1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nguyên nhân cơ bản gây ra bất bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Khoảng cách địa lý giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với đô thị còn xa; điều kiện kinh tế - xã hội, sự chênh lệch về trình độ phát triển, là nguyên nhân gây bất bình đẳng giới ở dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, các nhóm dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) không những bị tách biệt về không gian địa lý, mà còn bị tách biệt về không gian xã hội.

Chính sự tách biệt này đã và đang ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với những thay đổi không lường trước trong môi trường sống của họ. Bất bình đẳng giới được biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống.

Nguyên nhân cơ bản gây ra bất bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số - 1

Một buổi sinh hoạt văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tiên Yên - Quảng Ninh (Ảnh: V.H.).

Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ninh không phải là vấn đề nóng, phức tạp. Bởi nhận thức trong Nhân dân vùng DTTSMN đã được thay đổi, cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua. Mặc dù vậy, trong vùng vẫn còn một số hộ gia đình do trình độ nhận thức, cố hữu, do định kiến giới vẫn còn nặng nề. 

Về nguyên nhân chủ quan gây ra bất bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư tưởng phong kiến và nho giáo. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ khiến cho khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực.

Đối với vùng đồng bào DTTS&MN, bao đời nay những quan niệm lạc hậu này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cả cộng đồng. Bản thân nữ giới người DTTS cũng chưa đủ tự tin để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, trong gia đình.

Đối với nguyên nhân khách quan, khoảng cách địa lý giữa vùng DTTS&MN với vùng đô thị còn xa; điều kiện kinh tế - xã hội và sự chênh lệch về trình độ phát triển.

Bên cạnh đó, sự tồn tại của những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời trong đời sống đồng bào các dân tộc cũng làm cho phụ nữ trở thành nhóm xã hội yếu thế, mặc dù thực tế, họ cũng là một trong những lực lượng xã hội quan trọng, có ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của vùng DTTS&MN.