Nhà cổ Hội An, nghe “tiếng” bão là run

(Dân trí) - Hàng chục ngôi nhà cổ trên các dãy phố nằm gần bờ sông Hoài, hạ nguồn sông Thu Bồn, đang đứng trước nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. Sau mấy đợt bão lũ liên tiếp vừa qua, những “giá trị cổ” này mang nhiều thương tích, xuống cấp trầm trọng.

Hễ nghe mưa bão là run

 

Nhà thờ tộc La, nằm ở 16 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An (Quảng Nam), ngay sát bờ sông Hoài, hễ mưa gió dài ngày là ngập. Mùa lũ lụt thì không dưới 5-7 lần ngâm trong nước. Toàn bộ ngôi nhà có tổng diện tích trên 600m2, xếp hạng di tích loại 1, nhưng cả hai tầng giờ đều đã xuống cấp trầm trọng. Phía nhà trước, hệ xà, cột, mái ngói đều đã dột nát, hễ trời mưa là “nước tứ bề”.

 

Ông La Vĩnh Diện, chủ nhân nhà thờ tộc La, cho biết “Nội trong tuần rồi, nhà đã hai lần ngâm trong nước lũ mà lũ đợt sau cao hơn đợt trước. Di chuyển đồ đạc khó khăn đã đành, nhìn ngôi nhà bị ngâm trong nước lũ mà xót ruột. Mấy cái cột và cửa gỗ đã bị mối mọt  ăn hết, giờ thêm ngâm nước, chẳng chóng thì chày cột không chống nổi nhà nữa”.

 

Riêng tuyến đường Nguyễn Thái Học đã có 6 ngôi nhà cổ được xếp trong danh mục báo động đỏ. Tuyến đường Trần Phú nằm song song với đường Nguyễn Thái Học cũng có đến 11 di tích nhà cổ nằm trong danh sách cần tu bổ khẩn cấp.

 

Số 84 Trần Phú, nhà thờ tộc Lý được xem là “địa chỉ đỏ”. Mỗi khi mưa bão, các lực lượng xung kích đều phải đến phụ chủ nhà chèn chống lại. Ngôi nhà đã có trên 300 năm tuổi, chưa từng được trùng tu, trụ cột đã ngả nghiêng, xiêu vẹo, mái trước mái sau đều đã dột nát.

 

“Lụt là chuyện thường rồi”, bà Lý Hoa, chủ ngôi nhà nhớ lại đợt bão số 6 năm ngoái, cả nhà một phen “đứng tim” lo nhà sụp, mưa gió sơ sơ đã dột nát rồi huống chi gió to như vậy. Nhà phải che bạt kín bốn phía, rồi đi sơ tán, cầu trời cho ngôi nhà trụ được sau bão. “Hễ nghe mưa bão, lũ lụt là run”, bà Hoa thở dài.

 

Các nhà số 84, 11/10, 126/2, số 7 Trần Phú đều được xếp loại di tích đặc biệt kèm theo lưu ý đặc biệt “xuống cấp trầm trọng” trong danh sách nhà cổ cần trùng tu của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích thị xã Hội An.

 

Nan giải bài toán kinh phí

 

Tuy các chủ nhà cổ đều lo lắng cho sự an nguy của ngôi nhà mình đang sở hữu nhưng nhiều nhà trong số đó, dù được tỉnh và thị xã hỗ trợ một phần kinh phí trùng tu, không thể cáng đáng nổi phần kinh phí quá lớn còn lại.

 

Từ năm 2004, thị xã đã có danh sách 82 di tích, nhà cổ bị xuống cấp; trong đó có hơn 20 nhà cổ đã xuống cấp trầm trọng, cần phải trùng tu gấp. Mỗi nhà cổ được hỗ trợ kinh phí từ 40 - 75% tuỳ từng mức độ xếp loại, tổng kinh phí đầu tư của cả tỉnh và thị xã là gần 48 tỷ đồng.

 

Hiện nay, chỉ có 30 di tích thuộc sở hữu Nhà nước đã được tu bổ; 15 di tích thuộc sở hữu tập thể và tư nhân cũng đã và đang được tiến hành trùng tu. Còn hơn 30 di tích vẫn chưa động tĩnh vì nhiều nguyên do, nhưng chủ yếu vẫn là vì các hộ dân không có tiền sửa nhà. Hầu hết những nhà cổ xuống cấp đều không thể kinh doanh buôn bán nên kinh tế gia chủ càng khó khăn.

 

Như nhà số 16 Nguyễn Thái Học của ông La Vĩnh Diện dù nằm ngay gần chợ nhưng luôn phải đóng cửa. Ngôi nhà được hỗ trợ 55% kinh phí trùng tu, nhưng 45% kinh phí còn lại cũng ngót nghét 300-400 triệu đồng; “phải chờ hội ý, huy động kinh phí, mà chắc đường cùng phải đi vay chớ không thể cứ để vậy, tới đâu hay tới đó được nữa”, ông Diện than thở.

 

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích thị xã Hội An cho biết: Gần 48 tỷ đồng cho công tác trùng tu di tích cổ là con số không nhỏ nhưng dự toán kinh phí được lập từ năm 2004 đến nay đã lỗi thời vì giá cả nguyên vật liệu xây dựng đã tăng mấy bậc. Đặc biệt, việc trùng tu nhà cổ cần đến loại gỗ quý, giá cả “trên trời”.  Điều này cũng làm cho tiến độ trùng tu nhà cổ phải chậm lại, chờ bổ sung kinh phí.

 

Tuy nhiên nỗ lực của chính quyền thị xã là phải bằng mọi giá giữ cho không có thêm bất cứ một nhà cổ nào bị sụp. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn ưu đãi không lãi suất để có thêm điều kiện trùng tu, gia cố nhà cửa, cùng giữ gìn phố cổ Hội An – một đô thị di sản thế giới.

 

Nhà cổ ở Huế bị bão lũ tàn phá

 

Huế hiện nay vẫn có nhiều “làng trong phố” với những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo, tinh xảo, mang vẻ riêng của chốn kinh thành. Do ảnh hưởng của trận lụt vừa qua, nhiều ngôi nhà, đình cổ ở Huế bị tàn phá nặng nề.

 

Bác Nguyễn Quân, chủ nhân một ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng rầu rĩ: “Còn chi mô chú ơi! Trận lụt vừa rồi nước sông Đông Ba dâng cao “ngâm” mấy ngày”. Mái nhà một nửa lợp bằng ngói âm dương, một nửa mái tôn, đã bị tốc gần hết; nền nhà bị nước ngâm mủn; những cột nhà lỏng chân không còn khả năng chống đỡ; những tấm ván mục ruỗng trôi theo dòng nước lũ.

 

Nhà cổ Hội An, nghe “tiếng” bão là run - 1

Một gian nhà cổ ở Huế bị bão lũ phá tan tành.

(Ảnh: N.Khánh - L.Hà)

 

Nhiều ngôi nhà xiêu vẹo, phần mái cong xuống như muốn sập. Đã thế chúng lại bị “kẹp” giữa những nhà cao tầng trông càng thê thảm. Nhiều hộ dân cho biết họ đang có ý định giỡ bỏ nhà cổ để xây nhà mới chứ không thể tiếp tục sống trong cảnh dột nát mãi được.

 

Không chỉ nhà cổ, những ngôi đình hàng trăm năm tuổi cũng đang rệu rã lụi tàn sau lụt. Đình làng Dương Phẩm (phường Phú Nhuận, TP Huế) với lối kiến trúc độc đáo, họa tiết trang trí tinh xảo, chạm khắc công phu… cũng đang xuống cấp nghiêm trọng sau mấy trận lũ. Gần một nửa mái trước của ngôi đình bị sụp đổ hoàn toàn; những kèo, cột, ngói vụn chất đầy trong chính điện.

 

Cụ Hồ Hoàng Kiếm (88 tuổi), người trông coi ngôi đình, ngậm ngùi: “Trận lụt vừa rồi nước ngập sâu hơn nửa mét, khối vôi xung quanh tường, cột bị vỡ ra gần sập hết. Giờ không biết làm thế nào, chỉ mong thành phố quan tâm tu sửa thôi”.

(Nguyễn Khánh - Lê Hà)

 

Khánh Hiền