Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nhiều hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ninh có nhiều bước chuyển đáng kể.

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021- 2025, Quảng Ninh có 56 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phân bố ở 11/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ thị xã Quảng Yên và huyện Cô Tô).

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới ở các xã trên có nhiều bước chuyển đáng kể.

Nhiều hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh - 1

Phụ nữ dân tộc Dao tham gia thi gói bánh và thi thêu trang phục dân tộc tại Lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Dao xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) (Ảnh: Xuân Hòa).

Trước kia, khi đến một số xã đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, nhiều người hẳn ngạc nhiên bởi hầu hết công việc đồng áng, chăm sóc nhà cửa, con cái đều dồn vào tay phụ nữ.

Nam giới rất ít tham gia phát triển kinh tế gia đình, thời gian rỗi rãi trong năm họ thường gắn với chén rượu. Tư tưởng trọng nam cũng khiến phụ nữ vùng DTTS ít có điều kiện học lên cao hơn... Bởi vậy mà ở vùng DTTS, tỷ lệ nữ tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, hiện nay, tư tưởng này đã có những thay đổi. Để làm được điều đó, các cấp, các ngành, đoàn thể đã vào cuộc tích cực để tạo chuyển biến trong từng hộ gia đình vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bình đẳng giới vùng DTTS; thực hiện lồng ghép giới vào quá trình hoạch định chính sách trong văn bản pháp luật của tỉnh; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, trong đó có cán bộ nữ vùng DTTS...

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tích cực công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chính đội ngũ cán bộ và người dân vùng DTTS về bình đẳng giới.

Nhiều hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh - 2

Học sinh nữ vùng dân tộc thiểu số ngày càng được gia đình tạo điều kiện học cao hơn. Trong ảnh: Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu) trong giờ tự học (Ảnh: Yến Vy).

Trong những năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho gần 2.600 đại biểu là lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch, công tác dân tộc, hòa giải viên cơ sở, cán bộ, thôn, bản... về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính trước sinh...

Các ngành, đoàn thể còn phối hợp với các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tổ chức 6 diễn đàn "Học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống"; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới vùng DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương tích cực hoạt động trợ giúp pháp lý đối với phụ nữ là nạn nhân của việc phân biệt đối xử và bạo lực gia đình; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về tận thôn, bản.

Chỉ riêng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh từ năm 2018 đến nay đã tổ chức hàng nghìn cuộc trợ giúp pháp lý cho hàng nghìn người với các lĩnh vực chủ yếu là pháp luật dân sự, luật trẻ em, hôn nhân và gia đình... Thông qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao ý thức bình đẳng giới vùng DTTS.

Cùng với đó, các ngành, đoàn thể, lực lượng thường xuyên phối hợp thực hiện công tác xóa mù chữ và chống tái mù; thực hiện chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ ở vùng DTTS và miền núi; xây dựng chính sách đối với người học và chính sách đối với giáo viên đảm bảo nam, nữ đều được hưởng các quyền ngang nhau, không phân biệt giới.

Nhiều địa phương đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, như: Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. Nội dung sinh hoạt của các mô hình này tập trung phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa tình trạng bạo lực, kết hôn trước độ tuổi pháp luật quy định, tư vấn phát triển kinh tế...

Thông qua đó, nhận thức của các thành viên trong câu lạc bộ thay đổi. Nam giới có sự chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt hơn vai trò của người chồng, người cha trong gia đình; nữ giới được cải thiện nhiều mặt, được nâng cao vai trò; việc hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn... 

Cùng với đó, ý thức của nam giới trong nhiều gia đình vùng DTTS đã có chuyển biến, họ có trách nhiệm hơn với gia đình, như: Đầu tư thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh; đi bóc keo, bóc quế thuê; đi lao động tại khu công nghiệp... để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng DTTS ngày càng giảm mạnh. 

Nhiều hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh - 3

Mô hình nuôi gà đồi, trồng các loại cây lấy hạt có giá trị kinh tế cao của gia đình chị Hoàng Thị Xuân (thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) (Ảnh: Khánh Hằng).

Sau 16 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong hành động, nhận thức về bình đẳng giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực.

Trong giai đoạn tới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, khó khăn còn tồn tại, đúc rút từ những kinh nghiệm thực tiễn, từ đó xây dựng giải pháp phù hợp, kịp thời có những đề xuất, kiến nghị đến các bộ, ngành để việc triển khai được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.