Bài 3:

"Người tử tế" trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén: Điểm tựa luôn là gia đình

(Dân trí) - “Tôi may mắn có vợ tôi, các con tôi, cha mẹ tôi và cả em ruột tôi nữa, gia đình tôi luôn chia sẻ, đồng hành cùng tôi. Quyền lực tôi có thể mất nhưng tình cảm tôi có rất nhiều… Không nói đến vụ án vườn điều, không nói đến Huỳnh Văn Nén nhưng hơn 15 năm qua, gia đình luôn đồng tình với tôi” – Ông Thận chia sẻ.

ongthan2-1454812170167

Căn nhà của ông Nguyễn Thận như một "căn cứ" trong hành trình giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén

Hành trình kêu oan cho cậu học trò cũ Huỳnh Văn Nén và 9 người trong “vụ án vườn điều” kèo dài hơn 17 năm. 17 năm ấy ông Nguyễn Thận đã trải qua bao thăng trầm, có lúc kinh tế kiệt quệ, có khi sức khỏe suy giảm, thậm chí có thời điểm nguy hiểm đến tính mạng... nhưng "thầy giáo già" vẫn cặm cụi đi minh oan cho Huỳnh Văn Nén, thậm chí trong lúc nguy kịch nhất, ông cũng luôn canh cánh, nghĩ về việc giải oan cho học trò của mình.

“Trong cơn nhồi máu cơ tim, tưởng rằng không qua khỏi, nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua và thực hiện hành trình tìm công lý và may mắn chuyến đi đó, tiếng nói đó đã mang lại hiệu quả. Tất cả những việc tôi làm đơn giản tôi là một Đảng viên, một giáo viên, một người thầy. Tôi chỉ muốn nói lên sự thật đau buồn, một công dân bình thường mà phải chịu 2 bản án oan. Thử nhìn lại những nạn nhân trong vụ án vườn điều, dù được minh oan nhưng đến nay họ vẫn phải mang những hệ lụy vô cùng khủng khiếp” – Ông Thận chia sẻ.

Rất nhiều nhà báo trở nên thân quen với gia đình ông Thận đã cho rằng gia đình ông Thận ngày xưa như một “căn cứ”, đi đâu, làm gì cũng phải gọi “anh Thận ơi có gì hay không?”. Trong những lần tác nghiệp tại xã Tân Minh, rất nhiều người đã ăn ở tại nhà ông Thận... Mọi người đều không thể quên hình ảnh một người phụ nữ hiền lành, đón tiếp khách nồng hậu, cơm nước vui vẻ.

Gần 20 năm đi tìm công lý, giải oan cho học trò cũ, ông Nguyễn Thận đã được vợ, con và gia đình ủng hộ, chia sẻ những lúc khó khăn nhất người
Gần 20 năm đi tìm công lý, giải oan cho học trò cũ, ông Nguyễn Thận đã được vợ, con và gia đình ủng hộ, chia sẻ những lúc khó khăn nhất người

Có thể nói, với những ai từng tham gia vụ án oan “người tù thế kỷ” đều cảm nhận được về một người phụ nữ đã chấp nhật hy sinh nhiều thứ, và thậm chí còn ủng hộ chồng đi làm cái việc mà người đời vẫn coi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, để chồng ròng rã gần 20 năm bỏ công ra để "kêu oan" cho người khác... thì đó phải là một người phụ nữ rất "vĩ đại" (!).

Chia sẻ về người vợ của mình, ông Nguyễn Thận cho rằng: “Tôi may mắn có người vợ là vợ tôi hiện nay, thật ra vợ tôi ngày xưa là cũng là học trò của tôi, học chung với Nén. Hồi đó gia đình gọi tôi bằng Thầy, khi yêu vợ tôi, lúc tôi đến nhà chơi, tìm hiểu thì phải đối mặt với một việc "cực khó" để chuyển đổi cách xưng hô từ thầy qua anh. Trong cuộc sống, vợ tôi là một phụ nữ tần tảo, chung gánh nặng, nỗi băn khoăn lo lắng của chồng. Tôi may mắn có được vợ tôi, các con tôi, cha mẹ tôi, và ngay cả em ruột tôi... tất cả họ đều luôn chia sẻ, đồng hành cùng tôi.

Quyền lực tôi có thể mất nhưng tình cảm tôi có rất nhiều. Họ không nói đến vụ án vườn điều, họ không nói đến Huỳnh Văn Nén nhưng hơn 15 năm qua, họ luôn đồng tình với tôi. Dù đúng, dù sai về sau này mới phán quyết được. Tôi làm quản lý hành chính, quản lý nhà nước nên tôi hiểu được chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể trả giá rất lớn cho bản thân và cả gia đình. Tôi may mắn có một điểm tựa gia đình để hoàn thành nhiệm vụ, mà một trong những nhiệm vụ mà tôi cho là quan trọng nhất của mình đó là minh oan cho Huỳnh Văn Nén”.

Nhiều năm theo đuổi "án oan Huỳnh Văn Nén" nên ông Thận không có nhiều thời gian ở bên gia đình, chăm sóc các con. Trong tiềm thức của Nguyễn Hữu Ý (con trai ông Thận) thì ông là một người cha mẫu mực. “Ba con đi kêu oan cho chú Nén từ khi con học lớp 6, lớp 7. Khi đó con cũng chưa biết ngọn nguồn sự việc ra sao, mãi sau này nghe ba mẹ, rồi các nhà báo kể con mới biết nhiều hơn. Trong suốt những năm đó, ba gặp rất nhiều khó khăn, vừa lo cho gia đình vừa lo cho chú Nén. Cũng có những lúc ba bị bệnh lên bệnh xuống, thậm chí nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Rồi cả thời điểm kinh tế gia đình kiệt quệ.... Nhưng, phải làm sáng tỏ vụ án, tìm công bằng cho chú Nén luôn là tâm nguyện, là ước nguyện của ba. Hôm nay, vụ án oan của chú Nén đã được làm rõ. Con chúc mừng ba, con hãnh diện về ba” – Ý tâm sự.

Thời điểm ông Nén được công nhận quyền công dân, người thầy Nguyễn Thận vẫn luôn đồng hành sát bên cạnh
Thời điểm ông Nén được công nhận quyền công dân, người thầy Nguyễn Thận vẫn luôn đồng hành sát bên cạnh

Luật sư Phạm Công Út (người đồng hành cùng ông Thận trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén) nhìn nhận: “Có hàng trăm vụ kêu oan nhưng sở dĩ tôi nhận tham gia cả khi chưa nghiên cứu hồ sơ vụ này là vì hai người đàn ông là cụ Huỳnh Văn Truyện và ông Nguyễn Thận. Tôi nhìn thấy một cụ Truyện ở tuổi 90, 15 năm ròng rã đi kêu oan cho con với mái đầu bạc trắng là hình ảnh hết sức xúc động. Từ đó tôi có niềm tin, niềm tin vào sự tử tế của người cha đối với người con. Người thứ hai là ông Thận, người mà chúng tôi vẫn gọi ông là luật sư không thẻ, nhưng cách điều tra, thu thập chứng cứ, hùng biện… đều rất bài bản. Chính những việc anh Thận làm đã đánh gục sự nghi ngờ trong tôi”.

Khi vụ án oan Huỳnh Văn Nén “hạn màn”, ông Thận đã chia sẻ rất nhiều về hành trình hơn 17 năm kêu oan cho học trò. Nhưng điều ông Thận nhắc đến như một chân lý là chuyện “những người tử tế” trong vụ án “người tù thế kỷ”. “Sự tử tế đã ăn sâu vào trong máu để chúng ta làm những chuyện tử tế. Tôi không muốn kể nhiều về quá trình kêu oan, về sự đau khổ mà bây giờ chúng ta nên nói về những điều tử tế. Tôi thấy hạnh phúc khi bày tỏ điều này’” – Ông Nguyễn Thận chia sẻ.

Trung Kiên

"Người tử tế" trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén: Điểm tựa luôn là gia đình - 4