1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Người thay tôi cũng không dễ gì vượt qua”

(Dân trí) - Bộ trưởng Đào Đình Bình khẳng định như vậy khi nhận xét về cơ chế quản lý hiện nay. Dù thế một đại biểu đã thốt lên: “Bộ trưởng nên từ chức sớm chút nữa thì hay hơn”. Đúng như dự báo, Bộ trưởng GTVT đã phải đối mặt với hàng loạt truy vấn gay gắt liên quan đến những tiêu cực và bất cập của Bộ thời gian qua.

“Tôi xin lỗi QH và cử tri cả nước”

 

Đại biểu Trần Luân Kim khai màn chất vấn Bộ trưởng Đào Đình Bình bằng câu hỏi về quan điểm của người đứng đầu ở Bộ GTVT sau hàng loạt những bê bối ở bộ này: “Bộ trưởng nghĩ gì về những sự việc xảy ra ở Bộ GTVT, Bộ trưởng có lời khuyên gì với Bộ trưởng Bộ GTVT sắp tới?”.

 

Bộ trưởng Bình bộc bạch: “Tự đáy lòng, tôi rất đau xót về những gì xảy ra ở PMU18. Vụ việc đã làm cử tri, QH phải băn khoăn, làm cho các nhà tài trợ nước ngoài phải nghi ngờ và làm cho truyền thống phát triển 60 năm của ngành giảm sút. Tôi xin nhận trách nhiệm”. Qua diễn đàn QH,  Bộ trưởng Bình gửi lời xin lỗi tới cử tri cả nước và QH.

 

“Tôi  mới về làm Bộ trưởng hơn 3 năm nay, các dự án mà các cơ quan điều tra phát hiện thất thoát và một số vụ việc tiêu cực đều xảy ra trước khi tôi về nhận nhiệm vụ. Nhưng với tư cách đứng đầu, tôi xin chịu trách nhiệm trước cử tri và QH về những sai phạm đã diễn ra ở Bộ GTVT. Tôi không có lời khuyên gì  với bộ trưởng mới”, ông Bình tiếp.

 

Trách nhiệm thuộc về… người tiền nhiệm

 

Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi) nghi ngờ về mục đích tăng số dự án được đầu tư và cơ chế kiểm soát các PMU: "Vì sao bộ lại đầu tư thêm 28 dự án không nằm trong danh mục với số tiền lên tới hơn 1.400 tỉ đồng? Có phải là để tạo cơ chế xin cho? Ban Quản lý dự án PMU18 được giao quá nhiều quyền hạn mà không có cơ chế kiểm soát dẫn đến tiêu cực. Cơ chế này diễn ra khá lâu nhưng sao Bộ không xem xét để trình Chính phủ?".

 

Bộ trưởng Bình giải thích, tất cả các dự án này đều được duyệt trước khi ông về nhận chức Bộ trưởng. “Tôi không dám nói có phải để tạo cơ chế xin cho hay không vì nó là của các đời bộ trưởng trước nhưng theo tôi, các bộ trưởng chỉ mong muốn các địa phương phát triển nên dẫn đến đầu tư dàn trải”, ông Bình thanh minh.

 

Nói về PMU18 và một số PMU khác, ông Bình cho rằng sự hình thành của PMU đã được quy định rất cụ thể trong nghị định 52, nghị định 17 của Chính phủ và tại Thông tư số 15 của Bộ Xây dựng. Nghị định 52 nói rõ Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng quy định mẫu về tổ chức, cơ chế hoạt động của các PMU nhưng hiện nay, quy trình này chưa hoàn thành. Nói như vậy để thấy, những cái cơ bản nhất để cho PMU hoạt động đã được thể chế hoá trong các nghị định của Chính phủ.

 

Bùi Tiến Dũng đã cố tình vi phạm các quy định vì thế phải tự chịu trách nhiệm chứ không phải do chúng ta thiếu các cơ chế, ông Bình khẳng định.

 

Chưa thỏa mãn, đại biểu Tuyết chất vấn tiếp: “Cơ chế dành cho PMU18 là quá ưu ái, tại sao lại để kéo dài như thế, kéo dài như vậy sẽ dẫn đến tiêu cực?”

 

Bộ trưởng Bình tiếp tục viện dẫn các qui định của Chính phủ: “Nghị định 17 nói rõ PMU thay mặt chủ dự án, được toàn quyền trong nghiệm thu, quyết toán và đưa vào sử dụng. Tóm lại thể chế cho PMU là rất rõ ràng”.

 

Không hài lòng với cách trả lời mà trách nhiệm đều thuộc về… người tiền nhiệm, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cật vấn: “Bộ trưởng có nói trước khi tiêu cực ở PMU18 bị phát hiện, Bộ trưởng không biết có tiêu cực ở đó? 10 cuộc thanh tra, kiểm toán đã phát hiện công tác nghiệm thu, thanh toán không đúng đối tượng, vượt và sai tới hơn 25 tỉ đồng. Bộ trưởng cũng thừa nhận có nể nang, rõ ràng như vậy là không phải Bộ trưởng không biết, vậy vì sao bộ trưởng không xử lý dứt điểm?

 

Tôi khẳng định không biết tham nhũng của Bùi Tiến Dũng, sai phạm chúng tôi có biết nhưng tiêu cực thì không biết, và ông Bình thừa nhận “công tác nắm bắt cán bộ của chúng tôi không tốt”.

 

Cũng theo ông Bình, trong suốt chừng đó năm, chỉ có duy nhất một lần cơ quan chức năng bên Bộ Công an thông báo về vi phạm của PMU18 trong việc cho thuê trụ sở sai nguyên tắc và đã được xử lý ngay.

 

“Trong từng ấy năm cũng không có đơn thư nặc danh nào nói về việc tham nhũng, đánh bạc của Bùi Tiến Dũng. Đúng là chúng tôi nắm bắt thông tin kém hiệu quả. Nhưng Bùi tiến Dũng là người quá ranh ma, quỷ quyệt", ông Bình phân trần.

 

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, không phải là Bộ không xử lý mà là mới chỉ xử lý ở cấp thấp. “Tại sao chưa xử lý ở cấp cao? Vì các dự án và các cuộc thanh tra, kiểm toán đều tiến hành trước khi tôi về làm Bộ trưởng, đều do Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Khi mà có kết luận thanh tra, tôi đều giao cho Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến xem xét để giải trình với Chính phủ”, ông Bình cho biết.

 

Qui trình khép kín: ươm mầm tiêu cực

 

"Theo tôi, chính việc giao thẩm quyền quá rộng và đặc biệt là vận hành trong quy trình khép kín một thời gian quá dài là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực ở PMU18, vì vậy, đòi hỏi phải sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp. Bộ trưởng cho biết hướng xử lý sắp tới ra sao? Việc xin từ chức của Bộ trưởng nên sớm hơn một chút nữa thì hay hơn", đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) thẳng thắn thể hiện quan điểm.

 

“Quy trình khép kín là hệ quả của quá trình lịch sử. Nếu như doanh nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, có nghĩa là Nhà nước vẫn phải quản lý các nguồn vốn”, ông Bình giải thích.

 

"Theo Bộ trưởng, khép kín là tự nhiên, hình thành của lịch sử. Nhưng từ 2002 đến nay, PMU bị thanh tra 10 lần nhưng sao vẫn ít phát hiện tiêu cực và việc xử lý trách nhiệm còn nương nhẹ?" Ông Xướng truy tiếp.

 

Ông Bình thừa nhận công tác thanh tra chưa tạo được hiệu quả, chưa phát hịên được tiêu cực tham nhũng mà trực tiếp là ở PMU18 nhưng cũng có lý do rất “khách quan”: Thanh tra Bộ chỉ có 12 người trong khi có tới 10 BQL dự án trực thuộc bộ, thanh tra không làm xuể. Ông Bình khẳng định “vấn đề là con người chứ các BQL dự án không có tội”.

 

Đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng với cơ chế như hiện nay, Bộ vừa là đại diện chủ sở hữu, vừa là chủ đầu tư, vừa là người chọn đơn vị giúp mình thực hiện dự án thì liệu có tiếp tục phát sinh tiêu cực hay không? Cơ chế này có cần sớm thay thế không?

 

Dường như câu hỏi đúng với tâm tư của mình, ông Bình ngay lập tức thể hiện quan điểm: Nên thay đổi vì nếu không thay đổi thì đồng chí Bộ trưởng nào ngồi ở đây cũng đều sẽ mắc khuyết điểm. Bởi lẽ cùng lúc giao mấy trăm dự án thế này, Bộ lấy đâu ra tai mắt mà kiểm soát hết. Rồi cuối cùng khuyết điểm lại ở Bộ mà thôi. 500 doanh nghiệp nhưng thiếu sót gì cũng đổ cho Bộ trưởng thì nói thật, tôi đã từ chức rồi nhưng đồng chí Bộ trưởng thay tôi cũng không dễ gì vượt qua được, ông Bình cảnh báo.

 

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Nguyễn Văn An đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Đào Đình Bình là mạch lạc, rõ ràng, nắm được vấn đề. Còn một số đại biểu đăng ký chất vấn liên quan đến cơ chế quản lý của PMU18 thì vẫn còn cơ hội ở phần chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc trong ngày hôm nay (15/6).

 

Đức Hòa