1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Trẻ em hôm nay, công nợ ngày mai”

(Dân trí) - Một đại biểu thốt lên chua chát như vậy trước tình trạng sử dụng vốn ODA kém hiệu quả. “Chúng ta đầu tư bao nhiêu, bị rút ruột bao nhiêu? Bộ trưởng bảo bộ chỉ giải ngân thôi, còn ai tiêu bao nhiêu không nắm được. Đó là điều không chấp nhận được”, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn bức xúc chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Nếu làm tốt đã không xảy ra như vậy!

 

Những thiệt hại quá lớn cả về người và của trong cơn bão Chanchu vừa qua đã làm nóng phần chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc ngay từ phút đầu tiên. “Dự án thông tin ven biển Bộ Thủy sản xin thực hiện cách đây 6 năm, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến, sao Bộ vẫn làm thinh?”, đại biểu Ngô Thị Minh lên tiếng.

 

Trả lời câu hỏi này, ông Phúc đưa ra những thông tin về hệ thống kiểm soát thông tin ven biển hiện nay, hệ thống này trị giá 34 triệu USD với các trạm điều hành ở 29 tỉnh ven biển có khả năng khiểm soát ở cả 3 vùng biển. Hệ thống này còn đảm bảo cung cấp thông tin với 7 dịch vụ như kỹ thuật, dịch vụ cứu trợ, dịch vụ cung cấp an ninh quốc phòng, dịch vụ thuyền viên... và ngồi tại trung tâm có thể điều khiển tàu thuyền ở tận... Cu-ba. Tức là sóng phủ toàn cầu!

 

Ông Phúc cũng khẳng định, năng lực kiểm soát thông tin hàng hải của ta không thua kém các nước trong khu vực.

 

Còn việc thông tin không đến được với ngư dân khi cơn bão Chanchu ập tới, ông Phúc cho rằng do hệ thống thông tin tiếp nhận tại các tàu không đáp ứng yêu cầu. Cả nước có hơn 13.000 tàu xa bờ nhưng chỉ 7.200 tàu bắt được thông tin. Ngoài ra, 7 dịch vụ hiện mới chỉ khai thác dịch vụ thuyền viên.

 

“Trong vụ Chanchu, các tàu chỉ liên hệ về gia đình, mà không liên hệ với các trạm trên bờ. Nguyên nhân là do các cơ quan nhà nước chưa hướng dẫn ngư dân. Nếu biết ngư dân ở đó, ta có thể liên hệ với các nước yêu cầu họ cho tàu thuyền vào tránh bão, thậm chí đề nghị họ có nghĩa vụ cứu hộ, cứu nạn vì Việt Nam đã ký công ước Bảo đảm thông tin hàng hải và Cứu hộ cứu nạn trên biển”, ông Phúc cho biết.

 

Ông Phúc cũng thừa nhận, khâu đào tạo còn yếu. Nếu làm tốt, vừa qua đã không xảy ra như vậy.

 

Bộ chỉ nắm giải ngân thôi!

 

Trong vụ án Nguyễn Đức Chi, ông Phúc cho rằng mình chỉ là người giải quyết hậu quả. “Chủ tịch Quốc hội đã nói, trách nhiệm của Bộ là liên tục, trách nhiệm của Bộ trưởng là hữu hạn, vụ này xảy ra từ năm 2000-2001”, ông Phúc trích dẫn quan điểm của Chủ tịch Quốc hội trong… kỳ họp trước để khẳng định sự không liên quan trách nhiệm của mình.

 

Về nguồn vốn ODA, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn dẫn bản tin của báo chí cho biết, các nhà tài trợ ODA nước ngoài phàn nàn công tác chống tham nhũng hiện chưa quyết liệt, giải ngân chậm. “Chúng ta đưa vào đầu tư bao nhiêu, bị rút ruột bao nhiêu, bộ nào, địa phương nào rút ruột? Bộ trưởng trả lời tôi là bộ chỉ giải ngân thôi, còn ai tiêu bao nhiêu không nắm được. Đó là điều không chấp nhận được. Không nắm được thì cơ sở nào tính được GDP. Bộ trưởng không nắm được thì trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?”, đại biểu Ngoạn gay gắt chất vấn như bản tính vốn có.

 

Thừa nhận việc giải ngân là chậm, nhưng ông Phúc cho rằng, đánh giá tổng quát thì các dự án sử dụng vốn ODA đều có hiệu quả. “ADB đã tổ chức giám sát các dự án của họ và không phát hiện có sai phạm”, ông Phúc khẳng định.

 

“Giải ngân chúng tôi biết nhưng rút ruột thì không biết cụ thể. Ngay cả PMU18 cũng phải chờ cơ quan điều tra kết luận mới biết được”, ông Phúc thanh minh về việc mình không thể biết được cụ thể con số thất thoát từ nguồn vốn đầu tư.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Hường lo ngại: “Giải trình của Bộ trưởng chỉ nêu tồn tại mà không nói trách nhiệm của mình. Nếu chỉ lo thu hút vốn mà không giám sát được thì không ổn”.

 

Về cấp phát vốn, ông Phúc cho rằng, qui trình quản lý rất chặt từ cả phía nhà tài trợ và Chính phủ. Bộ KH-ĐT chỉ có trách nhiệm lên chiến lược phát triển của từng ngành và đàm phán để vay vốn. Bộ không cấp vốn cụ thể. Ký từng dự án là do Bộ Tài chính. Trách nhiệm của Bộ là "chưa chú trọng đôn đốc, thanh tra quản lý nguồn vốn, chế tài đưa ra quản lý dự án cũng chậm”, nhưng ông cũng trần tình: “Bộ thành lập 6 năm nhưng thanh tra bộ mới chỉ thành lập được gần 3 năm. Việc đưa ra các chế tài quản lý cũng hơi chậm và hiện bộ đang soạn lại qui chế của các BQL dự án”.

 

“Trẻ em hôm nay, công nợ ngày mai”

 

“Cử tri và nhân dân bức xúc việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả, có ý kiến còn nói rằng con cháu ta gánh hậu quả vì hiệu quả và tuổi thọ của công trình thấp. Trẻ em hôm nay, công nợ ngày mai”, đại biểu Huỳnh Thị Hường chua chát.

 

Đáp lại chất vấn này, ông Phúc cho biết, các nhà tài trợ đánh giá Việt Nam sử dụng ODA hiệu quả. “Đừng vì một dự án mà phủ nhận tất cả. Không thể phủ nhận vai trò của nguồn vốn ODA, như ở ngành điện, cầu cống… việc khai thác vốn ở những lĩnh vực này là tốt. Bộ KH-ĐT còn được một số nhà đầu tư… mời đi giới thiệu về sử dụng vốn ODA cho hiệu quả” .

 

Về việc chống “qui trình khép kín” trong đầu tư, ông Phúc cho rằng trong đàm phán vay vốn đều có qui định đơn vị thuộc bộ chủ quản không được tham gia đấu thầu dự án của bộ. Nhưng do “quá trình lịch sử” để lại, ví dụ nếu nói về xây dựng thủy lợi, xây dựng giao thông thì không đâu bằng doanh nghiệp của Bộ GTVT. Vì thế, phải cố phần hóa và đã có lộ trình thực hiện nếu không sẽ gây sốc cho doanh nghiệp, người lao động sẽ thất nghiệp.

 

“Chúng ta có lộ trình 4 năm (đến 2009) để cổ phần hóa các doanh nghiệp, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Sẽ mở rộng phạm vi tham gia của khu vực tư nhân vào việc sử dụng nguồn vốn”, ông Phúc thông báo.

 

Đại biểu  Dương Trung Quốc chất vấn: “Chúng ta đưa ra nhiều lý do nhưng rõ ràng nhất là sự trì trệ. Bộ trưởng nhắc nhiều đến vai trò ODA và khả năng khai thác tốt. Nhưng có tính đến lộ trình để giảm dần hay không vì đây là món vay và có nhiều ràng buộc?” Ông Phúc cho rằng, từ nay đến 2010 sẽ còn tăng, nhưng sau 2010, theo tính toán thì khả năng tiếp nhận viện trợ không hoàn lại và ODA sẽ giảm dần.

 

Đồng tình với đại biểu Dương Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An kết luận: “Nhiều người nghĩ ODA là cái gì quá ưu đãi không dùng thì phí nên xin càng nhiều càng tốt. Nhưng đâu biết điều kiện họ đưa ra để bù lại lãi suất thấp là không phải nhỏ, không biết làm còn hại hơn”.

 

Đức Hòa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm