1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

“Người mẹ áo trắng” cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi

(Dân trí) - Không mang nặng đẻ đau, không quen biết, nhưng bằng lòng yêu thương, các y bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã dang rộng vòng tay nhân ái cưu mang những đứa trẻ tật nguyền, bị bỏ rơi tại bệnh viện.

Đến khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) đúng dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu thương bao la của đội ngũ cán bộ y tế nơi đây, những “người mẹ áo trắng” đã làm nên bao điều kỳ diệu cho những sinh linh bé bỏng chịu thiệt thòi.

Đó là câu chuyện về những đứa trẻ sinh ra không được may mắn, tật nguyền và bị bố mẹ, người thân bỏ rơi nơi bệnh viện. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, thương cho những đứa trẻ bất hạnh, các y bác sĩ khoa Nhi của bệnh viện đã đứng ra thay nhau túc trực, chăm nom và  nuôi dưỡng cho đến khi các bé lớn khôn.

Hình ảnh bé Thùy Nhi lúc mới sinh ra bị bố mẹ bỏ rơi nơi bệnh viện

Hình ảnh bé Thùy Nhi lúc mới sinh ra bị bố mẹ bỏ rơi nơi bệnh viện

Và có lẽ câu chuyện cảm động nhất là hoàn cảnh của bé Phan Thùy Nhi bị ba mẹ bỏ rơi khi mới cất tiếng khóc chào đời. Không như bao đứa trẻ khác, khi sinh ra Thùy Nhi đã mang trên mình rất nhiều dị tật bẩm sinh, trái tim nằm bên phải, bàn tay, chân bị khoèo và suy hô hấp nặng. Xót thương cho hoàn cảnh của bé, các y bác sĩ của bệnh viện đã dành cho bé sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Một góc nhỏ bên cạnh bàn làm việc của các điều dưỡng buồng đơn nguyên sơ sinh bệnh lý trở thành ngôi nhà thân thương của bé. Cái tên Thùy Nhi cũng được các bác sĩ nơi đây đặt cho với ý nghĩa bé là con gái của khoa Nhi và mang họ của bác sĩ Phan Thanh Hoài, người nhận làm cha đỡ đầu của bé.

Giờ đây bé Thùy Nhi đã bắt đầu cất
những tiếng gọi “ba, mẹ…” đầu tiên.

Giờ đây bé Thùy Nhi đã bắt đầu cất những tiếng gọi “ba, mẹ…” đầu tiên.

Chăm bé từ khi mới sinh ra và thương bé như con đẻ của mình, điều dưỡng Trần Thị Hoài Thông bồi hồi nhớ lại: “Khi bé sinh ra ốm yếu, bệnh tật, dường như ai cũng lo lắng cho sự sống của bé, rồi cứ thế từng ngày, từng giờ các bác sĩ, y tá phải luôn túc trực bên bé; ai cũng cầu mong bé sớm hồi phục, mỗi lúc nhìn bé nằm co quắp bên chiếc giường nhỏ xíu mà nước mắt mình cứ rơi”.

Cứ như thế, đến khi Thùy Nhi được khoảng 6 tháng tuổi, lúc đó bé mới bắt đầu có những phản xạ tự nhiên như: nuốt, mút… Rồi chính những “người mẹ” như chị Hoài Thông và nhiều y bác sĩ khác trong khoa đã thay nhau đi xin từng chút sữa mẹ, nấu từng chút cháo, súp cho bé.

Normal

Điều dưỡng Lê Thị Liên hạnh phúc bên bé Thùy Nhi

Giờ đây, Thùy Nhi đã có một gia đình trọn vẹn với người ông là bác sĩ Hà Công Thanh (Trưởng khoa Nhi), bà là điều dưỡng Trần Thị Hoài Thông, bố là bác sĩ Phan Thanh Hoài cùng những người mẹ trẻ hết lòng vì bé. Họ, chính những người đã trực tiếp chăm sóc Thùy Nhi cũng thấy rằng hành trình sự sống của bé là một điều kì diệu. Giờ đây bé Thùy Nhi đã có thể cất những tiếng gọi đầu đời “ba, mẹ…”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, nhiều y bác sĩ khoa Nhi còn nhớ như in, trường hợp của bé Ngọc Hà cách đây 6 năm về trước. Khi đó, mẹ bé Ngọc Hà bị mắc căn bệnh thế kỷ (AIDS) giai đoạn cuối, sinh bé ra cũng chính là lúc người mẹ qua đời. Bé sinh thiếu tháng nên bố của bé cũng như người thân không ai đến nhận bé về nuôi. Những lúc ấy, ngoài việc thay nhau chăm sóc cho bé, các y bác sĩ phải chạy vạy đi vận động các nhà hảo tâm xin kinh phí để nuôi dưỡng bé trong những ngày tháng bé nằm tại bệnh viện.

Sau 7 tháng, được sự vận động của bệnh viện, người thân của bé đã lên nhận lại bé, khi người nhà đến nhận bé Ngọc Hà, tất cả các y bác sĩ bệnh viện đã góp kinh phí và ủng hộ quần áo, sữa để hỗ trợ cho gia đình bé. 

Không chỉ Thùy Nhi, Ngọc Hà mà còn rất nhiều trường hợp bất hạnh khác bị bố mẹ bỏ rơi được chính tay các y bác sĩ nơi đây nhận chăm nom, nuôi nấng đến lớn khôn.

Normal

Tập thể cán bộ nhân viên Phòng Sơ sinh bệnh lý, khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới chụp chung với bé Thùy Nhi

Trao đổi chúng tôi, bác sĩ Phan Thanh Hoài (người lấy họ của mình để đặt tên cho bé Thùy Nhi) chia sẻ: “Từ khi công tác tại bệnh viện đến nay, chúng tôi gặp không ít trường hợp trẻ sơ sinh bị ba mẹ bỏ rơi, những lúc ấy các y bác sĩ không quản ngại khó khăn đứng ra thay nhau chăm sóc các bé như chính những người thân trong gia đình mình. Hiện tại trường hợp của bé Thùy Nhi đang được chính những người trong khoa Nhi chăm sóc, bởi bé vẫn còn thường xuyên đau ốm sau những lần phẫu thuật. Tôi và tất cả các y bác sĩ trong khoa phải đi vận động từng hộp sữa, từng bộ quần áo, … từ các nhà hảo tâm. Nhưng điều làm tôi trăn trở nhất là một mai bé lớn lên, những nhu cầu của bé càng lớn thì kinh phí để chăm lo cho bé là rất khó khăn”.

Normal

Nhiều người không còn nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần làm “mẹ” của những đứa bé bất hạnh bị bỏ rơi.

Với những y bác sĩ nơi đây, công việc ở bệnh viện không chỉ là nguồn kinh tế để nuôi sống gia đình mà còn là nơi họ đặt cái tâm lên hàng đầu, tự nguyện làm những "người cha, người mẹ áo trắng" để chăm nuôi những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi từ khi mới chào đời.

Đặng Tài - Vặn Lịnh