1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tâm bão Chanchu đổ vào… Bộ Thuỷ sản

(Dân trí) - Đã có nhiều câu hỏi về cơn bão Chanchu được các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư. Tuy nhiên, phiên trả lời chất vấn sáng nay của ông Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản mới là “tâm” của cơn bão này.

Tin đến thì sớm, nhưng thông tin cần thì... hơi muộn!

 

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc mở đầu cuộc trả lời chất vấn: “Hôm nay, ngày 16/6, cách đây đúng một tháng, bà con ngư dân miền Trung tử nạn trong cơn bão Chanchu. Chúng tôi rất đau lòng nói lại điều này”.

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn đặt ra vấn đề trách nhiệm của Bộ Thuỷ sản khi không nắm được rằng có đông ngư dân đang trên biển cũng như việc chưa phối hợp khai thác được các phương tiện thông tin hiện đại.

 

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc dẫn ra Nghị định 66 qui định UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm nắm rõ người và tàu cá trong địa phận mình quản lí. Riêng vai trò người cung cấp thông tin thì ông Bộ trưởng nói: “Chúng tôi có trách nhiệm và chúng tôi đã rút kinh nghiệm rất nhiều”. Ông Ngọc cũng thừa nhận, thông tin đến ngư dân trên biển từ rất sớm, nhưng thông tin “cần thiết” thì… hơi muộn.

 

Ông tỏ ý trách ngư dân khi cho rằng, thông tin của ngư dân về nhà khá nhiều và “thông”, trong khi thông tin đến Bộ Thuỷ sản và các cơ quan chức năng thì chậm. “Cái kỉ cương, kỉ luật trong thông tin của chúng ta yếu, cho dù các phương tiện thông tin ở ngoài biển khá đầy đủ”, ông Ngọc đánh giá. Vì thế sau bão, Bộ đã có văn bản đặt ra vấn đề thông tin thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

 

Với vấn đề đăng kiểm của các tàu trước khi ra biển do đại biểu Trần Đắc Sử đặt ra, ông Ngọc cho rằng, sau bão Bộ Thuỷ sản đã “nghĩ lại” về chuyện này. Theo lời ông, không phải bàn gì về vấn đề tiêu chuẩn vì chúng ta đã có các qui định. Các tàu về cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn này theo chính ông Ngọc là chưa phù hợp, chưa thoả mãn với sự phát triển của ngành thuỷ sản. “Đây là vấn đề nhức nhối và là một phần trong phương án điều chỉnh về sau của ngành thuỷ sản”, ông Ngọc phân trần.

 

Việc kiểm soát mang phao ra biển là bắt buộc nhưng thực tế vẫn có những lúc thông cảm “không bắt buộc”. Thống kê các tàu vừa rồi cho thấy có một số tàu đủ phao, kể cả áo phao, phao tròn, nhưng cũng có nhiều tàu vẫn ghi vào là “can nhựa hoặc không có”.

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Dương (Bình Định) cho rằng, trả lời của Bộ trưởng với đại biểu Nguyễn Lân Dũng (ở trên) chưa nói rõ được trách nhiệm cá nhân, trong khi lại nói nhiều đến sơ suất của ngư dân. Hơn nữa, thông tin ngư dân gặp nạn đến với Bộ Thuỷ sản chậm hơn các bộ khác như ông Ngọc nói cũng không thể chấp nhận vì “Bộ phải biết mùa này là mùa đánh bắt và lẽ ra phải phối hợp chặt chẽ với UB phòng chống lụt bão để có phương án thông tin, cứu hộ kịp thời”.

Ông Ngọc giải trình, Bộ Thuỷ sản đã kiểm điểm với các đơn vị giúp việc về thông tin đến chậm. Ông cũng thừa nhận, việc phát triển chương trình đánh bắt xa bờ đã giúp cho lực lượng của ta mạnh nhưng việc bảo đảm an toàn lại chưa tương xứng. Những hướng dẫn an toàn từ một số nghị định cuả Bộ “chưa cụ thể, thiếu thực tế”. Đặc biệt, theo ông có những bức xúc, mâu thuẫn đang chi phối: một bên thì nghèo một bên thì muốn chặt chẽ trong hàng hải.

 

Dường như thấy những trả lời của mình chưa đủ làm các đại biểu hài lòng, ông Ngọc xoa dịu: “Chúng tôi phải kiểm điểm một cách sâu sắc nhất vì đồng bào bị thiệt hại quá nhiều, chúng ta cũng phải tìm những sai sót để sau này không phải trả giá đắt như vậy”. 

 

“Không chế ngự được thực tế”

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân “than” rằng, 3 năm trước ông nhận được một bản dự thảo về qui hoạch thuỷ sản đồng bằng sông Cửu Long, ông đã góp ý đó chỉ là “hiện trạng của vùng cộng với những thí nghiệm thành công của nông dân được sơn màu ra thành qui hoạch”. Ông đã góp ý với Bộ trưởng, nhưng đến khi nhận bản qui hoạch chính thức vẫn không thấy thay đổi nào.

 

Ông Ngọc cho rằng, việc qui hoạch thời gian qua còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Sự tăng trưởng lên đến mức chóng mặt, khiến nhiều điều tra qui hoạch trở nên “không chuẩn”, ví như đến năm 2003, đất nuôi trồng thủy sản ở đây đã hơn 600.000 ha mà như quy hoạch chúng ta đã từng được nghe là đến năm 2010 mới có khoảng 431.000ha.

 

“Chúng ta phải nói là chúng ta có nhiều yếu kém trong chế ngự để thực tế không vọt ra ngoài những điều chúng ta mong muốn, dự đoán”, ông Ngọc thừa nhận. Theo ông Ngọc, phải đến 2015 hay 2020 chúng ta mới có đủ độ chín để làm quy hoạch.

 

“Ở các nước lân cận và cả trong nước đã có những mô hình nuôi tôm không hề bị nhiễm vi rút, như mô hình của TS Đặng Quốc Việt ở Quảng Ninh và Kiên Giang, giảm rủi ro cho người nuôi tôm, tôi xin hỏi Bộ có kế hoạch nào để nhân rộng”, đại biểu Nguyễn Lân Dũng nêu câu hỏi.

 

Theo ông Ngọc, muốn việc nuôi tôm an toàn cần quản lí thuỷ lợi tốt để môi trường không bị ô nhiễm và quản lí con tôm giống từ bố mẹ. Muốn tăng trưởng không thể mở rộng diện tích chỉ có con đường thả dày và môi trường phải đáp ứng được điều đó. Vấn đề làm giàu, làm sạch môi trường bằng các khuẩn vi sinh được ông Bộ trưởng nhấn mạnh là đang nhân rộng ra ở các địa bàn và đạt kết quả tốt.

 

Cấn Cường - Phương Thảo