DNews

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng

Ngọc Tân Hoài Thu

(Dân trí) - Bão Yagi đối với người dân TP Thái Nguyên chỉ là cơn mưa nhẹ, gió vù vù trên tán cây. Nhưng lũ về sau bão là cả nỗi kinh hoàng.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng

"Anh ơi cứu em với, em gọi anh cuộc cuối cùng đấy"

Ông Hiếu tổ trưởng dân phố nghe tiếng người nói gấp gáp trong điện thoại. Người ấy trình bày rằng nước đã dâng bít kín cửa ra vào, điện thoại sắp cạn pin. Vợ con anh đang hoảng loạn trên gác 2...

Có khoảng 100 cuộc gọi kiểu như vậy đến máy của ông Hiếu, chỉ trong 24 giờ từ rạng sáng 9/9 đến 10/9. Làm Tổ trưởng Tổ dân phố Đông (Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên) từ thời giãn cách vì Covid-19, chưa khi nào ông Hiếu phải nghe nhiều lời kêu cứu đến vậy.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng - 1

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Đông, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên kể lại trận ngập lịch sử (Ảnh: Ngọc Tân).

"Thương lắm anh ạ, tôi biết làm thế nào. Xuồng không có, mãi sau một anh bộ đội mới cho cái áo phao, vừa lội vừa bơi đi xem mấy hộ ở rìa sông thế nào", ông kể.

Bị nước lũ "đánh úp"

Ngày 7/9, khi Hải Phòng và Quảng Ninh oằn mình trong bão Yagi, người dân TP Thái Nguyên chỉ thấy những cơn mưa nhẹ, gió vù vù trên tán cây. 

Mưa sau bão không lớn, nhưng nước trên sông Cầu cứ ùn ùn dâng. Đêm 8/9, xe quân sự chở từng tốp bộ đội đến chân cầu Bến Tượng. Suốt đêm dầm mưa, những người lính đắp bao cát để gia cố mặt đê.

"Tôi đứng đó nhìn họ làm cả đêm. Bộ đội vất vả lắm, nhưng nếu không kè như vậy thì đê vỡ rồi", ông Nguyễn Tuấn Anh, người dân phường Đồng Bẩm chia sẻ.

Tại trạm thủy văn Gia Bẩy (TP Thái Nguyên), mực nước đo được lúc 21h ngày 8/9 là 2.700cm, ở mức báo động 3 - mức rất nguy hiểm.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng - 2

Người dân TP Thái Nguyên dùng bè tự chế để đi nhận nhu yếu phẩm (Ảnh: Ngọc Tân).

Cũng đêm đó, ông Hiếu mở đài phát thanh xóm, đọc đi đọc lại những thông báo đề phòng lũ lụt cho hơn 1.000 cư dân trong tổ dân phố của mình. 300 hộ dân lắng nghe, nhưng nhiều người không quá lo lắng.

Dân Đồng Bẩm quen với lũ lụt suốt nhiều năm nay, họ ở thế đất thấp hơn nhiều so với những cư dân ở trung tâm thành phố. Quen với ngập lụt, ít ai nghĩ nước năm nay lại dâng cao đến vậy.

Sáng 9/9, đê sông Cầu không vỡ, nhưng nước sông Cầu dâng lên không ngừng. Nước mang phù sa đỏ quạch tràn qua những đoạn đê thấp và khởi đầu một ngày kinh hoàng với người dân thành phố Thái Nguyên.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng - 3

Nước sông Cầu tràn qua mặt đê, gây ngập lụt nhiều nơi tại TP Thái Nguyên (Ảnh: Ngọc Tân).

Những người trung niên tại TP Thái Nguyên ví trận lụt hôm 9/9 với đợt lụt lịch sử đầu thập niên 2000. Bà Ngô Thị Xuân, Trưởng ban công tác mặt trận của Tổ dân phố Đông, thậm chí còn nghe các cụ già trong xóm ví trận lụt này với lụt lịch sử năm 1959.

Trong cơn mưa tầm tã, anh Nguyễn Huy Hòa (cán bộ Trạm Thủy văn Gia Bẩy) lặn lội trong dòng nước ngập sâu đến gần bụng, cầm theo dụng cụ đo lưu lượng nước đi làm việc.

Đây vốn là công việc hàng ngày của một cán bộ khí tượng, song trong những ngày mưa lũ, đặc biệt lại là trận lũ lụt lịch sử như lần này, anh Hòa nói công việc vất vả hơn rất nhiều.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng - 4

Anh Nguyễn Huy Hòa cùng đồng nghiệp đo mực nước tại phường Đồng Bẩm, Thái Nguyên (Ảnh: Ngọc Tân).

"Chúng tôi phải quan trắc lượng nước 30 phút/lần. TP Thái Nguyên ngập từ đêm 8/9 nhưng rất may đến ngày 10/9, nước bắt đầu rút", anh Hòa nói.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, mưa to từ thượng lưu sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn kết hợp mưa lớn trong khu vực tỉnh Thái Nguyên làm mực nước sông Cầu dâng cao, gây ngập lụt nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tại Trạm Thủy văn Gia Bẩy lúc 3h ngày 10/9 đạt đỉnh lũ là 2.881cm (cao hơn mức báo động III là 181cm và cao hơn 67cm so với đỉnh lũ lịch sử xảy ra ngày 2/7/1959).

Qua cơn kinh hoàng

Sáng 10/9, ông Nguyễn Hữu Phú (xóm Đồng Tâm) ngồi trên chiếc chậu nhôm đặt trong lòng chiếc phao, chèo từ nhà ra trong xóm Đồng Tâm ra đường lớn để nhận tiếp tế lương thực.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng - 5

Ông Nguyễn Hữu Phú chèo bè tự chế đi nhận lương thực (Ảnh: Hữu Khoa).

Người đàn ông cho biết bên cạnh những hộ đã di dời đến nơi an toàn, nhiều người vẫn quyết bám trụ ở nhà để bảo vệ nhà cửa, tài sản. Những gia đình ở lại hầu hết có nhà kiên cố, nước ngập quá đầu người ở dưới tầng 1 nên họ di chuyển lên tầng 2 để ở và sinh hoạt.

Ngao ngán đưa ánh mắt nhìn dòng nước vẫn ngập sâu đến gần mái nhà, ông Phú cho biết không bao giờ nghĩ lại có trận lũ lịch sử như thế này. Thậm chí, nước dâng cao và nhanh quá, nhiều gia đình không kịp di dời tài sản nên "mất trắng".

Cùng chung nỗi lo này, chị Nghiêm Thị Hòa (phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên) sau 1 ngày sơ tán đã sốt ruột trở về nhà kiểm tra đồ đạc.

Chị cho biết gia đình có 5 người đã được hỗ trợ sơ tán đến nơi an toàn từ ngày 9/9, nhưng ngay khi nghe tin nước rút, chị vội trở về kiểm tra tài sản.

Người Thái Nguyên đi qua cơn kinh hoàng - 6

Trẻ nhỏ cùng người lớn vượt qua nước lụt để nhận hàng tiếp tế (Ảnh: Hữu Khoa).

"Nóng ruột lắm, vì khi đi chỉ kịp bê chiếc tivi lên tầng 2, còn tủ lạnh nặng quá mới kịp kê lên cao một chút, nhưng nước dâng cao thế này chắc ngập và hỏng hết rồi", người phụ nữ buồn bã chia sẻ.

Từ sáng 9/9 đến tận một ngày sau, nhiều người dân thành phố Thái Nguyên đã bị đói, lạnh và sợ hãi vì bị cô lập trong nước lũ. Hầu hết gia đình chạy lên tầng 2 cố thủ. Một số nhà kịp di dời tài sản giá trị ở tầng 1, một số thì không.

Những lời kêu cứu lan truyền trên mạng xã hội, những cuộc gọi "cháy máy" cho cán bộ cơ sở... lòng người như lửa đốt khi nghĩ về kịch bản nước tiếp tục dâng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Khánh Quỳnh, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Thuyền hơi NiBC Thái Nguyên,  cho biết trong sáng 9/9, các thành viên CLB lao cả đến những điểm ngập sâu trong thành phố để hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc di tản người dân.

Họ huy động hết mức, được 15 chiếc xuồng hơi gắn máy, chia thành 3 tổ rồi cùng công an, quân đội tiếp cận các khu dân cư bị ngập. Ưu tiên số 1 là đưa trẻ nhỏ và người già ra khỏi những căn nhà đang bị nước cô lập. 

Toàn thành phố Thái Nguyên có khoảng 22 xã, phường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiệt hại về tài sản là vô cùng nặng nề. Tuy vậy, trận lụt nhưng may mắn không gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Cả tổ dân phố của ông Hiếu chỉ có một người bị gãy tay do trượt ngã trong lúc chạy lụt.

Báo cáo của chính quyền thành phố tính đến ngày 10/9 cho thấy sơ bộ chưa ghi nhận thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Bà Ngô Thị Xuân, Trưởng ban công tác mặt trận của Tổ dân phố Đông, ngẫm ngợi giây lát rồi lắc đầu khi phóng viên hỏi khu phố mong muốn nhận quyên góp như thế nào?

"Mọi người chỉ hoảng loạn lúc mắc kẹt trong nước lũ, chứ dân ở đây không đến nỗi nào, lúc bão lũ thế này nhiều nơi còn đang khổ hơn", nữ cán bộ cơ sở đáp.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác phòng chống bão lũ theo các công điện của Thủ tướng.

"Lực lượng công an, quân đội triển khai theo đúng kế hoạch để cảnh báo, vận động và sơ tán người dân đến vùng an toàn. Tuy nhiên, vẫn có hộ dân vì lý do khác nhau, dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng vẫn quyết ở lại nhà, thậm chí có những người dân đã đưa đến vùng an toàn rồi vẫn quay trở lại, rất khó cho chính quyền", ông Bình chia sẻ.

Khi nhiều khu vực ở Thái Nguyên bị ngập nặng, nhiều người dân dùng mạng xã hội để cầu cứu, kêu gọi hỗ trợ. Ông Bình cho biết nắm được thông tin, lãnh đạo chính quyền bằng nhiều cách đã cử công an, quân đội tiếp cận những khu vực có người bị mắc kẹt, đưa người dân đến nơi an toàn, đồng thời vận chuyển lương thực, nước uống tiếp tế cho người dân.

Khi nước bắt đầu rút, tỉnh cũng sớm chỉ đạo khôi phục các hoạt động sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Lãnh đạo tỉnh lưu ý các đơn vị không được lơ là, chủ quan; tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai