1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển:

"Tôi không đồng tình về thuế ô tô"

(Dân trí) - Phải “xin” thêm giờ để trình bày quan điểm của mình, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển có lẽ là hấp dẫn nhất từ đầu kỳ chất vấn đến nay. Những câu trả lời của ông đều rất rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, được các đại biểu đánh giá cao.

Chống buôn lậu phải ở địa bàn

 

Hàng ngàn tấn nông sản của nước ngoài đang chờ giờ G  khi VN gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để tràn vào nước ta.  Lo lắng cho tương lai hàng nông sản trong nước, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết vấn đề hàng nông sản Việt Nam khi gia nhập WTO?”.

 

“Tôi đã phát biểu 3 lần về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính phủ phải có chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa”, ông Tuyển nói.

 

Theo Bộ trưởng Tuyển, gia nhập WTO ta có thuận lợi là thu hút đầu tư, từ đó chuyển lao động nông thôn sang làm công nghiệp chứ không thể cải thiện đời sống nông dân bằng cách trông chờ vào giá nông sản. “Hoạch định chiến lược phát triển cụ thể, đầu tư tăng thêm cho nông nghiệp và nông dân mới là lâu dài, chứ con đường tăng giá và tăng thuế là con đường ngắn hạn”, ông Tuyển khẳng định.

 

Nạn buôn lậu xăng dầu vẫn rất nghiêm trọng trong khi nhà nước phải bù lỗ là vấn đề mà đại biểu Lương Thị Hoa đưa ra chất vấn Bộ trưởng Tuyển: “Là bộ chủ quản, bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn?”

 

Ông Tuyển thừa nhận nạn hàng giả, buôn lậu đang diễn ra nghiêm trọng “có trách nhiệm của Bộ Thương mại dù bộ không phải là đơn vị duy nhất quản lý”.

 

Ông Tuyển cũng đưa ra những con số để chứng minh tình trạng hàng giả, buôn lậu đã có chuyển biến. Năm 2005 có 124.331 vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép, giá trị thu được là hơn 1.000 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm nay phát hiện 30.000 vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép.

 

“Phải chống buôn lậu trên từng địa bàn”, đó là quan điểm của ông Tuyển. “Hôm nay QH chất vấn tôi cũng đúng nhưng nếu chất vấn ở các HĐND về trách nhiệm của chính quyền địa phương thì sẽ hiệu quả hơn. Chống buôn lậu chỉ hiệu quả khi có sự chỉ đạo chặt chẽ ở địa phương”, ông Tuyển nói.

 

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn thẳng thắn: “Nếu nói như bộ trưởng thì ai cũng trả lời được, Tôi cho rằng Luật Thương mại chưa đi vào cuộc sống, việc chống buôn lậu chưa thành công. Giá cả tăng rõ ràng là trách nhiệm  của Bộ  Thương mại”.

 

“Tôi vốn dĩ không bao giờ đùn đẩy trách nhiệm, vì đại biểu hỏi tôi giải pháp chống buôn lậu cho hiệu quả, tôi thấy không có giải pháp nào hiệu quả hơn là chống buôn lậu ở địa bàn”, Bộ trưởng Tuyển đáp.

 

Với vấn đề giá cả, ông Tuyển cho rằng, quan niệm về giá cả của chúng ta chưa chuẩn mực. Tốc độ phát triển kinh tế của thế giới tăng cao, đòi hỏi tiêu dùng nhiều hơn, nên giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng. Có thể nói, thế giới từ 2004 đã chuyển sang một mặt bằng giá mới. Hiện tượng tăng giá trên thế giới là phổ biến, không riêng Việt Nam, ông Tuyển khẳng định.

 

Tôi không đồng tình về thuế ô tô

 

“Nói thật với Thủ tướng, tôi cũng sắp nghỉ rồi”, ông Tuyển nói trước khi trình bày quan điểm của mình về vấn đề thuế ô tô. “Là bộ trưởng tâm lý chung là bảo vệ Chính phủ, tư duy đó rất bình thường và rất lành mạnh, nhưng tôi cũng có quan điểm cá nhân của tôi. Quan điểm cá nhân tôi về thuế ô tô là không đồng tình”, ông Tuyển thẳng thắn.

 

“Thu thuế liên quan đến anh Hùng (bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng) nhưng cũng có liên quan đến tôi nên tôi thấy có trách nhiệm trình bày để tạo sự nhất quán. Tôi cho rằng khuyết điểm là đã đưa ra tín hiệu không rõ ràng về mục đích nhập xe ô tô”, ông Tuyển bắt đầu phần thể hiện quan điểm của mình về.

 

“Có đồng chí nói rằng cho nhập ô tô cũ để giảm giá xe trong nước, tôi đồng ý phải làm giảm giá xe trong nước nhưng ta có thể giảm giá xe ô tô mới, sao chúng ta lại chọn con đường nhập xe ô tô cũ”, ông Tuyển đặt câu hỏi mà rất nhiều cử tri cũng băn khoăn.

 

Giải thích về lý do không đồng tình với mức thuế để bảo hộ ngành sản xuất xe hơi trong nước, ông Tuyển lặp lại hai lần quan điểm mà có vẻ ông rất tâm đắc: Trong thời đại quốc tế hóa sản xuất, với việc hình thành các công ty đa quốc gia, nhà đầu tư lựa chọn điểm đầu tư  không phải là nơi có mức bảo hộ cao, mà là nơi đó có chi phí sản xuất thấp nhất.

 

Các nhà đầu tư đến Việt Nam đầu tư chế tạo ô tô cũng  không phải vì có mức thuế bảo hộ cao mà vì có chi phí sản xuất thấp, vì sản phẩm của họ có thể bán khắp thị trường thế giới, nên ta phải xử lý lại thuế ô tô mới. “Nếu không xem xét trong quan hệ ấy chúng ta sẽ lúng túng”, ông Tuyển kết thúc phần trình bày “ngoài giờ” của mình bằng câu nói rất tâm huyết như vậy .

 

Đức Hòa