Người vi phạm giao thông có thể nộp phạt ở… bưu điện
(Dân trí) - Thay vì đến cơ quan xử phạt nhận quyết định xử phạt, ra kho bạc nộp phạt rồi quay lại cơ quan xử phạt lấy giấy tờ tạm giữ, người vi phạm giao thông chỉ cần đến bưu điện gần nhất nộp phạt và nhận lại giấy tờ tại nhà.
Ngày 15/6, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm giao thông qua hệ thống bưu điện trên cả nước.
Theo đó, đây là dịch vụ mà người sử dụng có thể nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục có cung cấp dịch vụ của bưu điện trên cả nước và nhận lại giấy tờ tạm giữ tại nhà. Khách hàng có nhu cầu sẽ đăng ký sử dụng dịch trực tiếp với cơ quan công an hoặc bưu điện.
Việc đăng ký với cơ quan công an sẽ thực hiện qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ Biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện. Nếu đăng ký với bưu điện thì người vi phạm giao thông có thể đến bưu cục gần nhất có cung cấp dịch vụ để đăng ký và nộp tiền (bao gồm và tiền phạt và phí dịch vụ).
Quy trình dịch vụ nộp tiền phạt và nhận giấy tờ tạm giữ qua bưu điện được thực hiện như sau: Người vi phạm giao thông đăng ký (tự nguyện) dịch vụ với cơ quan xử phạt hoặc bưu điện; Đến bưu cục cung cấp thông tin, nộp tiền phạt và phí dịch vụ; Bưu điện tiếp nhận và thực hiện các thủ tục cần thiết trước khi chuyển giấy tờ tạm giữ cho khách hàng; Khách hàng nhận giấy tờ tạm giữ tại nhà và ký xác nhận.
Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả các giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện xa và tỉnh, thành khác sẽ từ 3-5 ngày.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục C67 - việc nộp tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện sẽ mang lại lợi ích rất to lớn, đặc biết đối với những người vi phạm giao thông tại địa bàn cách xa nơi đang sinh sống. Người vi phạm sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức do chỉ cần đến bưu điện gần nhất để sử dụng dịch vụ và nhận giấy tờ tạm giữ tại nhà, không phải thực hiện nhiều công việc như trước đây là đến cơ quan xử phạt nhận quyết định xử phạt, đến kho bạc nhà nước nộp tiền và quan lại cơ quan xử phạt nhận lại giấy tờ tạm giữ.
Tiến Nguyên