“Người sai phạm biết sửa chính là người giỏi nhất”

(Dân trí) -“Tôi nhớ chuyện một tướng cấp dưới phải thi hành kỷ luật. Lúc lên báo cáo, Đại tướng nghiêm khắc yêu cầu làm rõ vấn đề kèm “động viên”, việc kỷ luật chỉ là nhắc nhở, người phạm luật mà sửa được, sau này chính là người giỏi nhất” - Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên kể.

Được cho là người có thời gian gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài nhất, qua suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, qua thời gian xây dựng đất nước sau chiến tranh và cho đến tận lúc này, đối mặt sự thật “người anh Cả” của mình đã mãi mãi ra đi có khó khăn với ông?
 
Lúc này nói cảm giác của tôi là buồn thì cũng không hẳn đúng nhưng thực sự cảm động và rất nhớ. Đại tướng của chúng ta đã thọ đến 103 tuổi. Đây là một vinh dự cho quân đội ta. Nhưng dù sao mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng. Tôi thú thật là từ khi nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ, tôi không ngủ được.
 
“Người sai phạm biết sửa chính là người giỏi nhất”
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một bức ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đất nước đã hòa bình.

Khi nhận tin dữ, nhiều tướng lĩnh quân đội cũng đã chia sẻ nỗi nhớ đến cay xè mắt về những ngày tháng chiến trường xưa kia. Là người đi cùng Đại tướng từ những ngày tháng "9 năm làm một Điện Biên" cho đến giờ chắc hẳn ký ức khó có thể phai mờ với ông?

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng vì cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đều lần lượt giúp Đại tướng. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc mà đến giờ tôi vẫn tâm đắc là việc thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, về quyết định chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc của Đại tướng. Ấn tượng mạnh nhất về chuyện này vì khi đó, mọi việc đã chuẩn bị đâu vào đó rồi, pháo kéo vào trận địa rồi, bộ binh áp sát rồi mà lại kéo ra. Đó phải nói là một việc vô cùng dũng cảm, phải thực sự tin tưởng vào quần chúng thì mới làm được.

Thay đổi chiến lược trong trận Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện nghệ thuật quân sự mà còn nêu bật lý luận “đánh chắc thắng chắc thì thiệt hại ít hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khác biệt chính vì dù là một trí thức nhưng cũng xuất thân từ nhân dân mà ra nên ông trân trọng từng giọt máu của người dân, chiến sỹ. Vậy nên mới có chuyện chuyển chiến lược đánh để tiết kiệm xương máu anh em và đã thắng lợi lẫy lừng. Thắng lợi đó kết thúc luôn cuộc chiến tranh giữa với Pháp.

Tôi cũng nhớ chiến dịch Hoàng Hoa Thám, sau khi đánh từ Phà Lài xuống Uông Bí, chúng tôi gặp lực lượng phòng thủ rất mạnh của địch. Các sư đoàn định tấn công nhưng sau khi nghe tình hình Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lệnh rút lui vì nếu cứ cố tấn công, tổn thất có thể rất nặng nề. Lại một lần nữa Đại tướng thể hiện quan điểm vì quần chúng, vì nhân dân, vì bộ đội, vì xương máu anh em chứ không phải vì thắng lợi để lấy thành tích, tiếng vang. Với tôi, đó cũng là một bài học mà Đại tướng đã chỉ dạy để rút kinh nghiệm sâu sắc.

Chiến dịch đường 9 Nam Lào, sau khi tôi báo cáo tình hình, kiểm tra xe tăng, bộ binh địch Tổng Tư lệnh có dặn tôi một câu: “Các đồng chí làm gì thì làm nhưng tôi giao nhiệm vụ để cho nó “vào hết cổng” nhưng không cho nó về”, tức là địch đã vượt qua biên giới, sang đất Lào thì đừng hòng mong quay lại chiến trường Trường Sơn. Chúng tôi có tuyến lửa pháo phòng không dày đặc ở đó. Tôi khẳng định sẽ thực hiện theo chỉ đạo nhưng với điều kiện cho báo cáo với Đại tướng Văn Tiến Dũng là không nên đánh, cứ để địch đi qua, cả sư đoàn, sang qua biên giới sẽ “bắt sống”. Tôi biết lúc đó máy bay địch lên chiếc nào chắc chắn bắt dính chiếc đó. Tôi dặn cậu pháo thủ không được bắn cho đến khi thấy địch lên được ít nhất 50 chiếc máy bay. Chờ mãi, đến khi được 30 chiếc thì anh em nóng lòng bắn luôn và bắn chiếc nào rơi chiếc ấy. Trực thăng mà rơi vào lưới phòng không với pháo 37 ly, 14,5 ly thì không khác gì mía đút cho voi. Vậy nên báo Anh sau đó đã viết bài với hình ảnh trực thăng Mỹ rơi như rạ. Đó cũng là một trận chiến để lại ấn tượng sâu sắc với tôi vì chúng tôi là những người ở ngoài thực địa, bám chiến trường.

Ngoài tài thao lược quân sự, Đại tướng cũng được nhắc đến với sự nể trọng vì đạo đức, lối sống hàng ngày. Ông chắc có nhiều cơ hội chứng kiến khi cùng sống, cùng đi chiến trường, công tác với Đại tướng ngần ấy thời gian?

Đời thường, Đại tướng cũng ở một căn nhà đơn giản như nhà tôi ở đây thôi. Ông sinh hoạt cũng hết sức đơn giản.

Và tôi chỉ xin nhắc 1 điều, Đại tướng từ khi làm Tổng Tư lệnh quân đội đến nay chưa bao giờ to tiếng với một ai cả, kể cả khi cấp dưới làm sai. Có sai thì ông cũng mời vào ngồi nói chuyện mà thông thường thì bao giờ cũng khêu gợi lại những mặt tốt, ưu điểm của anh ta trước nay sau đó mới nhắc chuyện cần chú ý thêm phần này phần kia chứ không phải gọi vào để quở mắng, để mổ xẻ. Nhiều cuộc “phê bình” như thế có tôi ngồi đấy. Tôi thấy đây là một điểm hiếm có.

Như những điều ông kể về hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì rõ ràng vị Tổng Tư lệnh quân đội không thu phục mọi người bằng sự oai nghiêm của một vị tướng “thét ra lửa” mà ông thuyết phục tất cả bằng một tư chất riêng?

Với tướng lĩnh quân đội, Đại tướng thu phục bằng tình cảm, hòa đồng nhưng không phải là nói với ông những chuyện sai mà được. Nói đúng ông tán thành, chấp nhận vui vẻ còn tướng cấp dưới nói sai, ông chỉnh lại ngay nhưng không phải bằng cách nói đao to búa lớn mà theo một kiểu rất văn hóa mà vẫn hết sức thuyết phục. Quân tướng cấp dưới bất cứ người nào cũng đều rất phục vì ông không chỉ có tài thao lược mà có cả tài ngoại giao nữa.

Tôi còn nhớ chuyện có 1 tướng cấp dưới phải thi hành kỷ luật. Lúc lên báo cáo, ông nói, kỷ luật phải thi hành nhưng cũng phải làm rõ vấn đề. Đại tướng còn “động viên”, việc kỷ luật cũng chỉ là nhắc nhở còn người phạm luật mà sửa được thì sau này chính là người giỏi nhất.
 
“Người sai phạm biết sửa chính là người giỏi nhất”
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn giai đoạn 1967–1975, sau giải phóng làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng GTVT.

Là “lính” của tướng Giáp, sau này, quá trình xây dựng đất nước, cùng đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) có khó cho ông hay cho chính Đại tướng trong ứng xử, sinh hoạt tại Chính phủ?

Tôi vẫn là cấp dưới nhưng Đại tướng hoàn toàn dân chủ, tại Chính phủ vẫn giơ tay, bỏ phiếu như nhau bình thường.

Lần cuối cùng ông gặp Đại tướng là khi nào?

Tháng nào tôi cũng vào thăm Đại tướng. Cách đây 5-6 tháng vào ông vẫn cười, nghe chuyện, gật đầu nhưng không nói được (1 năm trước ông còn nói được thỏ thẻ). Hơn 3 tháng vừa qua thì Đại tướng yếu đi nhiều.

Được biết Đại tướng trong thời gian đã nghỉ dưỡng bệnh cũng còn những lo lắng, ngổn ngang trong lòng về tình hình đất nước. Ông có được Đại tướng chia sẻ gì?

Đương nhiên những việc lớn của đất nước, Đại tướng có tham gia, có nêu ý kiến mặt này mặt khác, có vấn đề được tiếp thu. Tình hình phát triển đất nước mỗi thời kỳ có điểm riêng, Đại tướng nắm những vấn đề lớn, đại thể. Như chuyện bô-xít, những lo ngại của Đại tướng là hiện thực vì nhiều nước đi trước đã vấp. Là người học rộng, hiểu biết nhiều, cũng lên tiếng vì lo cho dân, cần cẩn trọng.

Xin cảm ơn Trung tướng!

P.Thảo