1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Mai Ái Trực còn "treo" lời hứa

(Dân trí) - Trong buổi chất vấn sáng nay, đại biểu Phan Trung Lý lật lại lời hứa sẽ hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2005 của bộ trưởng Mai Ái Trực, vậy mà đến nay mới có 31/64 tỉnh thành hoàn thành khoảng 80% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy trách nhiệm bộ trưởng ở đâu?

Sau khi nhận khuyết điểm về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hứa sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, Bộ trưởng Trực nêu ra hàng loạt những khó khăn dẫn đến tình trạng này, đó là về cơ chế chính sách, về bộ máy yếu kém kể cả có tiêu cực, rồi việc chỉ đạo tổ chức thực hiện ở các cấp địa phương.

 

“Bộ TNMT chịu trách nhiệm chung trước QH nhưng trước người dân thì trách nhiệm thuộc về UBND các cấp. Tại sao cùng cơ chế nhưng có địa phương đã cơ bản hoàn thành mà có địa phương lại thấp? Không nên đổ thừa cho cơ chế”, ông Trực khẳng định và cho biết bộ đã cử một tổ chuyên trách đi kiểm tra lại những vấn đề mà 13 đoàn thanh tra đã kiểm tra tại 64 tỉnh thành thời gian qua.

 

Vẫn còn tình trạng “ép” dân 

 

Đại biểu Trần Việt Hùng nêu thực trạng còn tồn tại về giá đền bù đất. Theo đó, dù qui định của Luật Đất đai là các dự án kinh doanh nhà ở đơn thuần thì chủ đầu tư và nhân dân tự thỏa thuận giá đền bù nhưng trên thực tế một số địa phương thường sử dụng biện pháp “cưỡng ép” khi hai bên không đạt được thỏa thuận.

 

Bộ trưởng Trực thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối lâu nay. “Một số nơi thực thi chưa đúng, chính quyền còn ép dân. Hồi còn làm chủ tịch tỉnh tôi đã rất phiền về việc này. Không phải lên trung ương mà tôi nói vậy, hồi làm chủ tịch tỉnh tôi đã nói rồi”, ông Trực trình bày như tâm sự.

 

Theo ông Trực, không phải đất nào kinh doanh cũng theo cơ chế thỏa thuận, Nghị định 81, N17 đã có qui định. Điều 90 Luật Đất đai cũng ghi rõ, những khu công nghiệp, khu chế xuất… tập trung thì nhà nước sẽ thu hồi, cơ chế thu hồi và thỏa thuận là khác nhau. Nếu giá đất thu hồi đã phù hợp mà người dân không chấp nhận thì sẽ cưỡng chế, nếu chưa thỏa mãn đưa ra tòa hành chính. Cơ chế thỏa thuận nếu không được thì đưa ra tòa dân sự.

 

 “Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có phải là cơ sở  pháp lý để thế chấp ở ngân hàng không? Nếu là cơ sở pháp lý thì việc đăng ký thế chấp và đóng lệ phí là cơ chế vô lý, gây phiền hà cho dân”, đại biểu Trần Văn Kiệt bức xúc.

 

Bộ trưởng Trực khẳng định đã thế chấp thì phải đăng ký thế chấp theo qui định của Luật Đất đai và Luật Dân sự.

 

“Về phí (nộp 60.000đ) đối việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, cái này do Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính chủ trì ban hành. Dù tôi không có trách nhiệm quản lý phí và lệ phí nhưng tôi đã có văn bản báo cáo Chính phủ chỉ đạo hạ mức đó xuống. Tôi có hỏi anh em  tính xem là bao nhiêu thì anh em nói hạ xuống nhiều vẫn được”, ông Trực bày tỏ thái độ của mình trước bức xúc của đại biểu.

 

Đóng băng cũng có mặt tích cực

 

Đại biểu Trần Luân Kim lo lắng về sự đóng băng của thị trường bất động sản: “Đóng băng là điều không tốt của chính sách đất đai. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc phá sản. Chính sách đất đai là triệt tiêu đầu cơ, nếu triệt tiêu hoàn toàn là không phù hợp?”.

 

Bộ trưởng Trực khẳng định việc đóng băng thị trường BĐS cũng có mặt tích cực, đó là đưa thị trường vào qui củ, giá đất hạ xuống giá thực tế, không còn giá ảo. “Liệu có phải là tất cả cùng đóng băng? Đóng băng là đóng băng tình trạng mua đi bán lại, đẩy giá đất lên cao, mất cái đó là tốt. Riêng đối với nhà ở không đóng băng. Chỉ có nghịch lý là nhu cầu thì có nhưng khả năng thanh toán thì không”, ông Trực giải thích.

 

Nhiều người cho rằng đầu cơ là tốt nhưng đầu cơ đất đai khác với đầu cơ ở lĩnh vực khác. Đất đai đầu vào có hạn, không phải vô hạn nên việc quản lý phải chặt, không thể so sánh được với các lĩnh vực khác.

 

Biết mà không có động thái gì là có tội

 

Không trả lời ngay vào nguyên nhân và giải pháp khắc phục công tác dự báo thời tiết sau những thiệt hại to lớn của cơn bão Chanchu gây ra, Bộ trưởng Mai Ái Trực dường như rất xúc động, ông nói lời xin lỗi: “Tôi xin lỗi ngư dân, xin lỗi QH về công tác thông tin dự báo trong cơn bão vừa qua”.

 

Giải thích lý do để xảy ra thảm kịch này, ông cho rằng do qui chế báo bão chỉ  24h và đây là cơn bão mạnh, tư duy của người làm công tác dự báo lại chỉ lo cho đất liền và khu vực ven biển. Hơn nữa, họ cũng không biết có tàu thuyền ở khu vực vùng biển phía bắc.

 

“Anh em hỏi tôi, anh có biết không? Ban Chỉ Huy phòng chống lụt bão có biết không? Chính phủ có biết không? vì sáng ngày 15 đã dự báo bão đi lên phía bắc, sáng 17 bão mới đổ bộ vào khu vực có nhiều tàu thuyền của ta, trong thời gian đó ta đủ sức thông báo với nước bạn để đề nghị hỗ trợ”, ông kể và như muốn tìm ra nguyên nhân sâu xa hơn nữa, đó là thái độ phản ứng của những người có trách nhiệm trong sự việc này.

 

“Chúng ta không thể nói không biết để trốn tránh trách nhiệm, không ai có quyền nói mình làm đủ trách nhiệm trong cơn bão này. Những người có trách nhiệm phải biết, đã biết mà không có động thái gì là có tội. Về phía bộ, Bộ trưởng xin chịu trách nhiệm hết. Con dại cái mang, mũi dại lái chịu đòn. Chúng tôi đã xây dựng qui chế dự báo với thời gian dài hơn”, giọng ông như run lên khi nói về vấn đề này.

 

Kết thúc phiên chất vấn,  Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nhận xét: "Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm. Theo tôi trách nhiệm của cán bộ khí tượng thuỷ văn rất tốt, anh em không biết có ngư dân ở biển, nên chỉ lo cho đất liền. Bộ cũng đã  xử lý rất nghiêm. Chúng ta nên công minh, đánh giá đúng để những người  bị xử lý cũng mát lòng".

 

Đức Hòa