ra trong nhà và chủ động được phương án xử lý, tránh việc xảy ra cháy rất lâu thì mới phát hiện ra thì sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Trong chữa cháy, Cảnh sát PCCC&CNCH phải đối mặt với những mối nguy hiểm như thế nào, thưa Đại tá?
- Trong quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thứ nhất là nhiệt từ đám cháy, cái thứ hai là khói và khí độc, một nguy hiểm tiềm tàng nữa là nguy cơ sập đổ cấu kiện công trình.
Tất cả các yếu tố đó đều đã được chúng tôi tính toán và đã có những biện pháp để phòng tránh. Ví dụ như tác động của nhiệt thì chúng tôi có những bộ quần áo chuyên dụng để tiếp cận đám cháy, để tránh khói và khí độc thì chúng tôi có các thiết bị thở cách ly.
Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn đòi hỏi sự khẩn cấp, do vậy đôi khi chúng tôi cũng không thể lường hết được những yếu tố nguy hiểm tác động đến anh em cán bộ chiến sỹ. Đơn cử như sập đổ, nổ trong công trình.
Ngoài ra, tại các cơ sở sử dụng hóa chất mà xảy ra cháy nổ, nếu chủ các cơ sở không khai báo trong quá trình sản xuất kinh doanh, mà chúng tôi không nắm bắt được thì khi tham gia chữa cháy, anh em cán bộ chưa có thiết bị bảo vệ thì sẽ bị các chất độc đó xâm hại vào cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đối với lực lượng cảnh sát PCCC thì phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy hại về sức khỏe, tuy nhiên, để giảm thiểu những yếu tố đó thì chúng tôi đã có những thiết bị để bảo vệ chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trang bị tốt hơn nữa các trang thiết bị bảo hộ, để giảm thiểu tối đa những nguy hại có thể tác động tới sức khỏe của lực lượng cứu hỏa.