Người lính của Sư đoàn "Quả đấm thép"
(Dân trí) - Những ngày cuối tháng Tư này, cựu chiến binh Trần Văn Tiến (xóm 6B, xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An) rất bồi hồi, xúc động. Ông tự hào bởi là một trong những người lính cầm súng trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ký ức hào hùng
Năm 1974, vừa tròn 18 tuổi, anh thanh niên Trần Văn Tiến (sinh năm 1956) lên đường nhập ngũ. Anh được phân công vào Tiểu đội 3, Trung đội 1, C11, D3, E174, Sư đoàn 316 đóng quân tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Với nhiều chiến công chói lọi, Sư đoàn 316 được mệnh danh là "Quả đấm thép", là nỗi khiếp sợ của kẻ thù trên tất cả các chiến trường. Trở thành lính của sư đoàn "Quả đấm thép" là mơ ước và niềm tự hào của không ít thanh niên hồi đó.
Cuối năm 1974, Sư đoàn 316 được lệnh hành quân vào Tây Nguyên. Ông Tiến nhớ lại: "Những ngày hành quân vào chiến trường Tây Nguyên là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Qua Quảng Trị, thành cổ đã được giải phóng nhưng chỉ còn là một đống đổ nát. Rồi hành quân từ Quảng Trị sang Xavaxakhet vòng qua Xanavan, Atôbơ (Lào) trước khi đặt chân vào Kon Tum.
Hành quân vào mùa khô, thiếu thốn đủ bề, nhưng khổ nhất vẫn là không có nước uống. Khát cháy cổ, quần áo bị gió Lào sấy khô tưởng như có thể bẻ gãy được thành từng mảnh. Quán triệt phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", sự có mặt của Sư đoàn 316 cùng lực lượng pháo binh, sư đoàn 3, các trung đoàn độc lập, phòng không và xe tăng ở mặt trận Tây Nguyên đã khiến địch bất ngờ".
Sư đoàn được lệnh ăn Tết sớm để chuẩn bị tấn công tổng lực vào cứ địa của địch ở Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột. Đó là cái tết xa nhà và cũng là cái tết đầu tiên của binh nhì Trần Văn Tiến ở chiến trường. Tiếp đó là những ngày luyện tập làm quen với địa hình, với khí hậu và những mục tiêu giả định.
Liên tiếp các cuộc tấn công nghi binh và phối hợp có hiệu quả của các đơn vị, lực lượng địch tại Tây Nguyên nhanh chóng suy yếu. Lệnh trên đưa ra: Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu từ 3 giờ sáng ngày 10/3, mở đầu bằng trận tấn công vào Buôn Ma Thuột. Đêm ấy, cả chiến trường không ngủ. Pháo cao xạ bắn như vãi trấu vào rừng. Ai cũng chỉ chờ nghe "Xung phong" là nhào lên để trả thù cho đồng bào, đồng đội đã ngã xuống.
Đúng 3 giờ sáng, hiệu lệnh nổ súng vang lên. Núi rừng Tây Nguyên rung chuyển trong bom đạn. Anh lính trinh sát Trần Văn Tiến được phân công dẫn tăng vào kho đạn Mai Hắc Đế để chặn đứng nguồn tiếp tế vũ khí cho chiến trường địch. Hai bên giằng co quyết liệt nhưng mặt trận địch nhanh chóng vỡ khi chỉ huy đã dùng trực thăng tháo chạy. Trong trận này, binh nhất Trần Văn Tiến trúng mảnh pháo của địch, bị thương nặng nhưng nhất quyết không chịu rời trận địa, nhớ y tá băng bó vết thương lại tiếp tục xông lên.
Với trang trại chăn nuôi cá, vịt... mỗi năm ông thu nhập gần 100 triệu đồng
Chỉ sau gần 1 ngày nổ súng, Sư đoàn 316 hoàn toàn làm chủ Buôn Ma Thuột. Ông Trần Văn Tiến nhớ lại: "Hàng đêm, cứ nhắm mắt là tôi thấy hình ảnh người đồng đội Nguyễn Viết Bình (quê Hà Nam Ninh) ngã xuống trước họng súng kẻ thù. Dùng bao tử sỹ của mình bọc xác đồng đội, tôi phát hiện một tên địch đang chạy trốn, chân hắn bị thương nặng. Lúc đó tôi chỉ muốn nã nguyên một băng đạn vào nó để trả thù cho đồng đội nhưng có cái gì đó thôi thúc tôi dừng lại: "Hắn cũng có gia đình, có vợ con...". Tôi hạ súng xuống, xông vào trói gô hắn lại. Vai vác Bình, tay giương súng tôi áp giải tên địch về tuyến sau để ta khai thác thông tin".
Chiến tranh đã lùi xa, do điều kiện kinh tế nên ông mới chỉ vào thăm lại chiến trường xưa được một lần. Chuyến đi ngắn ngủi ấy ông không kịp tìm mộ người đồng đội thân yêu đã ngã xuống. Bởi vậy mong muốn cháy bỏng của ông là một lần được thăm gia đình liệt sỹ Bình, để kể cho họ nghe anh đã chiến đấu và hi sinh anh dũng như thế nào.
Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, Sư đoàn 316 được lệnh hành quân thần tốc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ông cũng là một trong những người được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử khi lá cờ sao vàng năm cánh tung bay trên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.
Sài Gòn rực rỡ trong cờ và hoa, đấy cũng là lần đầu tiên trong đời người lính trẻ Trần Văn Tiến được nhận những bó hoa của các mẹ, các chị, các em gái miền Nam ruột thịt. Chiến tranh kết thúc, Sư đoàn 316 chuyển ra Bắc rồi tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Trong trận chiến ngày 17/2/1979 ông bị thương nặng, hỏng mắt bên phải và được chuyển về tuyến sau. Đến năm 1984 ông xuất ngũ trở về địa phương. Với những đóng góp của mình cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ông đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương.
Thương binh tàn nhưng không phế
Về với ruộng vườn, ký ức về những trận chiến, về những hi sinh mất mát của đồng đội, về những trải nghiệm qua cuộc đời quân ngũ giúp ông vững vàng hơn trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống thường nhật. Gánh nặng cơm áo, học hành của con khiến ông phải thao thức nhiều đêm. Để có tiền trang trải chi tiêu, bên cạnh đồng lương thương binh 3/4 của ông, bà Đinh Thị Bình - vợ ông phải đi làm tạp vụ.
Năm 2008, khi đã bước qua cái tuổi 50, ông quyết định phát triển kinh tế theo hướng trang trại. Ở cái tuổi ấy mà bắt đầu làm kinh tế trang trại khiến không ít người ái ngại cho ông. Thế nhưng ông lại nghĩ khác: "Xóa đói giảm nghèo thì không bao giờ muộn cả. Mình không làm được nữa thì con mình sẽ làm thay cha. Chỉ có thụ động, ngồi đợi sự trợ cấp của nhà nước thì mới đáng xấu hổ".
Được sự động viên của vợ, con ông bắt tay vào cuộc chiến chống đói nghèo. Đó là những ngày tháng ngày giang nắng, đêm trải chiếu ngủ ngoài đồng để chăm ao cá, nuôi vịt, gà, trâu bò. Sau những tháng ngày đổ mồ hôi trên mảnh đất quê hương ông đã có một số vốn khá khá, trung bình mỗi năm thu nhập được gần 100 triệu đồng. Ông động viên con trai nhận chăm sóc mấy ha thông khai thác nhựa để tăng thu nhập. Hiện nay, toàn bộ trang trại ông đã bàn giao lại cho con. Ông bảo: "Mình xây cái móng, còn cái nhà chúng phải tự làm lấy. Có va vấp mới trưởng thành được".
Những ngày này ông lại sống trong không khí rạo rực của ngày toàn thắng. Và vui sướng hơn khi đây là dịp để ông được gặp lại những người đồng chí, đồng đội, cùng nhau hàn huyên tâm sự về một thời máu lửa chiến tranh. "30/4 năm nào chúng tôi cũng tụ họp. Những người lính sống sót ngày ấy giờ người còn người mất... Những người còn sống chúng tôi hứa với nhau là sống thật tốt, thật ý nghĩa, sống cho cả những người đã ngã xuống ngày hôm qua", ông Tiến tâm sự.