1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng không “hét ra lửa”

(Dân trí) - “Thầy tôi là một ông tướng có văn hóa, không chút vẻ quắc thước, “hét ra lửa” như liên tưởng thường thấy về một vị tướng. Làm việc với ông bao nhiêu năm, tôi chưa từng thấy ông cao giọng, gắt gỏng”, trợ lý của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ.

Đại tướng như vẫn đang dạo bộ quanh nhà
Một tháng trước, dịp sinh nhật Đại tướng 103 tuổi, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, sức khỏe Đại tướng tương đối ổn định. Anh em cán bộ công tác ở Văn phòng Đại tướng vẫn thường xuyên ra vào bệnh viện thăm Đại tướng, ông vẫn tỉnh táo, minh mẫn, nhận rõ từng người. Chỉ có vấn đề, theo yêu cầu của các y bác sĩ, việc các trợ lý báo cáo, trao đổi với Đại tướng về tình hình thời sự đã phải hạn chế, thưa dần.
Nhận điện thoại của phóng viên Dân trí chiều tối ngày 4/10, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghẹn giọng xác nhận thông tin Đại tướng vừa từ trần.
3 năm trước, dịp mừng Đại tướng đại thọ 100 tuổi, gặp ai vào thăm Đại tướng cũng hồ hởi, bắt tay thân mật, thăm hỏi từng người có khỏe không, giữ mọi người ở chơi, nói chuyện mãi không muốn cho về.

Về công tác tại Văn phòng, ở bên Đại tướng liên tục từ năm 1976 đến nay (ông Huân được phân công trong nhóm tư vấn giúp Đại tướng khi người đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật), với Đại tá Huân, gần 40 năm đã qua nhưng hình ảnh vị Tư lệnh QĐND Việt Nam từ buổi gặp gỡ đầu tiên đến lúc này vẫn hiển hiện thân thương như một người cha, một người thầy tự nhận danh xưng giản dị là "anh Văn" với các học trò.   

Vị Đại tướng “văn hóa” trong hồi tưởng của 2 trợ lý thân cận

Đại tá Trịnh Nguyên Huân vẫn hình dung rõ ràng cảnh Đại tướng đi bộ, tập thái cực quyền, tưới cây trong vườn nhà...

“Ngay từ lần đầu tiên ngỡ ngàng vì Đại tướng nói cứ xưng “anh Văn” cho đến giờ, cách xưng hô ấy vẫn không thay đổi, làm xóa mọi khoảng cách, nghi lễ… khiến tôi luôn cảm nhận sự gần gũi, bình dị của Đại tướng” – ông Huân nhớ lại.

Công việc của một người trợ lý khiến Đại tá Trịnh Nguyên Huân thấm phong cách làm việc, suy nghĩ nghiêm túc, nhiệt huyết, trách nhiệm của Đại tướng suốt những năm tháng đáng ra đã có thể hoàn toàn nghỉ ngơi của người. Đại tướng tận tình “cầm tay chỉ việc” nhưng cũng đòi hỏi rất cao đối với mỗi cán bộ, cộng sự.

Từ công việc của một người “chép chính tả” cho đến khi có thể phác thảo bài viết để Đại tướng sửa, từ chỗ sửa gần như toàn bộ tới chỗ được Đại tướng chấp nhận nhiều hơn, với Đại tá Huân, là cả quá trình nhiều năm vừa học vừa làm với Đại tướng.

Ông Huân vẫn nhớ từng thói quen của vị Tổng tư lệnh đầu tiên của QĐND Việt Nam như niềm say mê công việc, ngay cả lúc đi bộ tập thể dục trong vườn cũng phải vừa đi vừa nghe tin tức thời sự.

Đại tá Huân chia sẻ: “Đến khi Đại tướng bị ngã, chân đau, không đi lại được, phải vào viện điều trị, chúng tôi cũng vẫn được yêu cầu hàng ngày vào viện trình bày. Thời gian trước, Đại tướng vẫn thường ngồi nghe tin thời sự cả buổi 4 - 5 tiếng đồng hồ. Sau, do yêu cầu của các bác sỹ, chúng tôi phải chủ động hạn chế dần việc báo cáo, giảm xuống 2-3 tiếng đồng hồ mỗi buổi rồi duy trì việc báo cáo ngắn gọn trong khoảng 10 phút, để đảm bảo sức khỏe của Đại tướng”.

Lúc này, đã ý thức về thực tế Đại tướng đã mãi mãi ra đi, Đại tá Huân bàng hoàng khi hình dung rõ mồn một như vừa ít ngày trước, Đại tướng vẫn đi bộ quanh nhà, thong thả chăm sóc cây vườn, ngồi thiền hay chơi đàn piano mỗi buổi chiều sau giờ làm việc.

“Ông tướng có văn hóa”

Cũng trong vai trò trợ lý của Đại tướng nhưng từ những ngày đầu tiên gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, qua chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với Đại tá Nguyễn Văn Hiếu - Chánh Văn phòng Quân ủy TƯ khi đó, ký ức về vị Tổng tư lệnh quân đội chưa bao giờ mờ phai. Hiện ở trong căn nhà nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, sát nách sau khu nhà Đại tướng, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu vẫn ngày ngày ôn lại từng trận đánh, từng chiến trường cùng hành quân theo dấu chân Đại tướng.

Vị Đại tướng “văn hóa” trong hồi tưởng của 2 trợ lý thân cận

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng và Trung đoàn trưởng Thái Dũng (ngồi bên trái) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch biên giới 1950.

Ông nhớ rõ những ngày rong ruổi lên khu lòng chảo Mường Thanh, đi giữa bom đạn địch thả dọc đường để chặn đánh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn bình thản, vừa đi vừa suy nghĩ, trao đổi, vẫn yêu cầu cùng phân tích, nhận định về tình hình chiến sự ở Triều Tiên, bối cảnh nước bạn Lào…

Chánh Văn phòng Quân ủy TƯ cũng không thể quên hình ảnh Đại tướng những ngày trận chiến vào đỉnh điểm quyết liệt, vị Tổng tư lệnh toàn quân hết sức căng thẳng, đầu gần như “bốc hỏa”, y sĩ thậm chí phải dùng lá ngải cứu buộc vào trán để hạ hỏa cho ông. Vị thống soái quân đội xuống từng trận địa với cái đầu băng chặt đó.

Quyết định hoãn đánh trận Điện Biên Phủ khi đó – quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng, người đã chia sẻ với thư ký Nguyễn Văn Hiếu khiến người lính trẻ nhớ mãi như một dấu ấn đẹp về cách sống gần gũi, giản dị, cách đối nhân xử thế thuyết phục lòng người, một kỷ niệm sâu đậm cùng Đại tướng.

Nói về sự vĩ đại của một vị tướng tài năng xuất chúng cả thế giới công nhận, ngưỡng mộ, ông Hiếu chia sẻ giản dị: “Thầy tôi là một ông tướng có văn hóa, không chút vẻ quắc thước, “hét ra lửa” như liên tưởng thường thấy về một vị tướng. Làm việc với ông bao nhiêu năm, tôi chưa từng thấy ông cao giọng, gắt gỏng”.

Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng bình dị, thanh bần, không trà rượu, chè thuốc, suốt đời chỉ cơm cà, nước trắng vì cho rằng trà thuốc phải ngồi lâu, tốn thời gian. Những người thân cận, giúp việc cho Đại tướng vì vậy cũng sống đơn giản như thế.

Sau này, dù chuyển công tác, Đại tá Hiếu và Đại tướng vẫn giữ thư từ, liên lạc, chia sẻ từ chuyện thuận lợi, khó khăn, khúc mắc, buồn vui trong công việc tới chuyện cuộc sống, con cái, gia đình 2 bên.

“Đại tướng đối với tôi là người thầy, người anh lớn. Sống với nhau, cuối cùng cũng là cái tình. Tôi không tô vẽ về một con người” - ông Hiếu bùi ngùi nói.

P.Thảo