Nghệ An:

Người trực tiếp xả lũ ở hồ Vực Mấu: “Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình!”.

(Dân trí) - Ông Nguyễn Cảnh Hy - PGĐ Công ty Thủy lợi Bắc Quỳnh Lưu, người trực tiếp chỉ đạo việc xả lũ ở hồ Vực Mấu làm hàng ngàn hộ dân chìm trong biển nước khẳng định: Đã vận hành đúng quy trình, việc xả vào thời điểm đó là điều bắt buộc.

Ông là người trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường trong quá trình xả lũ tại hồ Vực Mấu ông có thể cho biết quy trình vận hành tại hồ trong thời điểm từ 19 giờ ngày 30/09 là như thế nào? Việc xả lũ trong đêm như vậy liệu có đúng quy trình vận hành và đảm bảo an toàn cho nhân dân ở vùng hạ lưu?
 
Ông Nguyễn Cảnh Hy: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 10, tại địa bàn khu vực Nghệ An nói chung và vùng thượng nguồn hồ Vực Mấu nói riêng có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính đến 2 giờ chiều ngày 1/10 tại các trạm đo của hồ Vực Mấu đạt 555mm. Vì thế lượng nước đổ từ thượng nguồn về hồ là cực lớn.
 
Người trực tiếp xả lũ ở hồ Vực Mấu: “Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình!”.
Việc xã lũ cả 5 cửa tràn tại hồ Vực Mấu đã làm 20.000 hộ dân tại TX. Hoàng Mai bị ngập sâu trong biển nước.

Đặc biệt, khoảng 19 giờ ngày 30/9, mực nước tại hồ đạt 20,54m, trong khi đó theo quy trình vận hành hồ được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nếu mức nước đạt 20,58m bắt đầu tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn. Vì thế tôi đã gọi điện trực tiếp cho các đồng chí Hồ Ngọc Mai - Giám đốc xí nghiệp và đồng chí Lê Văn Cường - Phó giám đốc để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó chúng tôi được phép mở cửa xả đầu tiên.

Trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, mực nước trong hồ tiếp tục dâng cao. Chúng tôi đã báo cáo các tình hình về cấp trên xin ý kiến và được chỉ đạo là phải vận hành theo đúng quy trình. Đến 0 giờ ngày 1/10 khi nước tiếp tục dâng tôi chỉ đạo anh em tiếp tục mở cửa xả lũ thứ 2 và đến 4 giờ sáng ngày 1/10 hồ đã mở tất cả 5 cửa xả lũ.

Việc xả lũ trong đêm là rất nguy hiểm, tuy nhiên trước đó vào sáng ngày 30/09 chúng tôi đã có thông báo bằng văn bản đến tất cả các địa phương thuộc vùng hạ lưu hồ Vực Mấu để sớm có phương án di dời nhân dân đảm bảo an toàn. Đến 4 giờ sáng chúng tôi mới giám mở cả 5 của xả lũ khi mực nước trong hồ lúc đó là rất lớn.
Người trực tiếp xả lũ ở hồ Vực Mấu: “Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình!”.
Ông Nguyễn Cảnh Hy - PGD xí nghiệp thủy lợi bắc Quỳnh Lưu, người trực tiếp chỉ đạo quá trình xả lũ tại hồ Vực Mấu: “Chúng tôi đã vận hành đúng quy trình, việc xả lũ vào thời điểm đó là bắt buộc!”

Ông có thể cho biết trữ lượng nước trong hồ tại thời điểm cao trình là bao nhiêu m3 và lưu lượng nước khi tiến hành mở cả 5 cửa xả lũ qua hồ là bao nhiêu m3/s?

Ở mực nước an toàn dung lượng trữ nước trong hồ Vực Mấu theo thiết kế là 75 triệu m3. Tuy nhiên, tại thời điểm cao trình nhất khi mức nước trong hồ đạt 22.62m thì lượng nước trong hồ ước tính khoảng hơn 120 triệu m3. Khi mở cả 5 cửa xả lũ lưu lượng nước qua hồ khoảng 1500m3/s.
Người trực tiếp xả lũ ở hồ Vực Mấu: “Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình!”.
Văn bản xí nghiệp thủy lợi bắc Quỳnh Lưu gửi đến các xã, thị xã Hoàng Mai và vùng phụ cận về quá trình tiến hành xả lũ.

Như ông đã nói, trước lúc tiến hành xả lũ, phía đơn vị vận hành là xí nghiệp thủy lợi bắc Quỳnh Lưu đã có thông báo cho tất cả người dân vùng hạ lưu được biết. Vậy mình đã triển khai công văn này như thế nào?

Trước khi tiến hành xả lũ 7 giờ sáng ngày 30/09 xí nghiệp thủy lợi bắc Quỳnh Lưu đã thông báo bằng điện thoại và gửi công văn số trực tiếp đến UBND các xã, thị xã Hoàng Mai và vùng phụ cận về việc tiến hành xả lũ của ở hồ Vực Mấu để nhân dân có phương án di dời, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng tài sản. Việc tiến hành thông báo trực tiếp đến từng người dân được giao cho UBND các xã, thị xã Hoàng Mai và vùng phụ cận.
Người trực tiếp xả lũ ở hồ Vực Mấu: “Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình!”.
Hồ Vực Mấu đã được xí nghiệp TL Bắc Quỳnh Lưu, thuộc CT TNHH Một thành viên Bắc Nghệ An, mở 5 cửa tràn để xã lũ khiến hơn 20.000 hộ dân bị ngập lụt.

Khi tiến hành xả lũ ở cả 5 cửa với lưu lượng nước lớn như vậy thì đơn vị mình có lường trước được hậu quả là đã khiến ngàn hộ dân bị ngập lụt với diện rộng gây hậu quả vô cùng nặng nề. Và nếu không tiến hành xả lũ thì diễn biến sẽ như thế nào?

Trước khi tiến hành xả lũ chúng tôi cũng đã xác định những vùng trũng của hạ lưu sẽ ngập nặng, tuy nhiên việc ngập với diện rộng và mức nước cao như vậy chúng tôi cũng không thể lường trước nổi. Bị ngập sâu và diện rộng như thế có thể là do thủy triều lên cao khiến lượng nước từ hồ không thể thoát ra được nên gây ngập sâu và rộng tại các vùng hạ lưu.

Tại thời điểm bắt đầu tiến hành xả lũ đến lúc mở cả 5 cửa xả vào 4 giờ sáng ngày 1/10 lượng nước đổ về hồ là rất lớn. Trong khi đó mưa vẫn tiếp diễn với lượng rất cao nên nếu không tiến hành xả lũ ở cả 5 cửa sẽ gây mất an toàn cho hồ. Nếu tình trạng xấu nhất có thể xảy ra là hồ Vực Mấu sẽ vỡ, khi đó cả trăm triệu m3 khối nước ùa về thì thiệt hại sẽ vô cùng khủng khiếp. Vì vậy việc xả lũ ở cả 5 cửa tràn là bắt buộc trong thời điểm đó.
Người trực tiếp xả lũ ở hồ Vực Mấu: “Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình!”.
Theo ước tính ban đầu của cơ quan chức năng, sở, ban ngành, thiệt hại do trận lũ này gây ra tại TX Hoàng Mai là hơn 800 tỷ đồng.
 
Qua sự cố lần này, là đơn vị trược tiếp quản lý hồ mình đã rút ra những bài học gì trong công tác vận hành hồ, và quy trình xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và tránh gây thiệt hại cho người dân?

Từ bài học xương máu lần này tôi thiết nghĩ tập thể cán bộ công nhân viên của xí nghiệp nên rút kinh nghiệm sâu sắc. Bám sát tình hình thực tiễn hơn nữa đặc biệt là vào những lúc thời tiết có những diễn biến bất thường. Trong đó thường xuyên duy tu bảo dưỡng các trang thiết bị máy móc. Nhằm vận hành hồ một cách tốt nhất và có thể phát huy lợi ích lớn hơn nữa và không bao giờ để xảy ra trường hợp tương tự như lần này.

Vâng xin cám ơn ông!

Nguyễn Duy - Nguyễn Tình